Nhiều rào cản nội địa hóa thiết bị nhiệt điện

(BĐT) - Công nghiệp cơ khí được xem như là xương sống của nền kinh tế, thế nhưng sau nhiều năm phát triển ngành công nghiệp này mới chỉ đáp ứng được hơn 32% nhu cầu trong nước. Vấn đề nội địa hóa các sản phẩm cơ khí, nhất là cho ngành điện, vẫn còn nhiều rào cản khiến không ít gói thầu/dự án rơi vào tay nhà thầu ngoại.
Nhiều chủ đầu tư dự án nhiệt điện e ngại việc sử dụng thiết bị phụ trợ do DN cơ khí trong nước sản xuất. Ảnh: Lê Tiên
Nhiều chủ đầu tư dự án nhiệt điện e ngại việc sử dụng thiết bị phụ trợ do DN cơ khí trong nước sản xuất. Ảnh: Lê Tiên

Thấp thỏm nỗi lo mất thị trường

Nhằm nội địa hóa các dự án nhiệt điện chạy than, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1791/QĐ-TTg ngày 29/11/2012 phê duyệt cơ chế thực hiện thí điểm thiết kế, chế tạo trong nước thiết bị các nhà máy nhiệt điện trong giai đoạn 2012 - 2025 (gọi tắt QĐ1791) nhằm nội địa hóa 11 hạng mục của nhà máy nhiệt điện và thí điểm thực hiện ở 3 dự án (Sông Hậu 1, Quảng Trạch 1, Quỳnh Lập 1). Đến nay, Dự án Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1 đã nội địa hóa được 4/11 hạng mục thiết bị; Dự án Quảng Trạch 1 dự kiến đấu thầu quốc tế và sẽ không áp dụng cơ chế tại QĐ1791; còn Dự án Quỳnh Lập 1 có thể chuyển chủ đầu tư từ Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam sang Tập đoàn Geleximco. “Như vậy, chương trình nội địa hóa thiết bị cho các dự án nhiệt điện này không được thực hiện”, TS. Nguyễn Chỉ Sáng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) cơ khí Việt Nam nhận xét.

Trao đổi với Báo Đấu thầu, ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Lilama - Thí nghiệm cơ điện nhìn nhận: “Gần 6 năm thực hiện thí điểm thiết kế, chế tạo trong nước thiết bị các nhà máy nhiệt điện, nhưng cơ chế này gần như chưa tạo được chuyển biến gì đối với việc phát triển, nâng cao năng lực cũng như sự tham gia của các DN cơ khí vào các dự án nhiệt điện”.

Về nguyên nhân, ông Hùng cho rằng trong giai đoạn này có ít dự án nhiệt điện được triển khai, các chủ đầu tư lại e ngại việc sử dụng thiết bị phụ trợ do DN cơ khí trong nước sản xuất vì vấn đề chất lượng, tiến độ. Còn theo đại diện Hiệp hội DN cơ khí Việt Nam, đó là khó khăn trong việc thực hiện thủ tục thanh quyết toán; chất lượng thiết bị, máy móc hạn chế; chủ đầu tư ngại bóc tách gói thầu...

Về thị trường cơ khí Việt Nam những năm tới, ông Nguyễn Chỉ Sáng cho biết, tổng nhu cầu về máy móc, thiết bị phục vụ cho các nhà máy, công trình của nước ta từ nay đến năm 2030 ước tính khoảng 350 tỷ USD, trong đó thiết bị đồng bộ khoảng 8 - 10 tỷ USD/năm, thiết bị tiêu chuẩn 2 tỷ USD… Đây là cơ hội lớn để DN ngành cơ khí trong nước vươn lên và phát triển. Tuy nhiên, nếu không khai thác tốt thì “miếng bánh này sẽ rơi vào tay DN ngoại”. 

Tìm cách nâng tỷ lệ nội địa hóa

Dù QĐ1791 chưa đạt được kết quả như mong đợi, tuy nhiên ông Hùng cho rằng, các DN được phân công thực hiện nhiệm vụ nội địa hóa đã rất tích cực, chủ động chuẩn bị, tự nâng cao năng lực và tìm kiếm công việc từ mọi dự án. Tại nhiều dự án nhiệt điện, tỷ lệ nội địa hóa đã tăng lên. Viện Nghiên cứu cơ khí đã nội địa hóa thành công bộ lọc bụi tĩnh điện cho Dự án Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1, nội địa hóa thành công thiết bị thải tro xỉ, thiết bị lọc bụi Dự án Nhiệt điện Thái bình 1… Lilama làm tổng thầu Dự án Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1 và nội địa hóa các thiết bị nước làm mát tuần hoàn, ống khói. “Điều đáng ghi nhận là các thiết bị do các DN Việt Nam thiết kế và chế tạo có chất lượng tương đương, giá cạnh tranh so với nhập ngoại”, ông Hùng đánh giá.

Để ngành cơ khí phát triển và đáp ứng 50 - 70% nhu cầu thị trường từ nay đến năm 2030, đặc biệt các DN cơ khí có thể thắng thầu trên sân nhà, đại diện Hiệp hội DN cơ khí Việt Nam đề xuất một loạt các giải pháp như: xây dựng tổng thể chiến lược phát triển ngành có gắn với nội địa hóa thiết bị; bảo hộ, bảo vệ thị trường có thời gian và có điều kiện đặc biệt cho các dự án đầu tư công, chỉ định thầu hoặc đấu thầu trong nước hạng mục mà các DN có khả năng thiết kế, chế tạo, cung cấp. Trong bối cảnh nền kinh tế hội nhập mạnh mẽ, Việt Nam cần có hàng rào phòng vệ, chính sách bảo vệ thị trường hợp lý, từ đó thúc đẩy DN cơ khí trong nước phát triển.

Lãnh đạo Lilama đề xuất cần sửa đổi cơ chế tại QĐ1791 theo hướng tại các dự án đầu tư công, cơ quan có thẩm quyền yêu cầu các chủ đầu tư tổ chức đấu thầu rộng rãi trong nước để đảm bảo các DN cơ khí trong nước có đủ năng lực tham gia, tránh việc một số DN cơ khí nước ngoài mượn danh, núp bóng DN trong nước.

Một số ý kiến khác đề xuất, đối với dự án đầu tư và mua sắm sử dụng vốn ngân sách nhà nước, bắt buộc hồ sơ mời thầu phải có tiêu chí đánh giá về tỷ lệ bắt buộc sử dụng vật tư, thiết bị do các DN cơ khí trong nước sản xuất đảm bảo yêu cầu kỹ thuật; hồ sơ mời thầu đưa ra tiêu chí các công ty nước ngoài không có cơ sở sản xuất tại Việt Nam không được tham gia đấu thầu cung cấp thiết bị. Quy định chặt chẽ việc thực hiện hợp đồng EPC theo Chỉ thị 13/2017/CT-TTg…

Chuyên đề