Phần lớn doanh nhân ứng cử đại biểu Quốc hội là những người đang quản lý, điều hành các doanh nghiệp lớn |
Ông Phạm Quang Dũng, Chủ tịch HĐQT CTCP Tasco (HUT) là một trong các doanh nhân tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV.
Trao đổi với ĐTCK, ông Dũng chia sẻ, được sự vận động của nhiều người, ông đã tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội, với mong muốn cống hiến hết khả năng của mình cho đất nước. Nếu trúng cử, ngoài nói lên tiếng nói của cử tri tỉnh Nam Định, ông còn nói lên tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp về những vướng mắc đang gặp phải, từ đó có hướng tháo gỡ.
“Nhiều doanh nghiệp đang gặp vướng mắc liên quan đến cơ chế, các văn bản luật, văn bản dưới luật. Nếu đại biểu Quốc hội là người đại diện cho các doanh nghiệp thì sẽ có được góc nhìn sát hơn, hiểu sâu hơn và đưa ra các góp ý sửa đổi, bổ sung luật, giúp các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn”, ông Dũng nói và cho biết, khi hành lang pháp lý thông thoáng sẽ giúp các doanh nghiệp vận hành hiệu quả hơn, tạo nhiều công văn việc và ở một khía cạnh nào đó chính là giúp đất nước phát triển hơn.
Tham gia ứng cử và nếu trở thành đại biểu Quốc hội có thể nói là một dấu ấn quan trọng đối với các doanh nhân khi muốn chuyển sang hoạt động chính trị, nhất là ở các địa phương.
“Là doanh nhân và khi chuyển sang hoạt động trong bộ máy chính quyền các địa phương thì sẽ phát huy rất tốt kinh nghiệm thực tiễn của mình trong quá trình điều hành hoạt động sản xuất - kinh doanh”, lãnh đạo một doanh nghiệp niêm yết nói. Theo vị lãnh đạo doanh nghiệp này, tỷ lệ đại biểu Quốc hội là doanh nhân hiện vẫn đang ở mức thấp. Trong khi đó, tại nhiều khóa Quốc hội trước, các đại biểu là doanh nhân đã có những đóng góp đáng kể, đặc biệt trong vấn đề xây dựng chính sách và văn bản quy phạm pháp luật về kinh tế.
Một doanh nhân khác tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội là ông Nguyễn Như So, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn DABACO Việt Nam (DBC), được xem là đại diện cho nhóm ngành nông nghiệp. Nếu trúng cử, ông So mong muốn mang tiếng nói đại diện cho doanh nghiệp và cử tri tỉnh Bắc Ninh đến với Quốc hội. Đó là những góp ý, những chia sẻ để các địa phương nói chung, Bắc Ninh nói riêng ngày càng phát triển.
Đáng chú ý, trong danh sách ứng cử đại biểu Quốc hội lần này có gương mặt đại diện thế hệ 8X, đó là ông Nguyễn Hoàng Giang (sinh năm 1980), thành viên HĐQT, Tổng giám đốc CTCP Xuất nhập khẩu thủy sản miền Trung (SPD). Trước khi về “đầu quân” cho SPD, ông Giang đã trải qua nhiều vị trí lãnh đạo tại các CTCK như CTCK Bảo Việt, CTCK Sacombank, CTCP Bamboo Capital, CTCP Chứng khoán Quốc Gia. Trong khi đó, ở nhóm lãnh đạo khối CTCK, chưa có giương mặt nào tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội.
Một doanh nhân trẻ khác tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội là ông Lê Vĩnh Sơn (sinh năm 1974), người đồng sáng lập CTCP Quốc tế Sơn Hà (SHI) và giữ vị trí Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc công ty này từ những năm đầu tiên.
Ông Sơn từng chia sẻ, dù khó khăn nhưng khát vọng vươn lên của các doanh nhân trẻ Việt Nam không hề giảm sút, mà ngược lại, các doanh nghiệp Việt Nam qua thử lửa đã trở nên cứng cáp hơn, sâu sắc hơn.
Đây là những mầm non khoẻ, những hạt giống tốt sẵn sàng vươn ra biển lớn để mang thương hiệu Việt, giá trị Việt ra thế giới. Hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu là điều kiện cần để khuyến khích và tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp Việt Nam có thể cạnh tranh bình đẳng và phát huy được tối đa tiềm năng phát triển.
Việc tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội là cơ hội để các doanh nhân mang sức trẻ, sức sáng tạo của mình góp phần vào sự phát triển kinh tế đất nước.