Nhu cầu vốn năm 2020 của nhiều địa phương tăng cao

(BĐT) - Theo hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vốn ngân sách trung ương năm 2020 về cơ bản bằng năm 2019. Tuy nhiên, nhiều địa phương đề ra nhu cầu vốn đầu tư công năm 2020, đặc biệt là nguồn ngân sách trung ương hỗ trợ, quá cao so với tình hình thực tế về nguồn vốn đầu tư.
Các địa phương cần xác định rõ mục tiêu, thứ tự dự án ưu tiên trong kế hoạch đầu tư công năm 2020. Ảnh: Lê Tiên
Các địa phương cần xác định rõ mục tiêu, thứ tự dự án ưu tiên trong kế hoạch đầu tư công năm 2020. Ảnh: Lê Tiên

Tổng hợp sơ bộ nhu cầu kế hoạch năm 2020 của các địa phương trong cả nước cho thấy nhu cầu vốn tăng khá cao.

Cụ thể, nhu cầu kế hoạch năm 2020 của vùng Đồng bằng sông Hồng là 168.499,1 tỷ đồng, tăng 86% so với kế hoạch năm 2019 đã được Quốc hội thông qua (năm 2019 là 89.281,448 tỷ đồng).

Nhu cầu kế hoạch năm 2020 của vùng Đông Nam Bộ là 91.760,506 tỷ đồng, tăng 24,3% so với kế hoạch năm 2019 (năm 2019 là 73.874,024 tỷ đồng). Trong đó, vốn ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu tăng tới 258,5% so với kế hoạch năm 2019, riêng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) tăng 476,84% so với kế hoạch năm 2019.

Tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nhu cầu kế hoạch năm 2020 là 80.486 tỷ đồng, tăng 44% so với kế hoạch năm 2019 (năm 2019 là 55.768 tỷ đồng). Con số này của vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung là 74.230 tỷ đồng, tăng 28% so với kế hoạch năm 2019 (năm 2019 là 58.226 tỷ đồng). Đối với Tây Nguyên hay miền núi phía Bắc, nhu cầu vốn năm cuối kế hoạch cũng đều tăng cao so với năm 2019.

Theo các địa phương, đối với vốn cân đối ngân sách địa phương, các địa phương xây dựng dựa vào nhu cầu các dự án chuyển tiếp còn thiếu vốn, các dự án lớn khởi công mới trong năm 2020, các dự án chuẩn bị đầu tư nhằm thực hiện cho giai đoạn tới, các dự án quy hoạch mà năm 2020 là năm chính thức bố trí từ nguồn đầu tư công (năm 2019 bố trí từ nguồn dự phòng). Về nhu cầu vốn ngân sách trung ương tăng cao do các địa phương căn cứ vào nhu cầu thực tế của từng dự án và là năm cuối của kế hoạch trung hạn 2016 - 2020, cần đáp ứng nhu cầu vốn để hoàn thành các dự án, các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương giai đoạn 2016 - 2020.

Theo nhận định của Bộ KH&ĐT, nhu cầu vốn đầu tư công năm 2020 các địa phương đề ra quá cao so với tình hình thực tế về nguồn vốn đầu tư. Tại các hội nghị xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công năm 2020, lãnh đạo Bộ KH&ĐT cho biết, việc cân đối nguồn lực trong giai đoạn 2016 - 2020 còn khó khăn, cần có sự chia sẻ của địa phương. Ngoài ra, đây là giai đoạn đầu tiên làm kế hoạch đầu tư công trung hạn nên cũng chưa hình dung đầy đủ về khả năng cân đối nguồn.

Bộ KH&ĐT đề nghị các địa phương căn cứ vào tình hình thực tế nguồn lực của Nhà nước, số vốn năm 2019 đã được Quốc hội giao và số vốn trung hạn còn lại giai đoạn 2016 - 2020 để xây dựng kế hoạch năm 2020 phù hợp. Trong đó, cần xác định rõ mục tiêu, thứ tự ưu tiên trong kế hoạch đầu tư công năm 2020 phù hợp với kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016 - 2020 đã được HĐND cấp tỉnh thông qua, phù hợp với khả năng cân đối các nguồn vốn đầu tư năm 2020 và khả năng thực hiện, tiến độ giải ngân của từng dự án trong năm 2020.

Bộ cũng đề nghị các địa phương hoàn tất thủ tục đầu tư đối với các dự án khởi công mới, dự án chuẩn bị đầu tư, nhiệm vụ quy hoạch ngay từ đầu năm để có căn cứ bố trí kế hoạch năm 2020 đúng quy định. Theo đó, ngay trong tháng 1/2020 phải phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu đối với dự án mới và tiến hành kiểm kê, bồi thường, giải phóng mặt bằng xong đối với dự án phải bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Đối với các dự án xác định không có khả năng thực hiện hết mức vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm giai đoạn 2016 - 2020 đã giao, đề xuất điều chỉnh giãn tiến độ sang giai đoạn sau năm 2020 để tập trung vốn thực hiện các nhiệm vụ quan trọng khác, phát huy được hiệu quả ngay.

Chuyên đề