Những khu công nghiệp được gắn mác “xanh”

0:00 / 0:00
0:00

(BĐT) - Bên cạnh các khu công nghiệp (KCN) của Việt Nam, những KCN do các doanh nghiệp (DN) đến từ Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan liên doanh hay làm chủ đầu tư cũng luôn có những đòi hỏi khắt khe về môi trường và an toàn lao động.

Hai tiêu chí đầu tiên thường được các khu công nghiệp gắn mác “xanh” hướng đến, đó chính là những yêu cầu khắt khe về môi trường và an toàn lao động. Ảnh: Lê Tiên
Hai tiêu chí đầu tiên thường được các khu công nghiệp gắn mác “xanh” hướng đến, đó chính là những yêu cầu khắt khe về môi trường và an toàn lao động. Ảnh: Lê Tiên

Không đánh đổi môi trường

Hai tiêu chí đầu tiên thường được các KCN gắn mác “xanh” hướng đến, đó chính là những yêu cầu khắt khe về môi trường và an toàn lao động. Được hoàn thiện vào năm 1997 với quy mô 500 ha, nằm trên đại lộ Hữu Nghị thuộc thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương, KCN Việt Nam - Singapore I (VSIP I) luôn được xem là một trong những KCN kiểu mẫu của cả nước nhờ hệ thống quản lý và kết cấu hạ tầng đều đạt tiêu chuẩn quốc tế. Sau 24 năm hoạt động, KCN đã được phủ kín 100% với tổng nguồn vốn đầu tư khoảng 3,2 tỷ USD từ 231 dự án. “Quả ngọt” này do Công ty liên doanh TNHH KCN Việt Nam - Singapore (VSIP), một liên doanh giữa Tổng công ty Becamex IDC và Tập đoàn Sembcorp Industries làm chủ đầu tư, với tổng vốn đầu tư ngay từ đầu lên đến hơn 1,5 tỷ USD.

Năm 2006, VSIP tiếp tục phát triển dự án VSIP II, với diện tích khoảng 345 ha, trong Khu liên hợp công nghiệp - đô thị - dịch vụ Bình Dương có quy mô 4.196 ha, thuộc địa bàn thị xã Bến Cát, thị xã Tân Uyên và thành phố Thủ Dầu Một. Đến năm 2008, VSIP II tiếp tục được mở rộng thêm khoảng 1.700 ha với 1.000 ha phát triển KCN và 700 ha phát triển khu đô thị và dịch vụ, nâng tổng quy mô của dự án này lên 2.045 ha. Đến nay, VSIP II đã hoàn thành xây dựng hạ tầng, lấp đầy 99% diện tích KCN với sự có mặt của gần 340 dự án, thu hút nguồn vốn đầu tư khoảng 5 tỷ USD. Hiện VSIP đang tiếp tục triển khai dự án VSIP III tại xã Hội Nghĩa, thị xã Tân Uyên và xã Tân Lập, huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương, với tổng diện tích dự kiến 1.000 ha, tổng mức đầu tư 6.407 tỷ đồng.

Trên thực tế, việc kết hợp giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước để bắt tay phát triển hạ tầng các KCN ở Việt Nam không phải ít. Sau thành công của KCN Amata ở Biên Hòa, Đồng Nai có quy mô 513,01 ha, tỷ lệ lấp đầy đạt hơn 90%, với các ngành nghề thu hút đầu tư đòi hỏi phải thân thiện môi trường, không gây ô nhiễm, ít thâm dụng lao động, cuối năm 2018 chủ đầu tư đến từ Thái Lan này cũng đã khởi công xây dựng KCN Sông Khoai tại thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh với tổng vốn đầu tư 3.535 tỷ đồng, quy mô 123 ha. Và trong năm 2019, Amata xin đầu tư dự án Amata City Long Thành với diện tích 1.265 ha gồm khu công nghệ cao, khu dịch vụ, đại đô thị.

Cuối năm 2018, KCN hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản, tọa lạc tại phường Tân Phú, quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ có quy mô diện tích giai đoạn 1 hơn 30 ha, cũng đã được khánh thành và đi vào hoạt động. Đây là KCN hiện đại với hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội đồng bộ, đảm bảo tiêu chuẩn KCN xanh, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu mặt bằng xây dựng nhà xưởng cho các doanh nghiệp Nhật Bản nói riêng và các nhà đầu tư nói chung.

