Nhìn lại quá trình tăng vốn thần tốc của Xây dựng 1369

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Công ty CP Xây dựng 1369 (mã chứng khoán C69) vừa thông qua nghị quyết rút hồ sơ đăng ký chào bán ra công chúng 19,8 triệu cổ phiếu. Nếu việc chào bán được triển khai, vốn điều lệ của Công ty sẽ tăng từ 600 tỷ đồng lên 798 tỷ đồng. Trước đó chỉ trong 4 năm (2018 - 2021), Xây dựng 1369 đã nhanh chóng tận dụng thị trường chứng khoán để tăng vốn thần tốc từ mức 50 tỷ đồng lên 600 tỷ đồng.
Biểu đồ giá cổ phiếu C69
Biểu đồ giá cổ phiếu C69

Cụ thể, vào tháng 8/2018, Xây dựng 1369 đã hoàn thành tăng vốn từ mức 50 tỷ đồng lên 100 tỷ đồng từ phát hành riêng lẻ 5 triệu cổ phiếu cho 7 cá nhân như ông Lê Minh Tân (Chủ tịch HĐQT), Đào Thị Đầm (thành viên HĐQT)… với giá bán 10.000 đồng/CP.

Đến tháng 10/2019, Xây dựng 1369 tiếp tục phát hành 5 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 2:1 (cổ đông sở hữu 2 cổ phiếu được quyền mua thêm 1 cổ phiếu phát hành thêm) với giá 10.000 đồng/CP. Sau đợt phát hành, vốn điều lệ của Xây dựng 1369 tăng thành 150 tỷ đồng và số tiền Công ty thực thu khi trừ đi chi phí chào bán là hơn 49,858 tỷ đồng.

Năm 2019 cũng là thời điểm báo cáo tài chính bắt đầu xuất hiện nhiều khoản cho vay các cá nhân như vợ chồng Chủ tịch Lê Minh Tân - Phạm Thị Thế (12 tỷ đồng), vợ chồng Phó Tổng giám đốc Nguyễn Tiến Vang - Phạm Thị Mến (1,7 tỷ đồng) và nhiều cá nhân khác với số tiền lên đến 49,8 tỷ đồng. Được biết đây là các khoản cho vay cá nhân có thời hạn 6 tháng kể từ ngày giải ngân, lãi suất 8%/năm. Các khoản vay được đảm bảo bằng tài sản cá nhân đã được Công ty dùng làm tài sản bảo đảm cho các khoản vay tại ngân hàng thương mại.

Trong 2 năm tiếp theo (2020 - 2021), Xây dựng 1369 liên tiếp thực hiện các đợt phát hành riêng lẻ 15 triệu cổ phiếu và 30 triệu cổ phiếu cho nhiều cá nhân như Tổng giám đốc Lê Tuấn Nghĩa, Phạm Anh Đức, Lê Bảo Trung… để nâng vốn điều lệ lên mức 600 tỷ đồng và giữ nguyên cho đến nay. Trong giai đoạn này, Xây dựng 1369 đã chi ra hàng trăm tỷ đồng để mua cổ phần, góp vốn tại một loạt doanh nghiệp như Công ty TNHH Tư vấn và Xây dựng Đông Á (156 tỷ đồng), Công ty CP Gốm xây dựng Giếng Đáy Quảng Ninh (10 tỷ đồng), Công ty CP Cơ điện nông nghiệp Hải Dương (13 tỷ đồng), Công ty TNHH Toàn Thắng (30,6 tỷ đồng), Công ty CP Khu công nghiệp 1369 (94,5 tỷ đồng)… Đồng thời, Công ty cho vay và ủy thác đầu tư cho nhiều cá nhân và tổ chức, tính đến cuối năm 2022 là hơn 122 tỷ đồng.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu C69 của Xây dựng 1369 có những đợt tăng nóng, giảm sốc. Đơn cử giai đoạn đầu năm 2019 đến ngày 27/9/2019, giá cổ phiếu C69 đã tăng một mạch từ mức 3.260 đồng lên mức đỉnh 29.050 đồng. Sau đó, cổ phiếu này lại giảm về dưới mệnh giá trước khi tăng nóng trở lại trong năm 2021. Hiện giá cổ phiếu C69 đang được giao dịch ở mức 5.600 đồng.

Trong đợt huy động vốn năm 2021, Công ty lên kế hoạch chi 60 tỷ đồng thực hiện công tác đền bù, giải phóng mặt bằng Dự án Khu 3 Nghĩa Trung, Đắk Nông. Tuy nhiên, báo cáo tiến độ sử dụng vốn phát hành ngày 17/3/2023 cho thấy số tiền này vẫn chưa được chi ra.

Liên tục huy động vốn từ phát hành riêng lẻ, cổ đông hiện hữu, rồi dùng tiền đó để mua lại tài sản khác, cho vay nhiều cá nhân đã giúp vốn điều lệ của Xây dựng 1369 lớn lên nhanh chóng trong thời gian ngắn. Tổng tài sản của Công ty cũng lớn nhanh từ mức 345,4 tỷ đồng cuối năm 2019 lên 1.366 tỷ đồng vào cuối năm 2022.

Năm 2022, Xây dựng 1369 ghi nhận 1.047 tỷ đồng doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ; lợi nhuận sau thuế đạt hơn 28,4 tỷ đồng. Tuy nhiên dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của Công ty lại âm tới 137,2 tỷ đồng. Đáng chú ý, trong 2 năm 2020 và 2021, dù kinh doanh có lãi nhưng dòng tiền kinh doanh của Xây dựng 1369 âm lần lượt 76,8 tỷ đồng và 112,6 tỷ đồng. Nguyên nhân chính khiến hoạt động kinh doanh của Xây dựng 1369 không thu được tiền đến từ sự gia tăng các khoản phải thu.

Chuyên đề