Những công trình mang khát vọng đất nước

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Nhiều đại dự án hạ tầng giao thông được dồn lực tập trung đầu tư với một tư duy mới - ưu tiên đầu tư cho những “quả đấm thép”, những dự án lớn có tác động lan tỏa. Những dự án đó mang khát vọng phát triển đất nước hùng mạnh, tạo ra đường băng cho nền kinh tế cất cánh mạnh mẽ.
Hầm Hải Vân 2, công trình hầm đường bộ dài nhất Đông Nam Á, được khánh thành ngày 11/1/2021. Ảnh: Song Lê
Hầm Hải Vân 2, công trình hầm đường bộ dài nhất Đông Nam Á, được khánh thành ngày 11/1/2021. Ảnh: Song Lê

Thời của những đại dự án

Năm 2021 và giai đoạn 2021 - 2025 sẽ là thời gian đầy sôi động trên những đại công trường các dự án giao thông.

Ngày 5/1/2021, tại Đồng Nai, hạng mục đầu tiên của Dự án Đầu tư Cảng hàng không quốc tế (CHKQT) Long Thành giai đoạn 1 - dự án hạ tầng có tổng vốn đầu tư lớn nhất từ trước tới nay - được Bộ Giao thông vận tải và Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) khởi công. Tổng mức đầu tư Dự án lên tới 109.111,7 tỷ đồng (tương đương 4.664,89 triệu USD), mục tiêu hoàn thành, đưa vào khai thác trong năm 2025.

Trước đó 1 ngày, ngày 4/1/2021, Dự án Xây dựng đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ với tổng mức đầu tư 4.800 tỷ đồng được khởi công. Theo Bộ Giao thông vận tải, đây là dự án đặc biệt quan trọng góp phần hoàn thiện tuyến đường cao tốc Bắc - Nam từ Lạng Sơn đến Cà Mau. Cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ khi hoàn thành, kết nối với tuyến TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận, thời gian từ TP.HCM về Cần Thơ sẽ chỉ còn 2 tiếng.

Cuối năm 2020, nhiều dự án thành phần thuộc Dự án Xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông lần lượt được khởi công. 2020 là năm có nhiều dấu ấn khi 6 trong số 11 dự án thành phần sử dụng vốn đầu tư công đã lựa chọn được nhà thầu, đưa vào triển khai đồng loạt nhiều gói thầu lớn. Chính phủ đang thể hiện quyết tâm chính trị cao nhất hoàn thành tuyến cao tốc Bắc - Nam vào năm 2025.

Tuyến đường ven biển cũng đang và sẽ được dồn lực đầu tư hoàn thành toàn bộ từ Quảng Ninh đến Nghệ An và bọc kín toàn bộ vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong giai đoạn 2021 - 2025, như quyết tâm của nhiều địa phương có tuyến đường đi qua cũng như của Chính phủ.

Ngoài ra, còn một số dự án lớn khác như đường nối từ Tây Nguyên đến các tỉnh miền Trung, đường sắt đô thị Hà Nội, TP.HCM, cảng biển… đã, đang và sẽ được đầu tư trong giai đoạn 2021 - 2025, với quan điểm đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên đầu tư những dự án lớn có tác động lan tỏa, dự án liên vùng...

Mang theo những khát vọng phát triển

Việc hoàn thành những dự án hạ tầng giao thông lớn có rất nhiều ý nghĩa. Sân bay Long Thành, cao tốc Bắc - Nam phía Đông, tuyến đường ven biển, hay nhiều dự án lớn khác khi hoàn thành sẽ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh, mở ra cơ hội bứt phá cho nền kinh tế trong giai đoạn phát triển mới.

Cảng hàng không quốc tế Long Thành nằm trong Top 16 dự án sân bay được mong chờ nhất thế giới. Đây là dự án quan trọng đặc biệt cấp quốc gia, có ý nghĩa to lớn với sự phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước. Khi hoàn thành, Long Thành sẽ trở thành cảng hàng không quốc tế tầm cỡ trong khu vực, phục vụ chiến lược phát triển vận tải hàng không Việt Nam, chia sẻ gánh nặng cho sân bay Tân Sơn Nhất vốn dĩ đã quá tải nhiều năm qua. Dự án không chỉ là đầu mối thông thương quan trọng mà còn là điểm nhấn thể hiện khát vọng, ý chí vươn lên mạnh mẽ, thể hiện tầm nhìn chiến lược, đưa quốc gia tăng tốc, hội nhập nhanh hơn.

