Những câu hỏi lớn với thị trường tài chính toàn cầu năm 2022

0:00 / 0:00
0:00
Lạm phát liệu có kéo dài dai dẳng, chứng khoán Mỹ có tiếp tục tăng hay triển vọng nào cho Trung Quốc và các thị trường mới nổi... là những câu hỏi lớn đặt ra cho giới đầu tư về năm 2022...
Ảnh minh họa: FT
Ảnh minh họa: FT

Theo Bank of America, kể từ khi đại dịch bắt đầu, các ngân hàng trung ương đã bơm 32.000 tỷ USD vào các thị trường trên toàn thế giới, tương đương với việc mua 800 triệu USD tài sản tài chính mỗi giờ trong 20 tháng qua. Cũng trong thời gian này, giá trị vốn hóa thị trường chứng khoán toàn cầu đã tăng thêm 60.000 tỷ USD.

Tuy nhiên, do lạm phát gia tăng, Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tuần trước thông báo sẽ đẩy nhanh tiến độ cắt giảm chương trình mua tài sản và có thể tăng lãi suất 3 lần trong năm tới.

Theo Financial Times, trong bối cảnh này, các ngân hàng và giới đầu tư đứng trước nhiều câu hỏi lớn về năm 2022.

ĐIỀU GÌ XẢY RA NẾU LẠM PHÁT KÉO DÀI?

Đây là câu hỏi được giới tài chính đặc biệt quan tâm trước thềm năm mới. Theo Financial Times, ở thời điểm hiện tại, nhiều ngân hàng đã đảo ngược hoàn toàn quan điểm về việc lạm phát tăng năm 2021, từ chỗ trấn an rằng đây chỉ là hệ quả “nhất thời” của sự phục hồi sau các đợt phong tỏa để phòng dịch, sang chấp nhận rằng lạm phát có thể kéo dài dai dẳng.

Trong tháng 11, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tại Mỹ tăng mạnh nhất kể từ năm 1982. Trong khi đó, tại khu vực đồng tiền chung châu Âu, CPI tăng kỷ lục 4,9%. Còn Anh ghi nhận mức tăng mạnh nhất 10 năm.

Tuy nhiên, không ít ngân hàng và nhà đầu tư vẫn đưa ra các dự báo lạc quan. Ngân hàng Morgan Stanley dự báo dù giá cả tiêu dùng có thể vẫn ở mức cao trong năm 2022, mức tăng sẽ đạt đỉnh vào đầu năm khi giá dầu giảm và các điểm nghẽn của chuỗi cung ứng được giải tỏa.

Fed có thể tăng lãi suất 3 lần trong năm 2022 - Ảnh: FT

Fed có thể tăng lãi suất 3 lần trong năm 2022 - Ảnh: FT

Đồng quan điểm, hãng quản lý tài sản Columbia Threadneedle cũng cho rằng “tình hình chuỗi cung ứng được cải thiện” trong năm tới. Đây là lý do chính khiến công ty này dự báo lạm phát sẽ giảm trong năm 2022.

Còn ngân hàng đầu tư Goldman Sachs dự báo giá tiêu dùng cốt lõi của Mỹ sẽ duy trì ở mức trên 4% trong năm tới.

"Nếu lạm phát không ở mức vừa phải, các ngân hàng trung ương sẽ chuyển sang trạng thái thắt chặt chính sách tiền tệ quyết liệt hơn, gây ra những phản ứng vô cùng tiêu cực lên các thị trường tài chính và rất có thể sẽ dẫn đến một cuộc suy thoái kinh tế lớn".

David Folkerts-Landau, Deutsche Bank

“Việc các ngân hàng trung ương sẵn sàng chấp nhận mức lạm phát cao sẽ giữ cho lợi suất trái phiếu điều chỉnh theo lạm phát ở mức tương đối thấp. Điều này sẽ hỗ trợ cho thị trường chứng khoán”, các nhà phân tích của Goldman Sachs cho biết trong một báo cáo.

Trong khi đó, BlackRock – hãng quản lý quỹ lớn nhất thế giới – dự báo lạm phát cao sẽ còn tiếp tục dai dẳng trong nhiều năm tới.

