Nhiều rào cản tại các gói thầu vệ sinh bệnh viện

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Cùng thời điểm, 2 gói thầu dịch vụ vệ sinh công nghiệp trong bệnh viện đang phát hành hồ sơ mời thầu (HSMT) đều ghi nhận phản ánh của các nhà thầu về tính cạnh tranh.
Gói thầu Cung cấp dịch vụ vệ sinh công nghiệp tại Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM) bị nhà thầu đề nghị làm rõ các tiêu chí về nhân sự. Ảnh minh họa: Nhã Chi
Gói thầu Cung cấp dịch vụ vệ sinh công nghiệp tại Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM) bị nhà thầu đề nghị làm rõ các tiêu chí về nhân sự. Ảnh minh họa: Nhã Chi

Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ đang phát hành HSMT Gói thầu 4 Cung cấp dịch vụ vệ sinh công nghiệp (giá gói thầu 9,434 tỷ đồng) thuộc Dự án Danh mục, dự toán và nguồn vốn thuê đơn vị cung cấp dịch vụ bảo vệ, dịch vụ vệ sinh công nghiệp.

Theo các nhà thầu, HSMT của gói thầu này yêu cầu nhà thầu tự trang bị thang máy để vận chuyển rác, đảm bảo thang đạt các tiêu chuẩn theo quy định hiện hành, có kiểm định trước khi sử dụng và kiểm định lại khi hết hạn. Nhà thầu phải đề xuất kế hoạch, phương án vận chuyển rác lúc tiếp nhận từ đơn vị cũ đến khi hoàn thành lắp đặt thang máy không làm ảnh hưởng đến hoạt động của Bệnh viện (không 60 ngày).

Được biết, nhà thầu đang thực hiện Gói thầu Cung cấp dịch vụ vệ sinh công nghiệp tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ là Công ty CP Đầu tư Thương mại và Dịch vụ Nhà Đẹp Việt (thực hiện hợp đồng từ 19/1/2023). Như vậy, nhà thầu dự thầu Gói thầu 4 sẽ phải đàm phán, thương thảo với đơn vị này để tiếp tục sử dụng thang máy vận chuyển rác. Các nhà thầu lo lắng, nếu quá trình đàm phán gặp khó khăn, hoặc thời gian đàm phán kéo dài hơn 60 ngày thì rủi ro đối với nhà thầu trúng thầu là rất lớn. Trong khi đó, việc bàn giao mặt bằng cần sự phối hợp giữa 3 bên: nhà thầu trúng thầu, bệnh viện và đơn vị bàn giao từ gói thầu năm 2023. Cụ thể, nhà thầu thực hiện gói thầu năm 2023 có trách nhiệm bàn giao toàn bộ cho Bệnh viện để Bệnh viện giao cho đơn vị mới trúng thầu.

Tại TP.HCM, Bệnh viện Từ Dũ đang trong thời gian phát hành HSMT Gói thầu Cung cấp dịch vụ vệ sinh công nghiệp Khu A-H năm 2023 - 2024, 2024 - 2025 lần 2. Gói thầu có giá 20,959 tỷ đồng, thời gian thực hiện hợp đồng là 24 tháng.

HSMT của gói thầu này có một số tiêu chí nhà thầu đề nghị làm rõ. Trong đó có yêu cầu: “Toàn bộ các nhân sự được kê khai trong hồ sơ dự thầu (HSDT) là nhân sự thực hiện thực tế theo hợp đồng nếu nhà thầu trúng thầu. Trường hợp nhà thầu có thay đổi nhân sự do các lý do khách quan thì tỷ lệ thay đổi không quá 15% trên tổng số nhân sự đã kê khai trong HSDT... Trường hợp nhân sự thực tế thay đổi nhiều hơn 15% trên tổng nhân sự dự thầu thì nhà thầu sẽ được xem là không đáp ứng về nhân sự và Chủ đầu tư có quyền kết thúc hợp đồng với nhà thầu do lỗi của nhà thầu”. Nhà thầu đề nghị Bên mời thầu làm rõ yêu cầu nêu trên căn cứ theo văn bản, quy định nào vì đây không phải là nhân sự chủ chốt.

Bên cạnh đó, HSMT yêu cầu 100% nhân sự thuộc mỗi nhóm nhân sự (tính trên tổng số lượng nhân sự tối thiểu yêu cầu cho từng nhóm nhân sự) có hồ sơ chứng minh nhân sự thuộc nhà thầu tại thời điểm mở thầu đính kèm trong HSDT (được đánh giá đạt khi HSDT có hồ sơ chứng minh đính kèm: hợp đồng lao động còn hiệu lực, chứng minh nhân dân/thẻ căn cước công dân). 100% nhân sự thuộc mỗi nhóm nhân sự sẽ được tham gia bảo hiểm xã hội tại nhà thầu nếu trúng thầu (được đánh giá đạt khi HSDT có cam kết sẽ thực hiện nội dung này).

Theo các nhà thầu, căn cứ khoản 2 Điều 12 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP, việc HSMT nêu các điều kiện trên là hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu, gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng.

Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, các bệnh viện nêu trên cho rằng, gói thầu dịch vụ vệ sinh công nghiệp bệnh viện có tính đặc thù do nhân sự tham gia phải có sự am hiểu, được đào tạo để tuân thủ quy trình vận hành của các phòng, khoa chuyên môn của bệnh viện. Đặc biệt, cần có những tiêu chuẩn cao về kiểm soát nhiễm khuẩn, thông thuộc, gắn bó với công việc. Bệnh viện cũng muốn nhân sự trực tiếp lao động có thông tin rõ ràng về địa chỉ cư trú, dữ liệu sức khỏe, có sự gắn kết lâu dài với nhà thầu thông qua chính sách lao động để đảm bảo duy trì liên tục công việc cho bệnh viện.

Các chuyên gia đấu thầu cho rằng, các bên mời thầu không thể tự ý đưa vào HSMT những tiêu chí không phù hợp dẫn tới hạn chế cạnh tranh. Việc yêu cầu hợp đồng lao động, bảo hiểm không được quy định trong các mẫu HSMT nên phản ánh của nhà thầu là có cơ sở. Bên cạnh đó, việc yêu cầu nhà thầu trúng thầu phải làm việc với đơn vị cung cấp dịch vụ tại bệnh viện là đẩy nhà thầu vào thế khó.

Chuyên đề