Ảnh: Internet |
Nhiều dự án chưa đủ căn cứ phân bổ vốn
Theo Vụ Kinh tế đối ngoại thuộc Bộ KH&ĐT, trên cơ sở nhu cầu nguồn vốn nước ngoài cấp phát từ ngân sách trung ương của các bộ, ngành và địa phương, Bộ KH&ĐT phối hợp với Bộ Tài chính rà soát và trình cấp có thẩm quyền giao vốn hàng năm cho các cơ quan. Cụ thể, tổng kế hoạch đầu tư công vốn nước ngoài năm 2019 được Quốc hội phê duyệt tại Nghị quyết số 73/2018/QH14 ngày 14/11/2018 là 60.000 tỷ đồng. Đến giữa tháng 6/2019, cả nước còn 18.143,073 tỷ đồng chưa phân bổ trong kế hoạch vốn nước ngoài cấp phát từ ngân sách trung ương năm 2019.
Vụ Kinh tế đối ngoại cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến chưa phân bổ được nguồn vốn này. Nguyên nhân đầu tiên được kể đến là thiếu vốn đối ứng, không hấp thụ được vốn nước ngoài. Nhiều bộ, ngành, địa phương hết hạn mức kế hoạch vốn nước ngoài giai đoạn 2016 - 2020, không còn dư địa để phân bổ vốn năm 2019. Một số bộ, ngành, địa phương đã được phân bổ và giao đủ vốn trung hạn và hàng năm nhưng có đề nghị giao bổ sung vốn năm 2019 dựa trên số quyết toán hoặc giải ngân thực tế của các năm 2017, 2018. Tuy nhiên, căn cứ xác nhận giải ngân chưa đầy đủ.
Ngoài ra, một số cơ quan còn hạn mức kế hoạch vốn nước ngoài giai đoạn 2016 - 2020 và có nhu cầu giải ngân vốn nước ngoài năm 2019 lớn, tuy nhiên lại có các dự án đang trong quá trình báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định việc điều chỉnh tổng mức đầu tư nên chưa đủ căn cứ để phân bổ và giao vốn. Điển hình, TP. Hồ Chí Minh đề xuất nhu cầu giải ngân vốn nước ngoài năm 2019 hơn 18.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 TP. Hồ Chí Minh, tuyến Bến Thành - Suối Tiên chưa hoàn thiện thủ tục điều chỉnh tổng mức đầu tư và cơ chế tài chính của Dự án, do vậy, chưa đủ căn cứ để phân bổ và giao vốn.
Vụ Kinh tế đối ngoại cho biết thêm, một số dự án mới ký hiệp định vay chưa được bổ sung vào kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn vốn nước ngoài giai đoạn 2016 - 2020 nên chưa có căn cứ để phân bổ và giao kế hoạch vốn nước ngoài năm 2019. Một số dự án thành phần thuộc dự án ô (dự án có một cơ quan giữ vai trò chủ quản, thực hiện chức năng điều phối chung và các cơ quan chủ quản khác tham gia quản lý, thực hiện và thụ hưởng các dự án thành phần) đề xuất bố trí vốn vượt hạn mức phân khai của cơ quan chủ quản trung ương.
Rà soát chặt chẽ kế hoạch sử dụng vốn
Tại Chỉ thị về xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2020 vừa được ban hành ngày 25/6, Thủ tướng Chính phủ có những yêu cầu chặt chẽ đối với phân bổ chi các chương trình, dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài.
Thủ tướng nêu rõ, phải rà soát chặt chẽ kế hoạch sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi, kiên quyết loại bỏ các dự án không thật sự cần thiết, kém hiệu quả. Bố trí dự toán chi ngân sách nhà nước từ nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi cho các dự án bảo đảm theo tiến độ đã ký kết với nhà tài trợ, khả năng đáp ứng nguồn vốn đối ứng, tiến độ giải phóng mặt bằng, năng lực của chủ đầu tư quản lý chương trình, dự án và trong phạm vi hạn mức vốn nước ngoài trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020
Các bộ, ngành và địa phương thực hiện lập dự toán các chương trình, dự án sử dụng vốn nước ngoài phải chi tiết rõ vốn vay, vốn viện trợ, vốn đối ứng; phân định theo tính chất chi đầu tư phát triển, chi sự nghiệp, phân định rõ dự án cấp phát hoặc vay lại hoặc hỗn hợp, chi tiết mức vốn cho từng phần. Đối với các dự án ô, cần làm rõ kế hoạch giữa cơ quan chủ quản trung ương và cơ quan chủ quản dự án thành phần tham gia thực hiện dự án.