Theo Financial Times, các ngân hàng trung ương đã bắt đầu ngừng bơm tiền vào thị trường, hoặc ít nhất phát đi tín hiệu sẽ làm vậy trong năm tới. Việc này khiến giới đầu tư lo ngại chính sách tiền tệ sẽ bị thắt chặt quá mức.

“Nếu lạm phát không ở mức vừa phải, các ngân hàng trung ương sẽ chuyển sang trạng thái thắt chặt chính sách tiền tệ quyết liệt hơn, gây ra những phản ứng vô cùng tiêu cực lên các thị trường tài chính và rất có thể sẽ dẫn đến một cuộc suy thoái kinh tế lớn”, ông David Folkerts-Landau, nhà kinh tế trưởng tại Deutsche Bank, nhận định.

Còn ngân hàng đầu tư UBS của Thụy Sỹ cho rằng sự sai lầm trong chính sách của ngân hàng trung ương là “một trong những rủi ro lớn nhất đối với các nhà đầu tư và nền kinh tế toàn cầu trong năm 2022”. Chung quan điểm, Bank of America nhận định thị trường “đang chuyển từ giai đoạn mà các ngân hàng trung ương cố gắng dự đoán và ngăn chặn biến động sang giai đoạn mà họ sẽ ngày càng trở thành nguồn gốc của những bất ngờ”.

CHỨNG KHOÁN MỸ SẼ TIẾP TỤC TĂNG?

“Khách hàng nói với chúng tôi rằng động lực của thị trường, thu nhập cũng như thanh khoản đều đã đạt đỉnh và các ngân hàng trung ương sẽ thắt chặt chính sách tiền tệ hơn, do đó, đã đến lúc chốt lời”, Mislav Matejka, giám đốc chiến lược chứng khoán châu Âu và toàn cầu của ngân hàng đầu tư JPMorgan, cho biết. “Tuy nhiên, chúng tôi không đồng ý với quan điểm này”.

Goldman Sachs dự báo chỉ số S&P 500 sẽ tăng thêm 9% nữa vào cuối năm - Ảnh: FT

Goldman Sachs dự báo chỉ số S&P 500 sẽ tăng thêm 9% nữa vào cuối năm - Ảnh: FT

Cũng nhận định lạc quan về năm 2022, Goldman Sachs dự báo chỉ số S&P 500 sẽ tăng thêm 9% nữa vào cuối năm.

Tuy nhiên, cũng có một số tổ chức tài chính lớn quan ngại rằng lợi nhuận từ chứng khoán, đặc biệt là những nhóm đang tăng trưởng quá nóng, không bền vững.

Trong khi đó, Morgan Stanley cho biết kịch bản cơ bản của ngân hàng là S&P 500 giảm 5%. Còn Bank of America dự báo tăng trưởng kinh tế giảm tốc và lãi suất tăng sẽ kéo chỉ số chứng khoán này sụt 3% trong năm tới.

TRIỂN VỌNG NÀO CHO CHÂU ÂU?

Theo ông Frederik Ducrozet, chiến lược gia cấp cao tại Pictet Wealth Management, Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) sẽ đối mặt “môi trường giá cả đầy biến động” trong năm tới.

“Triển vọng chung của châu Âu năm tới không chỉ là lạm phát cao trong dài hạn mà biến động lạm phát cũng ở mức cao trong dài hạn”, ông Ducrozet nhận định.

Giá gas tại châu Âu đã tăng khoảng 573% trong năm 2021 - Ảnh: AFP

Giá gas tại châu Âu đã tăng khoảng 573% trong năm 2021 - Ảnh: AFP

Tuần trước, ECB cho biết sẽ cắt giảm chương trình mua lại trái phiếu hậu đại dịch để ứng phó với tình trạng giá cả leo thang, nhưng nhấn mạnh rằng phải năm 2023 mới tăng lãi suất.

Theo dữ liệu do Bloomberg tổng hợp, dự báo bình quân của các nhà phân tích là chỉ số Stoxx 600 của chứng khoán châu Âu tăng 6% nếu tăng trưởng kinh tế tiếp tục được duy trì và lợi suất trái phiếu duy trì ở mức thấp. Tuy nhiên, Bank of America dự báo các xu hướng đó sẽ đảo ngược trong năm 2022 và Stoxx sẽ sụt 10%.

