Nhiều vấn đề trong phát triển khu kinh tế

(BĐT) - Kể từ khi ra đời đến nay, hoạt động của khu kinh tế (KKT) nói chung, của khu kinh tế cửa khẩu (KKTCK) và KKT ven biển nói riêng đã có những đóng góp to lớn cho các địa phương và quốc gia trên nhiều bình diện. 
Hoạt động của khu kinh tế cửa khẩu góp phần mở rộng quy mô thị trường, tăng cường giao lưu hàng hóa. Ảnh: Lê Tiên
Hoạt động của khu kinh tế cửa khẩu góp phần mở rộng quy mô thị trường, tăng cường giao lưu hàng hóa. Ảnh: Lê Tiên

Tuy nhiên, sự phát triển các KKT, KKTCK và KKT ven biển đang gặp không ít khó khăn, vướng mắc, bất cập cần sớm được khắc phục.

Hiện trạng và sự đóng góp của các khu kinh tế

Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho biết, theo kế hoạch, đến năm 2020, Việt Nam sẽ có 30 KKTCK, trong đó, các KKTCK Móng Cái, Lào Cai, Đồng Đăng - Lạng Sơn, Lao Bảo, Cầu Treo, Bờ Y, Mộc Bài, An Giang và Đồng Tháp sẽ được đầu tư xây dựng đồng bộ về kết cấu hạ tầng, mô hình tổ chức quản lý, cơ chế, chính sách.

Đến thời điểm này, cả nước hiện có 26 KKTCK với tổng diện tích hơn 660 nghìn ha, đã có 21 trong tổng số 25 tỉnh biên giới đất liền có KKTCK được thành lập; còn 4 tỉnh dự kiến thành lập KKTCK là Nghệ An (Nậm Cắn - Thanh Thủy); Thanh Hóa (Na Mèo); Đắk Nông (Đắk Per) và Đắk Lắk (Đắk Ruê). Ngoài ra, giai đoạn 2016 - 2020, Quảng Trị sẽ được thành lập thêm 1 KKTCK, đó là KKTCK La Lay.

Với KKT ven biển, sự sôi động cũng không hề thua kém các KKTCK. Minh chứng là, kể từ khi KKT ven biển đầu tiên là KKT mở Chu Lai được thành lập vào năm 2003, tính đến cuối năm 2016, cả nước đã có 16 KKT ven biển được thành lập, gồm: 2 KKT ở vùng Đồng bằng sông Hồng là: Vân Đồn (Quảng Ninh) và Đình Vũ - Cát Hải (Hải Phòng); 11 KKT ven biển ở vùng duyên hải miền Trung là Nghi Sơn (Thanh Hóa), Đông Nam Nghệ An (Nghệ An), Vũng Áng (Hà Tĩnh), Hòn La (Quảng Bình), Chân Mây - Lăng Cô (Thừa Thiên Huế), Chu Lai (Quảng Nam), Dung Quất (Quảng Ngãi), Nhơn Hội (Bình Định), Vân Phong (Khánh Hòa), Nam Phú Yên (Phú Yên) và Đông Nam Quảng Trị (Quảng Trị); 3 KKT ven biển ở miền Nam là KKT đảo Phú Quốc và cụm đảo Nam An Thới (Kiên Giang), Định An (Trà Vinh), Năm Căn (Cà Mau). Tổng diện tích mặt đất và mặt nước biển của 16 KKT ven biển này là gần 815 nghìn ha.

Theo thống kê của Bộ KH&ĐT, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua các KKTCK đạt tốc độ tăng trưởng cao qua các năm. Cụ thể, năm 2015, tổng kim ngạch xuất khẩu qua các KKTCK đạt 13,5 tỷ USD, tăng 2,5 lần so với năm 2010 và tăng gần 8 lần so với năm 2005. Tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu qua các KKTCK bình quân của giai đoạn 2006 - 2010 đạt 25%, giai đoạn 2011 - 2015 đạt 20%, cao hơn tốc độ tăng trưởng xuất nhập khẩu chung của cả nước trong cùng thời kỳ.

Đối với các KKT ven biển, năm 2016 đạt tổng doanh thu khoảng 8 tỷ USD, xuất khẩu đạt hơn 5 tỷ USD, đóng góp vào ngân sách nhà nước khoảng 30 nghìn tỷ đồng. 

Những vấn đề đang phải đối mặt

Thu hút đầu tư sản xuất, kinh doanh vào các KKTCK, KKT ven biển còn gặp nhiều khó khăn; cơ chế, chính sách phát triển KKTCK, KKT ven biển còn khó khăn, vướng mắc.
Theo Bộ KH&ĐT, hiện còn khá nhiều vấn đề đang đặt ra đối với mô hình KKTCK và KKT ven biển. Trong đó đáng chú ý nhất là việc lập quy hoạch chung và quy hoạch chi tiết trong KKTCK triển khai còn chậm và chất lượng chưa cao. Mặt khác, do quy mô nguồn vốn còn nhỏ nên kết cấu hạ tầng tại các KKTCK chưa được đầu tư đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Ngoài ra, thu hút đầu tư sản xuất, kinh doanh vào các KKTCK, KKT ven biển còn gặp nhiều khó khăn; cơ chế, chính sách phát triển KKTCK, KKT ven biển còn khó khăn, vướng mắc.

Nguyên nhân của những bất cập nêu trên theo Bộ KH&ĐT là do việc đề xuất bổ sung quy hoạch, thành lập KKT của một số địa phương chưa thực sự phù hợp với điều kiện, tiềm năng phát triển của địa phương, của vùng; quy hoạch KKT chưa được xem xét một cách tổng thể, hài hòa lợi ích của địa phương, của vùng gắn chặt với lợi ích của quốc gia. Bên cạnh đó, các KKT đều có chung định hướng đầu tư, do đó chưa phát huy được lợi thế so sánh dẫn đến sự cạnh tranh trong thu hút đầu tư giữa các KKT.     

Chuyên đề