Những tuyến cao tốc đang được đầu tư kết nối TP.HCM với Cần Thơ, cùng với sân bay Long Thành, được kỳ vọng mở ra không gian phát triển mới cho vùng Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long và cả nền kinh tế. Hơn hết là đáp ứng mong mỏi của người dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long, được về Đất Mũi bằng đường cao tốc, phát huy cao nhất tiềm năng, lợi thế của vùng.

Với một quốc gia có bờ biển dài như Việt Nam, tuyến đường ven biển cũng mang ý nghĩa chiến lược quan trọng cả về kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng. Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, khi đầu tư toàn bộ tuyến đường ven biển thì có thể gọi nôm na là mở toang cánh cửa hướng ra biển cho phát triển kinh tế, mở ra thêm không gian rộng lớn cho phát triển từ công nghiệp, du lịch, dịch vụ, nuôi trồng, chế biến thủy sản… Đây là động lực quan trọng cho sự phát triển của các tỉnh có đường ven biển đi qua, sử dụng hiệu quả hơn quỹ đất, tài nguyên vùng ven biển, thực hiện chiến lược phát triển kinh tế biển của Việt Nam. Từ hành lang giao thông sẽ tạo ra hành lang về kinh tế, đô thị dọc theo tuyến đường, kết nối các vùng kinh tế trọng điểm, khu kinh tế ven biển cả nước…

Huy động mọi nguồn lực, trí tuệ, tâm huyết và bản lĩnh

Với những công trình lớn, bắt buộc phải huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển. Bên cạnh đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) có hiệu lực từ ngày 1/1/2021 mở ra cánh cửa thu hút nguồn lực, trí tuệ, tâm huyết của khu vực tư nhân vào phát triển hạ tầng giao thông.

Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận sau 10 năm đình trệ, qua hơn một năm rưỡi tái khởi động, với sự nỗ lực vượt khó của hàng ngàn cán bộ, kỹ sư, công nhân ngày đêm bám sát và miệt mài thi công bằng tinh thần “ba xuyên” (xuyên đêm; xuyên lễ, tết; xuyên dịch Covid-19), đã chính thức thông tuyến ngày 4/1/2021. Lãnh đạo Chính phủ đánh giá, đó là biểu tượng cho sự đoàn kết, đồng lòng, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thách thức, đạt được thành tựu.

Hay hầm Hải Vân 2 - công trình hầm đường bộ dài nhất Đông Nam Á, một công trình rất khó về kỹ thuật, đã được nhà đầu tư Việt Nam hoàn thành, khánh thành ngày 11/1/2021.

Đây là hai trong số nhiều dự án hạ tầng giao thông lớn đầu tư theo phương thức PPP. Ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả - nhà đầu tư cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, hầm Hải Vân 2 - chia sẻ, việc một doanh nghiệp tư nhân Việt Nam hoàn thành Dự án hầm Hải Vân chứng tỏ tính ưu việt của phương thức PPP. Cách làm này đã giúp huy động nguồn lực xã hội vào giải quyết các vấn đề phát triển của đất nước một cách hiệu quả - tiết kiệm chi phí không nhỏ, rút ngắn đáng kể thời gian thi công và đảm bảo chất lượng công trình.

Trong giai đoạn phát triển tới, khi kết cấu hạ tầng tiếp tục là đột phá chiến lược, sẽ còn cần rất nhiều nguồn lực cho đầu tư phát triển, và sự chung tay của khu vực tư nhân sẽ bổ khuyết rất lớn cho sự thiếu hụt nguồn lực của Nhà nước. Và đó cũng là cách thức để những doanh nghiệp Việt đầy khát vọng cống hiến được đóng góp, đồng hành dựng xây đất nước.

Chuyên đề