Những doanh nghiệp Việt “đem chuông đi đánh xứ người”

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Bối cảnh kinh tế lúc thăng, lúc trầm, nhưng thị trường toàn cầu với quy mô dân số 8 tỷ người luôn là mảnh đất rộng lớn, giàu tiềm năng cho các doanh nghiệp Việt mạnh mẽ bước ra thế giới.
Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình vừa ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược với PrimeTech Constructions Pty Ltd để phối hợp triển khai dự án tại Quốc đảo Vanuatu
Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình vừa ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược với PrimeTech Constructions Pty Ltd để phối hợp triển khai dự án tại Quốc đảo Vanuatu

Trong ngành công nghệ, FPT đang hướng đến mốc 1 tỷ USD doanh số ký trên thị trường quốc tế năm 2023. Trong ngành dầu khí, PV Drilling và PTSC từng bước đem ngành dịch vụ kỹ thuật dầu khí Việt Nam đến nhiều vùng đất lạ. Trong ngành xây dựng, CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình dự kiến làm tổng thầu thiết kế và thi công công trình trị giá 1,35 tỷ AUD tại Quốc đảo Vanuatu… Những nỗ lực trên góp sức tạo hiệu quả cho doanh nghiệp, đồng thời lan tỏa bản lĩnh và năng lực Việt trên trường quốc tế…

FPT: Mục tiêu doanh số quốc tế 1 tỷ USD

Sau hơn 20 năm vươn ra thị trường quốc tế, FPT dự kiến sẽ đạt doanh số ký 1 tỷ USD ở thị trường nước ngoài vào năm 2023. Hiện diện tại 29 quốc gia và vùng lãnh thổ, FPT ghi nhận nhiều đơn hàng lớn, trong đó có hàng chục dự án quy mô trên 5 triệu USD, hàng trăm dự án quy mô 1 triệu USD… Ông Nguyễn Văn Khoa, Tổng giám đốc FPT chia sẻ, triển vọng lĩnh vực công nghệ thông tin 2023 vượt trội so với 2022, mức tăng chi tiêu cho công nghệ thông tin của thế giới có thể cán mốc 4.600 tỷ USD. Tại Việt Nam, chương trình chuyển đổi số quốc gia bước vào giai đoạn nước rút, mở ra nhiều cánh cửa mới cho các doanh nghiệp công nghệ. “Thách thức vẫn còn, nhưng cơ hội không ít. Chúng tôi đặt ra mục tiêu tăng trưởng doanh thu 18,8% và lợi nhuận tăng 18,2% trong năm 2023”, ông Khoa cho biết.

Tính đến năm 2022, FPT đã có 10 năm liên tiếp tăng trưởng mạnh mẽ với mức lợi nhuận sau thuế năm 2022 gấp 3,27 lần năm 2012. Riêng giai đoạn 2018-2022, nền kinh tế thế giới cũng như trong nước liên tục chịu các cú sốc bất thường từ dịch bệnh đến chiến tranh, tăng trưởng lợi nhuận bình quân của FPT đạt 19%/năm. Năm 2022, FPT có doanh thu đạt 44.010 tỷ đồng, tăng 23,4% so với năm 2021, lợi nhuận sau thuế đạt 6.491 tỷ đồng, tăng trưởng 21,3%.

Chuỗi tăng trưởng của FPT tiếp tục nối dài sang năm 2023. 7 tháng đầu năm 2023, Tập đoàn ghi nhận 28.429 tỷ đồng doanh thu, tăng 22,4% so với cùng kỳ năm 2022, lợi nhuận trước thuế đạt 5.069 tỷ đồng, tăng 19,5% so với cùng kỳ. Mảng công nghệ thông tin tại thị trường nước ngoài mang về 13.243 tỷ đồng doanh thu và 2.174 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế cho FPT sau 7 tháng, tăng trưởng 30,4% về doanh thu và 34,1% về lợi nhuận so với cùng kỳ năm 2022. Khối lượng đơn hàng ký mới tại thị trường nước ngoài đạt 16.695 tỷ đồng, tăng trưởng 21,3%.

