Những cánh chim đầu đàn

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - 5 năm trở lại đây, nhà thầu Việt đã dần chiếm lĩnh được những gói thầu mua sắm tập trung sử dụng ngân sách lớn. Đó chính là những cánh chim đầu đàn, tạo nguồn cảm hứng cho doanh nghiệp Việt vươn lên chinh phục người Việt bằng chất lượng sản phẩm, dịch vụ ưu việt.
Nhiều nhà thầu Việt, hàng hóa xuất xứ Việt Nam dần chiếm lĩnh vị thế, thắng thầu ở những gói thầu mua sắm tập trung quy mô lớn. Ảnh: Hà Dương
Nhiều nhà thầu Việt, hàng hóa xuất xứ Việt Nam dần chiếm lĩnh vị thế, thắng thầu ở những gói thầu mua sắm tập trung quy mô lớn. Ảnh: Hà Dương

Điểm nhấn từ những gói thầu mua sắm tập trung

Có thể nói, các gói thầu mua sắm tập trung quy mô lớn sử dụng ngân sách nhà nước là bài sát hạch thử sức nhà thầu. Tín hiệu đáng mừng là nhiều nhà thầu Việt, hàng hóa xuất xứ Việt Nam dần chiếm lĩnh vị thế, thắng thầu ở những gói thầu này, nhất là trong lĩnh vực thiết bị điện, viễn thông, máy tính phục vụ công tác và giáo dục, sữa học đường…

Đầu tiên phải kể đến lĩnh vực hàng tiêu dùng, sữa học đường. Ở 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM, các gói thầu mua sắm tập trung sữa học đường có giá trị hàng ngàn tỷ đồng đã thuộc về Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk), minh chứng Vinamilk là nhà thầu mạnh về chất lượng, cạnh tranh quyết liệt về giá, dịch vụ sau bán hàng chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, TH true MILK, NutiFood cũng tích cực tham gia nhiều gói thầu và dần có được thị phần của mình.

Đại diện Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản TP.HCM, đơn vị tổ chức đấu thầu mua sữa học đường tại TP.HCM khẳng định, việc đánh giá hồ sơ dự thầu của các nhà thầu cung cấp sữa hiện nay rất khách quan, bởi chất lượng sữa gần như đáp ứng toàn bộ các tiêu chí mà cơ quan chức năng yêu cầu, đảm bảo nguồn dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển của trẻ nhỏ. Niềm tin dành cho sự phát triển, tiềm lực của các nhà cung cấp sữa Việt Nam từ phía người tiêu dùng, từ chính bên mời thầu là rất lớn.

Trong lĩnh vực vật tư, thiết bị viễn thông, hàng Việt, nhà thầu Việt cũng nhận được sự tin tưởng, đánh giá cao của các đối tác, đáp ứng được yêu cầu của nhiều gói thầu lớn. Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, ông Hồ Minh Kiệt, Giám đốc Trung tâm Cung ứng vật tư viễn thông TP.HCM cho biết: “Các gói thầu mua sắm vật tư hàng năm phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành viễn thông khu vực phía Nam sử dụng nguồn ngân sách rất lớn, lên tới hàng ngàn tỷ đồng. Sự lớn mạnh của các nhà thầu Việt trong lĩnh vực này đã khiến chủ đầu tư, bên mời thầu yên tâm. Các tên tuổi như Công CP Thiết bị điện, Công ty CP Dây và Cáp Sacom; Công ty CP Cáp quang Việt Nam VINA-OFC; Công ty CP Viễn thông Telvina Việt Nam; Công ty CP Vật liệu điện và Viễn thông Sam Cường… thời gian qua đã chứng minh được chất lượng sản phẩm, dịch vụ của mình. Đặc biệt, các nhà thầu làm rất tốt khâu chuẩn bị để hưởng ưu đãi đối với hàng hóa có tỷ lệ nội địa hóa cao khi dự thầu. Là người Việt, ưu tiên sử dụng các sản phẩm, dịch vụ tốt, tiên tiến do nhà thầu Việt cung cấp là điều nên phát huy”.

Tại các gói thầu mua sắm tập trung thiết bị tin học ở nhiều địa phương hiện nay, FPT đã đấu ngang ngửa, thậm chí là lựa chọn tối ưu của nhiều bên mời thầu. Máy tính FPT được sử dụng rộng rãi, phổ biến trong công sở, trường học, tạo nên thói quen tiêu dùng, sử dụng cho người Việt Nam.