Năm ngoái, Hàn Quốc cũng bày tỏ ý định đầu tư KCN thông minh trị giá gần 900 triệu USD tại An Giang, với cam kết sẽ sử dụng các công nghệ tiên tiến, hiện đại của thế giới và Hàn Quốc đảm bảo các tiêu chuẩn về môi trường của quốc tế và Việt Nam.

Không xa rời các tiêu chí đã định

Có thể nói, thành quả đạt được trong xây dựng hạ tầng KCN và thu hút đầu tư của các công ty mới chỉ là phần cứng, còn phần mềm vẫn phải tập trung vào các tiêu chí phát triển bền vững. Có chủ đầu tư tập trung phát triển nguồn nhân lực, dịch vụ, nhưng cũng có chủ đầu tư phát triển các KCN theo mô hình khu phức hợp gồm công nghiệp, dịch vụ, đô thị. Nghĩa là, vừa sản xuất công nghiệp, có nơi ở cho người lao động và chuyên gia, có nơi đào tạo nguồn nhân lực và cung cấp các dịch vụ y tế, trường học cho con em người lao động. Dù xuất phát từ mục tiêu nào, thì vấn đề an toàn lao động, thân thiện môi trường, đảm bảo an sinh xã hội đòi hỏi các chủ đầu tư phải hướng đến.

Một cán bộ hoạt động trong lĩnh vực thanh tra về an toàn lao động cho biết, nhìn chung, tại các KCN được gắn mác “xanh” hiện nay, việc đảm bảo an toàn lao động cho công nhân được các DN thực hiện khá tốt. Qua theo dõi về công tác an toàn - vệ sinh lao động tại các DN ở KCN cho thấy, các DN đã đầu tư trang thiết bị, công nghệ hiện đại, nhà xưởng sản xuất đạt tiêu chuẩn khu vực và quốc tế với các phương tiện hỗ trợ lao động đầy đủ hơn; người lao động được học tập kiến thức về an toàn vệ sinh lao động, an toàn phòng chống cháy nổ khá đầy đủ.

Theo Vụ Quản lý các khu kinh tế thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, bảo vệ môi trường KCN là một vấn đề sống còn. Đối với nước ta, vấn đề bảo vệ môi trường trong phát triển kinh tế nói chung và phát triển KCN, khu chế xuất (KCX), khu kinh tế (KKT) nói riêng đã được Đảng, Nhà nước quan tâm và đề cập đến ngay từ những năm đầu hình thành, phát triển. Được khởi nguồn từ năm 1991 với việc thành lập KCX Tân Thuận, đến nay cả nước có 369 KCN được thành lập với tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 113,8 nghìn ha. Hiện đã có 105 KCN xây dựng và đi vào vận hành nhà máy xử lý nước thải, còn lại đang trong giai đoạn xây dựng và giải phóng mặt bằng. Như vậy, so với những năm đầu của kế hoạch 5 năm 2006 - 2010, tỷ lệ các KCN có công trình xử lý nước thải tập trung được vận hành đã tăng lên đáng kể.

Bên cạnh những đóng góp tích cực, quá trình phát triển các KCN cũng đã và đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn về ô nhiễm môi trường. Trong đó, vấn đề xử lý nước thải, khí thải, chất thải rắn và chất thải nguy hại đặc biệt cần được chú trọng. Để đảm bảo hiệu quả công tác bảo vệ môi trường KCN trong thời gian tới, theo Vụ Quản lý các KKT, khi lập quy hoạch phải tính ngay tới các tác nhân gây ô nhiễm môi trường và đề xuất các giải pháp bảo vệ môi trường. Mặt khác, thu hút đầu tư vào KCN phải ưu tiên những ngành công nghiệp sạch, ít ô nhiễm. Đặc biệt, chủ đầu tư KCN phải chịu trách nhiệm thực hiện đầy đủ các cam kết trong báo cáo đánh giá tác động môi trường của KCN.

Ý thức DN trong KCN, KCX, KKT về bảo vệ môi trường đã được cải thiện. Các chủ đầu tư hạ tầng KCN cũng nêu cao tinh thần này ngay từ đầu, nhất là những KCN “ngoại”. Việc đầu tư cho công tác môi trường có thể làm tăng nhiều chi phí hoạt động của DN, nhưng không vì thế mà lơ là việc bảo vệ môi trường.

Chuyên đề