Những khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất nổi bật ở một số địa phương

0:00 / 0:00
0:00

(BĐT) - Trên hành trình 30 năm xây dựng và phát triển, hệ thống khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX), khu kinh tế (KKT) của Việt Nam không ngừng phát triển, trở thành nhân tố quan trọng trong việc thu hút đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đặc biệt trong xu thế dịch chuyển dòng vốn đầu tư hiện nay. Báo Đấu thầu trân trọng giới thiệu một số KCN, KCX, KKT nổi bật ở một số địa phương.

Mạng lưới khu công nghiệp, khu chế xuất đã và đang phát huy vai trò quan trọng trong việc thu hút đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm cho người lao động ở nước ta. Ảnh: Lê Tiên
Mạng lưới khu công nghiệp, khu chế xuất đã và đang phát huy vai trò quan trọng trong việc thu hút đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm cho người lao động ở nước ta. Ảnh: Lê Tiên

Khu công nghiệp Thăng Long (Hà Nội)

KCN Thăng Long có diện tích 274,3 ha, nằm trên địa bàn huyện Đông Anh, Hà Nội. KCN này được thành lập theo Giấp phép đầu tư số 1845/GP do Bộ Kế hoạch và Ðầu tư cấp ngày 22/2/1997 và được phát triển bởi Thăng Long Industrial Park, một liên doanh giữa Công ty Sumitomo của Nhật Bản và Công ty Cơ khí Đông Anh.

Theo Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch TP. Hà Nội, KCN Thăng Long hiện đã lấp đầy, trên 100 doanh nghiệp đang hoạt động tại đây. Lĩnh vực khuyến khích thu hút đầu tư vào KCN này gồm: công nghiệp cơ khí, công nghiệp điện tử, công nghiệp chính xác, công nghiệp nhẹ, công nghệ thông tin, công nghệ cao.

Khu kinh tế Dung Quất (Quảng Ngãi)

Khu kinh tế Dung Quất được thành lập năm 2005, tại phía Đông huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, là một khu kinh tế theo hướng mở. Khu vực nghiên cứu quy hoạch có tổng diện tích khoảng 45.332 ha, bao gồm: phần diện tích Khu kinh tế hiện hữu là 10.300 ha, phần diện tích mở rộng khoảng 24.280 ha và khoảng 10.752 ha diện tích mặt biển.

Hiện nay, Khu kinh tế Dung Quất là khu kinh tế tổng hợp, phát triển đa ngành, đa lĩnh vực.

Khu công nghiệp phức hợp VSIP

Được thành lập năm 1996, là biểu tượng cho tình hữu nghị và hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Singapore, trong 24 năm xây dựng và phát triển, VSIP đã không ngừng mở rộng với 9 KCN tại Bình Dương, Bắc Ninh, Hải Phòng, Quảng Ngãi, Hải Dương và Nghệ An với tổng diện tích 8.600 ha. Cho đến nay, VSIP là biểu tượng thành công của mô hình KCN chuyển đổi từ cách làm truyền thống thành khu liên hợp công nghiệp, đô thị và dịch vụ hiện đại, tạo sức hút lớn cho nhà đầu tư trong nước và quốc tế, được vinh danh là “nhà phát triển công nghiệp hàng đầu tại Việt Nam” trong nhiều năm. VSIP là mô hình KCN liên doanh đầu tư giữa các đối tác trong và ngoài nước đầu tiên tại Việt Nam, trong đó phần vốn của Tổng công ty Đầu tư và phát triển Becamex IDC chiếm 49% và vốn của liên minh các nhà đầu tư Singapore do Tập đoàn Sembcorp Development (Singapore) làm đại diện chiếm 51%.

Khu kinh tế mở Chu Lai (Quảng Nam)

Khu kinh tế mở Chu Lai là khu kinh tế ven biển đầu tiên được thành lập vào năm 2003 tại tỉnh Quảng Nam. Đến nay, tổng số dự án trên địa bàn Khu kinh tế mở Chu Lai khoảng 160 dự án với tổng vốn đầu tư hơn 80.000 tỷ đồng, tương đương hơn 3,7 tỷ USD. Trong đó có 43 dự án FDI với tổng vốn đăng ký gần 702,3 triệu USD, 113 dự án đi vào hoạt động với vốn thực hiện hơn 43,09 nghìn tỷ đồng (trong số này có 35 dự án FDI, vốn thực hiện khoảng 390,1 triệu USD).

Một số dự án quy mô lớn đã đầu tư vào Khu kinh tế mở Chu Lai như: Tổ hợp KCN cơ khí ô tô Chu Lai Trường Hải; Nhà máy Kính nổi Chu Lai; Nhà máy Sản xuất soda Chu Lai; Nhà máy Sản xuất động cơ Hyundai; Khu nghỉ dưỡng Nam Hội An; Khu du lịch sinh thái Chu Lai... Từ khi Khu kinh tế mở Chu Lai ra đời, các khu dân cư, KCN, khu đô thị, khu du dịch với nhiều dự án được hình thành, trong đó có những dự án quy mô lớn mang tầm quốc gia, quốc tế đã được đầu tư trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.