5 năm trở lại đây ghi nhận sự phát triển thần tốc của đội ngũ nhà thầu Việt trong lĩnh vực vật tư ngành điện. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tự tin cho rằng, con số hơn 80% vật tư được cung cấp từ hàng trong nước là hoàn toàn có cơ sở. Bởi những tên tuổi như: Hữu Hồng, Thiết bị điện, HANAKA, Lioa, Tuấn Ân, Sáng Ban Mai… vừa tích cực tham gia đấu thầu, vừa hoàn thành tốt các hợp đồng đã tạo hiệu ứng lan tỏa từ những đơn vị sử dụng. Có thể nói, đối với vật tư ngành điện, các nhà thầu Việt hoàn toàn chiếm lĩnh thị phần so với các nhà thầu ngoại, chỉ trừ những thiết bị đặc thù. Đây là cơ hội tiết kiệm rất lớn, tạo động lực phát triển doanh nghiệp, tăng cơ hội việc làm cho hàng vạn lao động trong ngành.

Mở đường cho nhà thầu Việt vươn xa

Theo chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch, sự phát triển của doanh nghiệp phụ thuộc nhiều vào hệ thống chính sách. Theo đó, uy tín của Việt Nam trong những năm qua tăng lên một phần nhờ chủ trương và phản ứng nhanh nhạy của Chính phủ, đặc biệt là sự chỉ đạo sát sao trong công tác hỗ trợ xây dựng, quảng bá thương hiệu trong và ngoài nước, cũng như sự năng động, nỗ lực của doanh nghiệp Việt Nam.

Chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch nhận định, nếu các chủ đầu tư, bên mời thầu không tin tưởng, mạnh dạn trao cơ hội cho hàng hóa trong nước, rất khó cho doanh nghiệp phát triển. Cánh chim đầu đàn nào cũng cần được dẫn lối, mở đường và tiếp sức để bay chặng dài. Chúng ta đã có hệ thống chính sách ưu đãi hàng Việt, cụ thể như chính sách đấu thầu, hãy nuôi dưỡng sức doanh nghiệp Việt bằng chính những nguồn lực sẵn có, để doanh nghiệp đủ sức vươn xa, tìm kiếm và chinh phục những thị trường tiềm năng.

Tất cả những nỗ lực đó thể hiện qua con số 124 doanh nghiệp với 283 sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia năm 2020. Hiện nay, nhiều thương hiệu Việt đã gây được tiếng vang trên thị trường khu vực và thế giới. Theo danh sách thương hiệu dẫn đầu ở các lĩnh vực kinh doanh tại Việt Nam năm 2020 của Forbes Việt Nam, trong Top 10 có các tên tuổi quen thuộc như: Viettel, Vinamilk, VNPT, Sabeco, Vinhomes, MobiFone, Masan Consumer, Vietcombank, FPT và Vincom Retail. Top 10 này chiếm 30% tổng giá trị thương hiệu của danh sách. Đứng đầu là Viettel với giá trị thương hiệu hơn 2,9 tỷ USD, vị trí thứ hai là Vinamilk với giá trị thương hiệu hơn 2,4 tỷ USD...

Trong một quốc gia tồn tại nhiều doanh nghiệp mạnh là nền tảng quan trọng để nâng tầm thương hiệu quốc gia. Đánh giá Thương hiệu quốc gia 2020 của hãng định giá thương hiệu Brand Finance (Anh) cho thấy, Việt Nam là thương hiệu quốc gia tăng trưởng nhanh nhất trong bảng xếp hạng khi tăng 29% so với năm 2019, trị giá 319 tỷ USD. Nhờ đó, giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam tăng 9 bậc, lên vị trí thứ 33 trong Top 100 thương hiệu quốc gia giá trị nhất thế giới. Khi thương hiệu quốc gia được khẳng định trên trường quốc tế cũng là bảo chứng về uy tín và chất lượng cho các doanh nghiệp, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch nhận định, nếu các chủ đầu tư, bên mời thầu không tin tưởng, mạnh dạn trao cơ hội cho hàng hóa trong nước, rất khó cho doanh nghiệp phát triển. Cánh chim đầu đàn nào cũng cần được dẫn lối, mở đường và tiếp sức để bay chặng dài. Chúng ta đã có hệ thống chính sách ưu đãi hàng Việt, cụ thể như chính sách đấu thầu, hãy nuôi dưỡng sức doanh nghiệp Việt bằng chính những nguồn lực sẵn có, để doanh nghiệp đủ sức vươn xa, tìm kiếm và chinh phục những thị trường tiềm năng.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư