Những điều rút ra từ vụ sụp đổ lớn thứ nhì trong lịch sử ngành ngân hàng Mỹ

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Vụ sụp đổ diễn ra trong vòng 48 giờ đồng hồ của Silicon Valley Bank (SVB) đã trở thành vụ đổ vỡ nhà băng lớn thứ nhì trong lịch sử Mỹ.
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Nằm trong top 20 ngân hàng thương mại lớn nhất của Mỹ, SVB giờ đây nằm dưới sự kiểm soát của Cơ quan Bảo hiểm tiền gửi Liên bang (FDIC) vì mất khả năng thanh toán cho khách hàng rút tiền gửi.

Theo CNN, dù giới chức Mỹ đang hành động để dập tắt lo ngại rắc rối lan rộng, sự sụp đổ của SVB có thể gây ra những tác động đáng kể lên lĩnh vực khởi nghiệp và công nghệ. Dưới đây là những điều cần biết về vụ sụp đổ của SVB, theo hãng tin này.

SVB là một ngân hàng lớn

Được thành lập vào năm 1983, SVB là nhà cung cấp vốn vay cho khoảng một nửa số công ty công nghệ và chăm sóc y tế có vốn đầu tư mạo hiểm ở Mỹ. Những công ty này "đang bị tổn thương" khi lãi suất tăng cao và dòng vốn đầu tư mạo hiểm suy giảm.

Dù ít được biết đến bên ngoài Thung lũng Silicon, SVB là một trong 20 ngân hàng thương mại lớn nhất ở Mỹ. Vào thời điểm cuối năm ngoái, ngân hàng này có tổng tài sản 209 tỷ USD, theo FDIC.

Vụ sụp đổ bất ngờ của SVB là "thảm kịch" lớn nhất đối với một ngân hàng Mỹ kể từ sau khi Washington Mutual tan rã vào năm 2008.

FDIC hành động nhanh chóng bất thường

Bi kịch bắt đầu vào ngày thứ Tư tuần trước, khi SVB tuyên bố đã "bán lỗ" một lô chứng khoán và sẽ bán thêm 2,25 tỷ USD cổ phiếu mới để "củng cố" bảng cân đối kế toán.

Cơ quan chức năng bang California đã đóng cửa SVB vào hôm thứ Sáu. FDIC trở thành đơn vị tiếp quản và xử lý các vấn đề của SVB. Điều này có nghĩa FDIC sẽ thanh lý tài sản của SVB và hoàn tiền cho khách hàng của nhà băng này, bao gồm người gửi tiền và chủ nợ.

FDIC - một cơ quan độc lập của Chính phủ Mỹ chuyên nhiệm vụ bảo hiểm tiền gửi tại các ngân hàng và giám sát các định chế tài chính - nói rằng, tất cả khách hàng có tiền gửi thuộc diện được bảo hiểm tại SVB sẽ được tiếp cận đầy đủ với tiền gửi của họ từ ngày thứ Hai.

Ngoài ra, FDIC cho biết sẽ thanh toán một "khoản cổ tức trả trước trong vòng tuần tới" cho người gửi tiền ngoài diện bảo hiểm tại SVB.

Việc FDIC tiếp quản SVB diễn ra ngay trong buổi sáng ngày thứ Sáu tuần trước. Thông thường, việc tiếp quản này phải đợi cho tới khi thị trường đóng cửa ngày giao dịch.

"Tình trạng của SVB xấu đi nhanh chóng đến nỗi ngân hàng này không thể kéo dài thêm trong 5 giờ đồng hồ nữa. Đó là bởi khách hàng đến rút tiền quá nhanh và nhiều đến mức khiến SVB mất thanh khoản", CEO Dennis M. Kelleher của Better Markets nhận xét.

Lãi suất cao dẫn tới sự sụp đổ của SVB

Để đối phó với lạm phát, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã nâng lãi suất mạnh tay và liên tục trong suốt 1 năm qua. Điều này khiến cho việc người dân và doanh nghiệp vay tiền trở nên đắt đỏ hơn, qua đó "hạ nhiệt" nền kinh tế và kéo lạm phát xuống.

Trong thời gian lãi suất ở Mỹ còn ở gần ngưỡng thấp kỷ lục, các ngân hàng đã mua nhiều trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn dài - loại tài sản được cho là có độ rủi ro gần như bằng 0. Tuy nhiên, khi lãi suất tăng, giá của những trái phiếu đó giảm xuống, khiến cho các ngân hàng nắm giữ những trái phiếu này phải chịu những khoản thua lỗ lớn trên giấy tờ.

Ngoài ra, lãi suất cao đặt ra trở ngại lớn đối với các công ty công nghệ, làm giảm giá trị của cổ phiếu lĩnh vực này và các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc huy động vốn. Đối mặt với lãi suất tăng, hoạt động phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) ngừng trệ, và dòng vốn ngày càng cạn, khách hàng của SVB - chủ yếu là các startup công nghệ - bắt đầu rút tiền khỏi ngân hàng này.

"Lãi suất cao cũng làm giảm giá trị của trái phiếu kho bạc Mỹ mà các chứng khoán khác mà SVB cần bán để trả tiền cho chủ nợ. Tất cả những yếu tố này cùng dẫn tới việc người gửi tiền ồ ạt tới rút, buộc FDIC phải tiếp quản SVB", Chuyên gia kinh tế trưởng Mark Zandi tại Moody’s cho biết.

Thiệt hại vẫn còn lớn

Theo Báo cáo thường niên mới nhất của SVB, khách hàng của ngân hàng này tại Mỹ có ít nhất 151,5 tỷ USD tiền gửi không thuộc diện bảo hiểm tính đến thời điểm cuối năm 2022. Trong khi đó, tiền gửi của khách hàng nước ngoài đạt ít nhất 13,9 tỷ USD và cũng không được bảo hiểm.

Khách hàng doanh nghiệp có thể đã rút được một khoản lớn trong cuộc rút tiền ồ ạt khỏi SVB vào tuần trước, nhưng vẫn còn một lượng tiền gửi lớn bị đặt vào tình thế rủi ro.

Các startup công nghệ điêu đứng

SVB chủ yếu cho vay và nhận tiền gửi từ cộng đồng các startup công nghệ. Khi ngân hàng này đổ vỡ, các nhà sáng lập startup đang lo không thể rút tiền để trả lương cho nhân viên và trang trải các chi phí khác.

"Tôi không biết chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo. FDIC bảo hiểm cho số tiền gửi 250.000 USD, liệu tôi có thể lấy lại được toàn bộ số tiền gửi triệu USD của tôi không", Ashely Tyrner - Nhà sáng lập công ty giao hàng thực phẩm chăm sóc sức khoẻ FarmboxRx cho biết.

Chuyên đề