Tại Đại hội đồng cổ đông năm 2023, lãnh đạo FPT chia sẻ, khối công nghệ FPT đang hướng đến các hợp đồng với quy mô vài chục, vài trăm triệu USD tại Mỹ, Nhật, châu Âu. FPT sẽ đầu tư mỗi năm từ 35 - 50 triệu USD cho các mục tiêu M&A để mở rộng lãnh thổ. “Chúng tôi triển khai 24/7 các dịch vụ công nghệ thông tin cho khách hàng trên phạm vi toàn cầu, không phụ thuộc vào việc mặt trời vươn lên hay lặn xuống ở nơi nào”, Tổng giám đốc FPT khẳng định.

PV Drilling: Khẳng định uy tín trên thị trường khoan quốc tế

Tháng 7/2023, thuyền trưởng Nguyễn Cao Thông - đại diện giàn khoan tiếp trợ nửa nổi nửa chìm TAD - PV DRILLING V của Tổng công ty Khoan và Dịch vụ khoan dầu khí (PV Drilling) đã được Shell Petroleum Company Sdn Bhd (BSP) tại Brunei tặng thưởng vì thành tích thực hiện thành công việc kéo thả neo - một trong những công tác quan trọng mỗi khi giàn di chuyển qua vị trí khoan mới - liên tục 24/24. Nỗ lực của thuyền trưởng Nguyễn Cao Thông giúp tiết kiệm thêm 1 triệu đô la Brunei (gần 18 tỷ đồng) cho khách hàng. Năng lực cũng như sự chuyên nghiệp trong cung cấp dịch vụ PV Drilling trên thị trường khoan quốc tế tiếp tục lan tỏa với sự ghi nhận của BSP.

Thị trường xây dựng đang thay đổi nhanh chóng với sự vươn lên mạnh mẽ của các nhà thầu Việt như Coteccons, Xây dựng Hòa Bình, Vinaconex… Không chỉ chinh phục thị trường trong nước, một số nhà thầu đang từng bước vươn ra thị trường toàn cầu.

Giàn khoan TAD - PV DRILLING V hoạt động theo hợp đồng khoan với BSP tại Brunei từ 28/01/2022 và liên tục duy trì hoạt động an toàn, hiệu quả, với hiệu suất hoạt động trung bình năm 2022 đạt 98,17%. Trước năm 2018, PV Drilling chủ yếu thực hiện các hợp đồng khoan tại thị trường nội địa. Trước bối cảnh khó khăn của giai đoạn 2016 - 2021 khi giá dầu thô duy trì ở mức thấp khiến thị trường khoan lao đao, khối lượng công việc khan hiếm, Tổng công ty phải tìm các giải pháp ứng phó và một trong số đó là tìm kiếm các hợp đồng cung cấp dịch vụ ra nước ngoài.

Năm 2019, 5/6 giàn khoan của PV Drilling hoạt động ở nước ngoài đã giúp Tổng công ty vượt qua được giai đoạn khủng hoảng của ngành (do biến động giá dầu) và trở thành một trong số ít nhà thầu khoan trên thế giới giữ được thương hiệu, mà không phải trải qua quá trình mua bán, sáp nhập, tái cơ cấu hay cấp thêm vốn từ các cổ đông. Năm 2022, hiệu quả kinh doanh của PV Drilling phục hồi do lượng công việc nhiều lên, nhu cầu dầu, giá dầu gia tăng và thị trường dầu khí nói chung, thị trường khoan nói riêng ấm dần trở lại. 6 tháng đầu năm 2023, PV Drilling đạt doanh thu thuần 2.637 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 207 tỷ đồng, trong đó, lợi nhuận sau thuế quý II/2023 là 155 tỷ đồng, là mức lợi nhuận cao nhất theo quý từ nhiều năm gần đây.

Ông Nguyễn Xuân Cường, Tổng giám đốc PV Drilling cho biết, việc giàn khoan PV DRILLING II hoàn thành chiến dịch khoan cho Premier Oil Natuna đã đánh dấu một bước tiến quan trọng cho PV Drilling trong việc đặt những nền móng đầu tiên tại thị trường Indonesia. Đây chính là tiền đề để Pertamina tin tưởng và chọn giàn PV DRILLING II thực hiện chiến dịch khoan dài hạn. Bên cạnh đó, giàn khoan PV DRILLING V tiếp tục duy trì hiệu suất hoạt động ổn định, an toàn và được đánh giá là nhà thầu tốt thứ 2 trong tất cả các nhà thầu khoan đang cung cấp dịch vụ giàn khoan cố định cho Shell Global. “Những thành công này cùng với tín hiệu khả quan từ thị trường tiếp tục tạo đà cho sự phát triển của Tổng công ty năm 2023 và tiếp những năm sau đó”, ông Cường nhận định.