“Các nhà đầu tư nên tập trung vào các doanh nghiệp có vị thế cạnh tranh tốt, định giá tốt và có động lực tăng trưởng về cơ cấu”, ông Ben Ritchie, người phụ trách mảng chứng khoán châu Âu tại hãng quản lý tài sản Abrdn (Scotland), khuyến nghị. “Dù chứng khoán châu Âu khó có thể tăng bằng lần, lĩnh vực y tế, hàng tiêu dùng và tài chính tiềm ẩn rất nhiều cơ hội”.

Trong khi đó, đưa ra nhận định không mấy lạc quan, công ty quản lý tài sản Pimco cho rằng chứng khoán châu Âu sẽ đối mặt thách thức lớn do tổng hòa các yếu tố như triển vọng các ngành không thuận lợi, giá năng lượng cao và những bất ổn liên quan đại dịch Covid-19.

Ông Jordan Rochester, chiến lược gia ngoại hối tại Nomura, cho rằng áp lực giá năng lượng, thực phẩm và dịch vụ tăng đồng nghĩa với lạm phát sẽ ở mức cao đáng lo ngại trong năm tới.

“Giá gas tại châu Âu đã tăng khoảng 573% trong năm nay, phản ánh mối quan ngại rằng Đức có thể cạn kiệt nguồn cung trong mùa đông. Giá xăng dầu tăng đang làm tăng giá phân bón – mặt hàng có mối tương quan lớn với giá thực phẩm. Còn người tiêu dùng có thể phản ứng với những diễn biến này với việc đòi tăng lương”, ông Rochester nói.

ĐIỀU GÌ XẢY RA VỚI TRUNG QUỐC VÀ CÁC THỊ TRƯỜNG MỚI NỔI?

Vụ vỡ nợ của tập đoàn địa ốc Trung Quốc Evergrande như một lời nhắc về những rủi ro tiềm ẩn của thị trường trái phiếu doanh nghiệp châu Á - Ảnh: FT

Vụ vỡ nợ của tập đoàn địa ốc Trung Quốc Evergrande như một lời nhắc về những rủi ro tiềm ẩn của thị trường trái phiếu doanh nghiệp châu Á - Ảnh: FT

“Các thị trường mới nổi đã có một năm thực sự khủng khiếp và sẽ có rất nhiều tiêu đề tiêu cực trên truyền thông… một phần do chính sách ‘không Covid’ (zero Covid) của Trung Quốc sẽ khó duy trì, đặc biệt với biến thể Omicron”, Chris Jeffery, nhà quản lý quỹ đa tài sản kiêm phụ trách về lãi suất và lạm phát tại LGIM, nhận định.

"Các nhà đầu tư nên chuẩn bị tinh thần cho rủi ro giảm giá đáng kể ở các thị trường mới nổi nếu tình hình dịch bệnh diễn biến tồi tệ hơn dự báo, đặc biệt là ở những quốc gia có phần lớn dân số chưa được tiêm vaccine ngừa Covid-19".

Claudia Calich, M&G Investments

Từ đầu năm đế nay, chỉ số chứng khoán CSI 300 của Trung Quốc đã giảm 3% sau khi Bắc Kinh liên tục có động thái siết quản lý đối với các công ty công nghệ, giáo dục và bất động sản.

Trong khi đó, bà Claudia Calich, giám đốc phụ trách nợ tại thị trường mới nổi của M&G Investments, cho rằng các vấn đề trong lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc, đặc biệt với vụ vỡ nợ của tập đoàn địa ốc Evergrande, như một lời nhắc về những nguy cơ và sự mong manh tiềm ẩn trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp ở châu Á. Đây hiện là một trong những thị trường ngày càng nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư quốc tế.

“Các nhà đầu tư nên chuẩn bị tinh thần cho rủi ro giảm giá đáng kể ở các thị trường mới nổi nếu tình hình dịch bệnh diễn biến tồi tệ hơn dự báo, đặc biệt là ở những quốc gia có phần lớn dân số chưa được tiêm vaccine ngừa Covid-19”, bà Calich cảnh báo.

Chuyên đề