Nhiều nhà thầu nói không với cuộc đua phá giá

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Sau giai đoạn dài lao vào cuộc đua giảm giá để có việc làm cho người lao động, nhiều nhà thầu xây dựng và các chủ đầu tư đang bắt đầu phải hứng chịu những hệ quả tiêu cực. Nhiều ý kiến cho rằng, đã đến lúc phải chấm dứt cuộc đua này, giúp doanh nghiệp xây dựng phát triển lành mạnh và tạo nên những công trình chất lượng.
Cải thiện năng lực, tìm cách mở rộng phát triển lĩnh vực, thị trường là một hướng đi đối với nhà thầu xây dựng. Ảnh: Nhã Chi
Cải thiện năng lực, tìm cách mở rộng phát triển lĩnh vực, thị trường là một hướng đi đối với nhà thầu xây dựng. Ảnh: Nhã Chi

Đua giảm giá, nhà thầu xây dựng suy yếu

Chủ tịch Tập đoàn Xây dựng Delta (Delta Group) Trần Nhật Thành chia sẻ, 3 năm trở lại đây, ngành xây dựng Việt Nam đối diện hàng loạt khó khăn lớn, khiến các nhà thầu suy yếu nghiêm trọng. Trong bối cảnh công việc ít, việc cạnh tranh để giành dự án là điều dễ hiểu. Trong lĩnh vực xây dựng, cạnh tranh về giá là dễ nhất, nhưng đây là cách làm nguy hiểm, bởi đã và sẽ đưa doanh nghiệp tới ngõ cụt, càng làm càng lỗ. Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đã bị “lụi đi” từ cách làm này...

Ông Trần Phước Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Chi nhánh miền Trung chia sẻ, các doanh nghiệp xây dựng tại khu vực miền Trung gặp rất nhiều khó khăn trong bối cảnh dự án có vốn đầu tư tư nhân giảm. Có những doanh nghiệp quy mô lớn, uy tín nhưng hoạt động chưa đến 20% công suất nên không có nhu cầu xây dựng. Trong khi đó, các dự án sử dụng nguồn vốn đầu tư công lại có sự cạnh tranh khốc liệt. Có công trình đầu tư công giá trị 10 tỷ đồng thu hút sự tham dự của 30 nhà thầu, trong đó có những nhà thầu chấp nhận chào giá thấp hơn 40% so với giá gói thầu (tương đương 6 tỷ đồng) để trúng thầu.

Khát việc là một trong những lý do chủ yếu lý giải cho tình trạng giảm giá sâu để trúng thầu. Thực trạng này khiến nhà thầu có khả năng không thực hiện đúng cam kết, “ăn bớt” các loại vật tư, vật liệu, nhân sự hay hạng mục công trình trong những trường hợp giảm giá quá sâu.

Ngoài ra, một trong những hệ lụy nhãn tiền là nhà thầu không còn năng lực để thực hiện hợp đồng. Đơn cử, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Nam vừa quyết định chấm dứt hợp đồng thi công xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp trụ sở làm việc với Công ty TNHH Tư vấn thiết kế và Xây dựng Huy Khoa do nhà thầu này vi phạm hợp đồng, không còn năng lực để tiếp tục thực hiện. Lật lại quá trình tham dự và trúng thầu của Công ty ở gói thầu này cho thấy, Gói thầu có 21 nhà thầu tham dự, Huy Khoa trúng thầu với giá 7,68 tỷ đồng (giảm 3,2 tỷ đồng, tương ứng giảm gần 30% so với giá gói thầu).

Hướng đi nào cho nhà thầu?

Kiên quyết chống lại việc cạnh tranh về giá, Delta Group chấp nhận mất cơ hội ở một số dự án và đổi lại tìm các chủ đầu tư tốt để tránh nợ đọng, làm là phải có lãi, dù không nhiều. Ngoài ra, ông Trần Nhật Thành chia sẻ, với năng lực và bộ máy sẵn có, Delta Group mở rộng lĩnh vực hoạt động sang mảng xây dựng công nghiệp và đầu tư công (trước đây Delta Group chỉ thực hiện các dự án có nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước) với biên lợi nhuận ổn định, công việc liên tục nên gánh được chi phí quản lý, có dòng tiền, giảm áp lực chi phí tài chính, giảm vay ngân hàng…

Ông Trần Phước Tuấn nêu quan điểm, về lâu dài cần có sự can thiệp của “bàn tay” nhà nước đối với tình trạng cạnh tranh theo kiểu “phá giá” trên thị trường xây dựng. Theo ông Tuấn, cần có cơ chế trong việc chào giá dự thầu, nếu nhà thầu giảm giá quá 10% so với đơn giá, định mức Nhà nước quy định mà không có đảm bảo chắc chắn về chất lượng công trình thì không được chọn trúng thầu.

Ở góc nhìn của mình, ông Nguyễn Khắc Hải, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam cho rằng, việc cạnh tranh là không thể tránh khỏi nhưng các nhà thầu nên vừa cạnh tranh, vừa hợp tác để cùng phát triển, trong đó hợp tác là chủ đạo. Với định hướng phát triển mạnh mẽ về hạ tầng, riêng trong năm 2024 sẽ có khoảng 600.000 tỷ đồng đầu tư cho lĩnh vực giao thông, đây là cơ hội lớn mà các nhà thầu cần nắm bắt. Chủ trương triển khai là không chia nhỏ các gói thầu nên nhà thầu xây dựng cần phải chuẩn bị sẵn về năng lực, hợp tác với nhau để đủ sức đảm nhận được các công trình lớn.

Ngoài ra, để các nhà thầu nhỏ vẫn có “miếng bánh” của mình, theo ông Hải, các nhà thầu xây dựng lớn cần chọn việc xứng đáng, dành những công việc đơn giản hơn cho nhà thầu nhỏ, nhà thầu mới. Cùng với đó, ông Hải cho rằng, nên tăng tỷ lệ giao thầu phụ để đảm bảo phù hợp với thực tiễn.

Ông Lê Viết Hải, Chủ tịch Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình thì chia sẻ, doanh nghiệp phải tự cố gắng cải thiện năng lực, tìm cách mở rộng phát triển các lĩnh vực xây dựng trong nước, đồng thời vươn ra thị trường quốc tế để mở rộng “miếng bánh thị trường”, có cơ hội tiếp cận tinh hoa công nghệ xây dựng thế giới để củng cố sức cạnh tranh.

Chuyên đề