Nhiều kiến nghị gỡ khó do dịch Covid-19

(BĐT) - Thời gian qua, Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương đã nỗ lực kiểm soát sự lây lan và tác động của dịch cúm Covid-19 đối với sức khỏe cộng đồng và nền kinh tế. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh vẫn đang có diễn biến phức tạp. Kiểm soát được dịch bệnh đã khó, nhưng làm sao giúp doanh nghiệp (DN) trụ vững, phục hồi cũng khó khăn không kém.
Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương cần có các biện pháp cấp bách hỗ trợ DN trong sản xuất, kinh doanh để vượt qua giai đoạn khó khăn này. Ảnh: Lê Tiên
Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương cần có các biện pháp cấp bách hỗ trợ DN trong sản xuất, kinh doanh để vượt qua giai đoạn khó khăn này. Ảnh: Lê Tiên

Doanh nghiệp chồng chất khó khăn

Chia sẻ với Báo Đấu thầu, ông Nguyễn Quang Cung - Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam cho biết, việc tiêu thụ xi măng ở thị trường xuất khẩu và thị trường trong nước đang giảm sút mạnh. Trong đó, xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc bị đình trệ, sản lượng xuất khẩu sụt giảm, chỉ đạt một nửa so với cùng kỳ năm 2019. Giá bán trồi sụt do các DN cạnh tranh ngày càng gay gắt. Trong khi đó, Trung Quốc chiếm tới 30% thị trường xuất khẩu xi măng, clinker của Việt Nam, tiếp đến là Bangladesh, Philippines...

Theo ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), các DN đang cố gắng tìm kiếm nguồn nguyên vật liệu thay thế, nhưng rất khó tìm được chủng loại phù hợp và nếu có tìm được thì giá cả và chi phí vận tải rất cao. Nhiều DN trong các ngành dệt may, giày dép, thời trang, điện tử cho biết, nếu tình hình không sáng sủa hơn thì các doanh nghiệp này khó có khả năng cầm cự đến cuối quý I/2020, bởi dự trữ nguyên vật liệu cho sản xuất chỉ còn đủ cho vài ba tuần tới. Nguy cơ mất khách hàng, mất đơn hàng, không có thêm đơn hàng mới khiến các DN khó giữ được những công đoạn trong chuỗi giá trị toàn cầu mà họ đã dày công xây dựng trong hàng thập kỷ.

Chia sẻ về hoạt động của DN Nhật Bản đang đầu tư tại Việt Nam, ông Takeo Nakajima - Trưởng đại diện Văn phòng JETRO tại Hà Nội cho biết, kiểm soát dịch bệnh không chỉ liên quan đến việc hạn chế sự di chuyển đối với con người, mà còn đối với cả hàng hóa. Do đó, sự hạn chế di chuyển của hàng hóa chắc chắn sẽ có những tác động tới các DN. Một số vấn đề phát sinh khác được các DN Nhật Bản tại Việt Nam quan tâm là việc đảm bảo an toàn cho nhân viên và người lao động.

Trước mối lo về việc thiếu nguồn cung nguyên vật liệu, linh kiện, ông Takeo Nakajima cho biết, số lượng DN phụ thuộc lớn vào nhà cung cấp Trung Quốc hiện không nhiều. Tuy nhiên, tình trạng dịch bệnh Covid-19 nếu vẫn tiếp tục kéo dài sẽ ảnh hưởng tới nguồn mua nguyên phụ liệu của DN. Mặt khác, Nhật Bản cũng là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng trực tiếp từ dịch bệnh Covid-19, nên thương mại giữa hai nước sẽ bị trì trệ trong ngắn hạn. 

Hỗ trợ cấp bách để gỡ khó

Để giúp DN vượt qua giai đoạn khó khăn này, ông Vũ Tiến Lộc kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương cần có các biện pháp cấp bách hỗ trợ DN trong sản xuất, kinh doanh.

VCCI đề nghị thành lập Tổ công tác của Chính phủ trợ giúp DN đối phó với dịch cúm Covid-19. Tổ công tác này có nhiệm vụ tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ các giải pháp và đôn đốc kiểm tra, phối hợp triển khai thực hiện các hoạt động hỗ trợ DN của các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội DN...

Để xử lý kịp thời những vướng mắc gây ách tắc tới hoạt động xuất nhập khẩu với Trung Quốc, các cơ quan chức năng cần có sự phối hợp chặt chẽ, cải tiến thủ tục thông quan hàng hóa qua cửa khẩu, bảo đảm nhanh chóng thuận lợi, bên cạnh biện pháp phòng chống dịch bệnh một cách hợp lý. Ngân hàng Nhà nước cần xem xét giảm lãi suất cơ bản. Các ngân hàng thương mại cần khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi suất cho vay, mở rộng hạn mức cho vay, cơ cấu lại các khoản vay đối với các DN trong các lĩnh vực bị tác động mạnh từ dịch Covid-19 như du lịch, dịch vụ, xuất khẩu nông sản, vận tải, dệt may, giày dép... Giãn, hoãn, đề xuất miễn, giảm có thời hạn các khoản thuế và phí phải nộp của DN ở những ngành, lĩnh vực chịu nhiều ảnh hưởng. Giãn tiến độ nộp, giảm tiền thuê đất và mặt bằng sản xuất kinh doanh cho các DN chịu ảnh hưởng nhiều từ dịch. Giãn, hoãn và giảm các khoản đóng góp Quỹ Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm thất nghiệp, Bảo hiểm y tế từ các DN bị ảnh hưởng...

Để giảm áp lực phụ thuộc vào nguồn cung từ thị trường Trung Quốc, đại diện JETRO cho rằng, trong thời gian tới, các DN Nhật Bản cần cân nhắc việc tận dụng lợi thế của Việt Nam qua các hiệp định thương mại tự do (FTA). Theo đó, có thể nhập khẩu nguyên phụ liệu, linh kiện từ thị trường châu Âu vào Việt Nam với mức thuế rẻ và mở rộng xuất khẩu sang thị trường châu lục này. Ông Takeo Nakajima khuyến nghị Chính phủ Việt Nam cần sớm nội luật hóa các cam kết quốc tế, chỉ định một đầu mối thống nhất để hướng dẫn cho DN áp dụng.

Chuyên đề