Mở rộng hoạt động sang thị trường nước ngoài đã giúp PV Drilling vượt qua giai đoạn khủng hoảng của ngành dầu khí toàn cầu. Ảnh: Hoàng Hà

Mở rộng hoạt động sang thị trường nước ngoài đã giúp PV Drilling vượt qua giai đoạn khủng hoảng của ngành dầu khí toàn cầu. Ảnh: Hoàng Hà

PTSC: Thử thách càng lớn, cơ hội càng lớn

Tổng CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC) cũng “băng ra biển lớn”, kiếm nguồn công việc tại nhiều thị trường nước ngoài. Quý II/2021, Công ty TNHH MTV dịch vụ cơ khí hàng hải PTSC (PTSC M&C) - đơn vị trực thuộc của PTSC - ký hợp đồng tổng thầu EPCI Dự án Gallaf - Giai đoạn 3, gói 05 của North Oil Company (NOC), thuộc mỏ Al-Shaheen-mỏ dầu ngoài khơi lớn nhất của Qatar và là một trong những mỏ dầu ngoài khơi lớn nhất thế giới.

Ông Phan Thanh Tùng, Chủ tịch PTSC cho rằng, “thử thách càng lớn, cơ hội càng lớn”, thị trường quốc tế đầy tiềm năng khi năng lượng tái tạo nói chung, điện gió nói riêng đang là lĩnh vực được ưu tiên phát triển. Ở dấu mốc 30 năm phát triển, PTSC chọn tầm nhìn xây dựng Tổng công ty thành thương hiệu quốc tế uy tín - nhà cung cấp giải pháp trọn gói hàng đầu trong lĩnh vực năng lượng với trọng tâm là ngành dầu khí và năng lượng tái tạo ngoài khơi. Trong hồ sơ năng lực của PTSC, PTSC tham gia đấu thầu và nhận được nhiều hợp đồng EPC cho các dự án điện gió ngoài khơi như dự án Hải Long 2&3, dự án Greater Changhua tại Đài Loan và dự án Baltica 2 tại Ba Lan...

Xây dựng Hòa Bình: Kỳ vọng hợp đồng tỷ USD từ thị trường ngoại

Tuần cuối tháng 8/2023, CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (Xây dựng Hòa Bình) cho biết đã ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược với PrimeTech Constructions Pty Ltd để phối hợp triển khai dự án Matevulu Sands Hotel and Resorts tại Quốc đảo Vanuatu do Matevulu Sands Limited là Chủ đầu tư. Dự án có tổng giá trị đầu tư 2,7 tỷ AUD (khoảng 42.425 tỷ đồng), trong đó, Xây dựng Hòa Bình là tổng thầu thiết kế và thi công các hạng mục xây dựng trị giá khoảng 1,35 tỷ AUD (khoảng 21.219 tỷ đồng). Dự kiến toàn bộ dự án sẽ chia ra 3 giai đoạn và hoàn thành trong vòng 8 năm. Lễ khởi công sẽ diễn ra vào tháng 11/2023. Ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT Xây dựng Hòa Bình cho rằng, “con đường duy nhất là bước ra khỏi vùng an toàn nội địa để chinh phục thị trường thế giới”.

Tại Việt Nam, trong những năm vừa qua, thị trường xây dựng từ chỗ được đánh giá là “miếng bánh béo bở” của các nhà thầu quốc tế đã thay đổi nhanh chóng với sự vươn lên mạnh mẽ của các nhà thầu nội như Coteccons (Công ty cổ phần Coteccons), Xây dựng Hòa Bình, Vinaconex (Tổng Công ty cổ phần xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam)… khi các doanh nghiệp từng bước chứng tỏ năng lực thực hiện thành công các dự án quy mô lớn, có độ khó cao như Tổ hợp sản xuất VinFast, các thành phố thu nhỏ Vinhomes Ocean Park, Grand Park, Ecopark, Landmark 81, hệ thống đường cao tốc Bắc - Nam, dự án 1,3 tỷ USD của Tập đoàn Lego… Mới nhất, hai gói thầu của “siêu dự án” sân bay Long Thành cũng có sự góp mặt của hàng loạt nhà thầu Việt, từng bước đưa uy tín, năng lực doanh nghiệp Việt vươn xa.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư