Toàn tuyến metro số 1 có tổng chiều dài 19,7 km, bao gồm 2,6 km công trình ngầm và 17,1 km trên cao. Đoạn cầu cạn dài 14,5 km với mặt cắt ngang dầm hình chữ U, trong đó có 12 km sẽ được thi công bằng công nghệ lắp ghép các đốt dầm đúc sẵn bằng hệ đà giáo di động.
Những đốt dầm cầu hình chữ U được đúc sẵn tại bãi đúc dầm khu Deport Bình Long, quận 9, sau đó được vận chuyển đến công trường và lắp trên giàn treo di động. Có 13 đốt dầm được treo trên hệ đà giáo di động và ghép thành một nhịp cầu hoàn chỉnh được liên kết vĩnh cửu với nhau bằng khóa chống cắt và cáp dự ứng lực. Mỗi đốt dầm có trọng lượng lớn nhất 42 tấn với độ dài mỗi đốt 2,85m, rộng dầm 11,1m, cao 2,030m.
Tổng số đốt dầm đúc sẵn là 4.563 đốt, tương đương với 372 nhịp cầu cạn. Tuyến metro Số 1 sẽ được hoạt động thử nghiệm năm 2019 và khai thác thương mại vào năm 2020.
Theo báo cáo của Ban Quản lý đường sắt đô thị Tp.HCM, gói thầu 1b (đoạn đi ngầm dài 2,6 km) gồm 2 nhà ga ngầm và đoạn hầm dài 1.315 m đang gấp rút thi công ngày đêm và luôn kịp tiến độ đề ra. Theo thiết kế, nhà ga Nhà hát Thành phố nằm ở độ sâu 40 m, chiều dài 190 m, gồm 4 tầng trong lòng đất. Hiện nay, để đảm bảo tiến độ, nhà thầu tiến hành thi công cả ngày lẫn đêm, mỗi ngày đào được hơn 500 m khối đất.
Theo quy trình, sau khi máy khoan đào, đất sẽ được đưa lên băng chuyền đưa về điểm tập kết để vận chuyển lên xe đưa đến điểm đổ đất. Với tiến độ thi công như hiện nay, dự kiến đến tháng 2/2019 các nhà ga và đoạn đi ngầm mới hoàn thành.
Theo Ban Quản lý đường sắt đô thị Tp.HCM, đoạn đi trên cao từ Ba Son đến Long Bình, Quận 9 dài hơn 17 km, hiện đang được lắp dầm lên các trụ dọc xa lộ Hà Nội. Việc lắp dầm sẽ thực hiện trong 2 năm, đến giữa năm 2017 sẽ hoàn thành.
Do hoàn thành đoạn đi trên cao trước nên Ban quản lý dự án đường sắt đô thị Tp.HCM đang tính toán các phương án để khai thác đoạn đi trên cao vào năm 2018.
Mới đây nhất, UBND tỉnh Đồng Nai vừa có văn bản đề nghị Bộ Giao thông Vận tải xem xét nghiên cứu, bổ sung kéo dài tuyến metro số 1 với chiều dài 4,7km từ Suối Tiên (quận 9, TP HCM) đến ngã tư Vũng Tàu (Đồng Nai).
Theo đó, việc nghiên cứu kéo dài metro số 1 đến ngã 3 Vũng Tàu xuất phát từ việc tỉnh Đồng Nai nằm giáp với cửa ngõ phía Đông của Tp.HCM. Trên địa bàn tỉnh có gần 30 khu công nghiệp nên lượng người đi lại giữa Đồng Nai và Tp.HCM rất lớn.
Cùng nhìn lại những hoạt động xây dựng dự án trong những ngày đầu xuân
Công trường thi công đoạn trên cao thuộc quận Bình Thạnh vào ngày 28 tết âm lịch.
Nhịp dầm đang được nối dài, đoạn đi qua ngã tư quận Thủ Đức.
Hạng mục thi công quan trọng nhất của toàn bộ đại dự án này, gói thầu thi công nhà ga ngầm ngay gần chợ Bến Thành, quận 1.
Công trường trước nhà hát Sài Gòn. Trong tương lai, nơi đây sẽ là một đại trung tâm mua sắm, vui chơi giải trí sâu 7 tầng dưới lòng đất.
Hàng trụ cột chạy dài dọc Xa lộ Hà Nội đã hoàn thành 100% tiến độ, đang bước vào giai đoạn đút dầm.
Đoạn vượt sông Sài Gòn đang được thi công khẩn trương với chiều rộng 11 m, 2 trụ chính đã thành hình.
Bãi đúc dầm được đặt tài quận 9. Đây là một đại công trường với quy mô xây dựng khép kín.
Các nhà thầu cho biết, hạng mục xây dựng trụ và dầm vượt các con sông lớn nhỏ vô cùng khó khăn và mất nhiều thời gian nhất. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, mọi việc đã hoàn tất trên 60% khối lượng.
Công tác lao lắp dầm đang được nhà thầu tiến hành theo dạng cuốn chiếu, vừa đúc vừa lắp kéo dài trong thời gian 2 năm. Tại phường Thảo Điền, quận 2, xe cộ có thể lưu thông dưới tuyến đường sắt đô thị. Thời điểm này, đây là điểm giao cắt đầu tiên từ trên cao với mặt đường trên toàn tuyến.
Đại công trường trước thương xá Tax vẫn tấp nập đội ngũ chuyên gia, nhà thầu và công nhân trong những ngày nghỉ tết.