Nhu cầu dầu có thể phục hồi mức trước đại dịch vào năm 2022

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Các nhà phân tích tại Goldman Sachs dự kiến nhu cầu dầu toàn cầu sẽ trở lại mức trước đại dịch vào năm 2022, khi các phương tiện cá nhân phổ biến hơn và chi tiêu cơ sở hạ tầng cao hơn.
Các nhà phân tích tại Goldman Sachs tin rằng nhu cầu dầu sẽ không đạt đỉnh trước năm 2030. Ảnh minh họa: Internet
Các nhà phân tích tại Goldman Sachs tin rằng nhu cầu dầu sẽ không đạt đỉnh trước năm 2030. Ảnh minh họa: Internet

Trong nghiên cứu được công bố hôm 2/7, các nhà phân tích tại Goldman Sachs ước tính nhu cầu dầu toàn cầu sẽ giảm 8% vào năm 2020, tăng trở lại 6% vào năm 2021 và hồi phục hoàn toàn về mức độ trước đại dịch vào năm 2022.

Xăng được cho là sẽ phục hồi nhu cầu nhanh nhất trong số các sản phẩm dầu do hoạt động đi lại gia tăng khi người dân sẽ chuyển từ giao thông công cộng sang phương tiện cá nhân. Trong khi đó, nhu cầu dầu diesel sẽ phục hồi được mức như năm 2019 vào năm 2021, được thúc đẩy bởi chi tiêu của các chính phủ cho các dự án cơ sở hạ tầng.

Tuy nhiên, Goldman Sachs cảnh báo nhu cầu nhiên liệu máy bay không mấy sáng sủa sau cuộc khủng hoảng Covid-19, bởi niềm tin của người tiêu dùng vào hàng không còn ở mức thấp trong trường hợp không có vaccine. Bên cạnh đó, hành vi người tiêu dùng cũng có khả năng thay đổi trong thời gian dài.

Do đó, Goldman Sachs không hy vọng nhu cầu nhiên liệu máy bay sẽ quay trở lại mức trước Covid-19, ít nhất là trước năm 2023.

Tháng trước, Cơ quan Năng lượng Quốc tế dự kiến mức giảm nhu cầu dầu trong năm nay sẽ là lớn nhất trong lịch sử. Ảnh minh họa: Internet

Tháng trước, Cơ quan Năng lượng Quốc tế dự kiến mức giảm nhu cầu dầu trong năm nay sẽ là lớn nhất trong lịch sử. Ảnh minh họa: Internet

Dự báo của Goldman Sachs được đưa ra sau khi giá dầu phục hồi mạnh mẽ trong ba tháng tính đến tháng 6, ghi nhận quý có hiệu suất tốt nhất trong 30 năm. Chốt phiên giao dịch ngày 2/7, giá dầu Brent giao dịch ở mức 42,75 USD mỗi thùng, tăng khoảng 1,7%. Trong khi đó, giá dầu WTI hợp đồng tương lai đạt mức 40,43 USD, tăng khoảng 1,5%.

Giá dầu Brent và WTI hợp đồng tương lai đã tăng vọt lần lượt hơn 80% và 91% trong quý II, song vẫn nằm trong vùng giá giảm, với mức giảm hơn một phần ba so với đầu năm.

Giá dầu thô hợp đồng tương lai giảm mạnh xuống mức thấp kỷ lục trong tháng 4/2020, với giá dầu WTI lần đầu tiên rơi xuống mức âm khi các biện pháp cách ly, phong tỏa do Covid-19 đạt đến đỉnh điểm. Các biện pháp này đã làm đóng băng phần lớn hoạt động di chuyển toàn cầu, tạo ra cú sốc chưa từng có cho thị trường năng lượng.

Tháng trước, Cơ quan Năng lượng Quốc tế dự kiến mức giảm nhu cầu dầu trong năm nay sẽ là lớn nhất trong lịch sử. Riêng trong quý II/2020, nhu cầu thị trường giảm gần 18 triệu thùng mỗi ngày so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong bản đánh giá mới nhất về thị trường dầu mỏ, cơ quan năng lượng có trụ sở tại Paris (Pháp) cho biết, họ có lý do để tin rằng nhu cầu dầu sẽ đạt được mức tăng ổn định hơn nữa trong những tháng tới. Cơ quan này dự báo gia tăng nhu cầu dầu lớn nhất trong lịch sử sẽ được ghi nhận vào năm tới.

Về lâu dài, các nhà phân tích tại Goldman Sachs cho biết, họ hiện tin rằng nhu cầu dầu sẽ không đạt đỉnh trước năm 2030.

Chuyên đề