Khu công nghiệp Becamex Bình Phước

KCN Becamex Bình Phước thành lập năm 2008, có tổng diện tích 1.993 ha, tổng vốn đầu tư hạ tầng khoảng 2.932,5 tỷ đồng. KCN này nằm trên địa bàn huyện Chơn Thành tỉnh Bình Phước với diện tích hiện tại 4.600 ha, trong đó khoảng 2.400 ha đất phát triển công nghiệp và 2.200 ha đất dịch vụ và đô thị. Ngoài ưu điểm vượt trội về vị trí địa lý, hạ tầng giao thông như nằm trên tuyến đường giao thông quan trọng, kết nối nhiều KCN lớn của tỉnh Bình Phước và các tỉnh, thành lân cận, nằm cạnh khu vực tứ giác kinh tế trọng điểm phía Nam (TP.HCM, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu và Đồng Nai), Becamex IDC (chủ đầu tư) đã quy hoạch và xây dựng hoàn chỉnh hạ tầng KCN Becamex Bình Phước, thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư.

Khu chế xuất Tân Thuận (TP.HCM)

KCX Tân Thuận là KCX đầu tiên của Việt Nam, được thành lập theo Quyết định số 394/CT ngày 25/11/1991 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ). KCX Tân Thuận nằm tại phường Tân Thuận Đông, Quận 7, TP.HCM với diện tích 300 ha, kề bên Khu đô thị Phú Mỹ Hưng. Hiện có 150 doanh nghiệp đang hoạt động trong KCX này, chủ yếu là sản xuất hàng xuất khẩu như may mặc, linh kiện điện tử, da giày...

Việc thành lập và đưa KCX Tân Thuận vào hoạt động là tiền đề cho TP.HCM tiếp tục thành lập nhiều KCX khác, mở ra cánh cửa lớn thu hút các nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam, tạo nên làn sóng đầu tư nước ngoài vào TP.HCM và các vùng lân cận. Hoạt động của KCX này góp phần giúp TP.HCM thực hiện 5 mục tiêu kinh tế của Chính phủ: thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước; giải quyết việc làm; du nhập kỹ thuật và kinh nghiệm quản lý tiên tiến; tăng năng lực xuất khẩu, tạo nguồn thu ngoại tệ; góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của Thành phố phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa.

Khu công nghiệp Bình Xuyên (Vĩnh Phúc)

KCN Bình Xuyên được thành lập vào cuối năm 2004, nằm ở thị trấn Hương Canh, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc. Đến nay, KCN Bình Xuyên đã thu hút hơn 60 tập đoàn, doanh nghiệp trong nước và nước ngoài.

KCN này do Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng An Thịnh làm chủ đầu tư với tổng diện tích 982 ha, có hạ tầng kỹ thuật đồng bộ gồm trạm điện, nhà máy nước, hệ thống đường giao thông thuận tiện, hệ thống thoát nước mưa và xử lý nước thải riêng, các dịch vụ tài chính, ngân hàng, hải quan...

Khu công nghiệp Yên Bình (Thái Nguyên)

KCN Yên Bình là khu công nghiệp điển hình của tỉnh Thái Nguyên trong thu hút đầu tư. KCN Yên Bình nằm trên địa bàn thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên với tổng diện tích hiện nay được quy hoạch là 693 ha, trong đó có 400 ha dành cho đất công nghiệp và nhà xưởng cho thuê. KCN Yên Bình đi vào hoạt động từ năm 2014 và là KCN được Tập đoàn Samsung của Hàn Quốc lựa chọn để triển khai Dự án Đầu tư tổ hợp công nghệ cao Samsung chuyên sản xuất điện thoại di động và các sản phẩm điện tử công nghệ cao. Tổ hợp Samsung với 2 nhà máy SEVT và SEMV có tổng mức đầu tư hơn 7 tỷ USD tại KCN Yên Bình đóng vai trò to lớn trong sự phát triển của tỉnh Thái Nguyên ngày nay.

Khu công nghiệp Mỹ Phước 3 (Bình Dương)

KCN Mỹ Phước 3 được thành lập năm 2006, nằm tại xã Thới Hòa và xã Chánh Phú Hòa, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương, do Tổng công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp (Becamex IDC) đầu tư với tổng diện tích 997,7 ha, tổng vốn đầu tư 1.219 tỷ đồng.

Khu đô thị công nghiệp Mỹ Phước 3 có các tuyến đường huyết mạch chạy qua như: đường nối TP.HCM - Tây Nguyên, đường cao tốc Mỹ Phước - Tân Vạn - Sân bay quốc tế Long Thành, đường nối Củ Chi - Mỹ Phước - Đồng Nai, được quy hoạch thông minh và khoa học, là tiền đề để cư dân và doanh nghiệp có thể kết nối trong và ngoài thành phố một cách tiện lợi. KCN Mỹ Phước 3 cũng được mệnh danh là KCN không khói và đáng sống nhất tỉnh Bình Dương.

Chuyên đề