Nhiều “ông lớn” ngành xây dựng kỳ vọng bứt phá

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Sau những khó khăn do dịch Covid-19, đầu tư công được đẩy mạnh ngay từ đầu năm 2022 trở thành động lực tăng trưởng chính cho ngành xây dựng hạ tầng. Trước triển vọng kinh doanh tích cực, nhiều doanh nghiệp trong ngành đặt mục tiêu tăng trưởng mạnh trong năm nay.
Vinaconex dự kiến lợi nhuận ròng năm 2022 tăng trưởng 169% so với năm ngoái. Ảnh: Nhã Chi
Vinaconex dự kiến lợi nhuận ròng năm 2022 tăng trưởng 169% so với năm ngoái. Ảnh: Nhã Chi

Theo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, nguồn vốn thực hiện nhóm giải pháp phát triển kết cấu hạ tầng lên tới 113.550 tỷ đồng. Phần lớn nguồn vốn này tập trung vào phát triển 13 dự án giao thông quan trọng (dự kiến chi 103.164 tỷ đồng). Trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, phân bổ vốn cho phát triển hạ tầng giao thông cũng được chú trọng với 570.412 tỷ đồng, chiếm 52% tổng vốn đầu tư từ ngân sách trung ương.

Theo đánh giá của Công ty CP Chứng khoán VNDirect, việc hàng loạt dự án cao tốc được đẩy mạnh triển khai trong giai đoạn 2022 - 2025 sẽ mở ra cơ hội bứt phá lợi nhuận cho nhóm các doanh nghiệp xây dựng hạ tầng giao thông. Các nhà thầu đã chứng minh được năng lực thi công và đang thực hiện các dự án giao thông trọng điểm sẽ được hưởng lợi chính từ làn sóng này.

Công ty CP Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam kỳ vọng nhóm doanh nghiệp xây dựng có khả năng hưởng lợi trực tiếp từ làn sóng đầu tư công, hoặc gián tiếp từ tác động lan tỏa của chính sách.

Trước triển vọng kinh doanh tích cực, nhiều doanh nghiệp xây dựng tự tin lên kế hoạch kinh doanh năm 2022 với mức tăng trưởng lợi nhuận cao so với năm ngoái.

Công ty CP Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả công bố dự kiến doanh thu và lợi nhuận sau thuế năm 2022 lần lượt đạt 2.515 tỷ đồng và 396 tỷ đồng, tăng tương ứng 35% và 36% so với năm trước. Nếu hoàn thành hay vượt kế hoạch, doanh nghiệp này sẽ ghi nhận mức lợi nhuận cao nhất kể từ khi hoạt động.

Năm nay, Công ty CP Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả cho biết sẽ tiếp tục thi công hợp đồng đã ký kết, tập trung vào các gói thầu hoàn thiện Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, Dự án cao tốc Cao Lâm - Vĩnh Hảo... với sản lượng còn lại gần 1.000 tỷ đồng. Song song đó, Công ty sẽ thực hiện thêm các gói thầu cho Dự án đường ven biển tại Bình Định, các dự án thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông...

Về hoạt động đầu tư, Công ty CP Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả dự kiến hợp tác kinh doanh với Công ty CP Cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo để thực hiện Dự án cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo. Đồng thời, hợp tác với Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả để thực hiện Dự án Xây dựng đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận giai đoạn 1 với tổng vốn 450 tỷ đồng và dự kiến đầu tư vào một số dự án xây hầm đường bộ qua Đèo Cả (100 tỷ đồng), Dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn (100 tỷ đồng)...

Một “ông lớn” ngành xây dựng là Tổng công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) dự kiến doanh thu và lợi nhuận ròng năm 2022 tăng trưởng mạnh tương ứng 143% và 169% so với năm ngoái, lần lượt đạt 15.300 tỷ đồng và 1.400 tỷ đồng. Vinaconex cho biết, trong năm 2021, Tổng công ty trúng nhiều gói thầu, dự án lớn thuộc lĩnh vực giao thông, xây dựng dân dụng, công nghiệp với tổng giá trị trúng thầu trên 10.000 tỷ đồng. Tiêu biểu là các gói thầu thuộc Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Dự án Thủy điện Yaly mở rộng, cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2, Dự án Cung thiếu nhi Hà Nội, Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng.

Công ty CP Licogi 16 đặt mục tiêu đạt 2.005 tỷ đồng doanh thu năm 2022, trong đó doanh thu xây lắp chuyển tiếp từ năm 2021 khoảng 893 tỷ đồng, từ các hợp đồng dự án dự kiến ký kết thực hiện, đang trong quá trình đấu thầu và chào thầu là 570 tỷ đồng, còn lại từ các mảng khác. Lợi nhuận sau thuế dự kiến đạt 250 tỷ đồng, tăng trưởng 38%.

Mới đây, HĐQT Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình công bố kế hoạch kinh doanh năm 2022 với mục tiêu doanh thu đạt 17.500 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 350 tỷ đồng, tăng lần lượt 54% và 261% so với năm 2021.

Chuyên đề