Nhiều khuyến nghị cập nhật của doanh nghiệp EU dành cho Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tại Sách Trắng 2024, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (EuroCham) tại Việt Nam đề xuất một số chính sách, hợp tác trong các ngành công nghiệp mới nổi như thiết bị bán dẫn và năng lượng tái tạo, kết nối hạ tầng và tích hợp chuỗi cung ứng. Đây là những nội dung có thể tạo nên nền tảng cho các luồng đầu tư và thương mại bền vững, thúc đẩy tăng trưởng toàn diện hơn cho Việt Nam.
Theo EuroCham, sự hợp tác trong các ngành công nghiệp mới nổi như thiết bị bán dẫn có thể thúc đẩy tăng trưởng toàn diện cho Việt Nam. Ảnh: Lê Tiên
Theo EuroCham, sự hợp tác trong các ngành công nghiệp mới nổi như thiết bị bán dẫn có thể thúc đẩy tăng trưởng toàn diện cho Việt Nam. Ảnh: Lê Tiên

Chủ tịch EuroCham Việt Nam Gabor Fluit nhận định, nền kinh tế Việt Nam có khả năng phục hồi và linh hoạt, đây là một trong những điểm hấp dẫn các nhà đầu tư quốc tế nói chung và doanh nghiệp châu Âu nói riêng. Một số doanh nghiệp châu Âu gia tăng đầu tư vào Việt Nam, như Nestlé Việt Nam công bố kế hoạch mở rộng dự án đầu tư kinh doanh có giá trị 100 triệu USD. Tuy nhiên, Việt Nam phải cân bằng sự lạc quan và thực tế trong bối cảnh năm 2024 sẽ có những khó khăn, môi trường kinh tế có thể không thuận lợi như trước do sự phức tạp của chuỗi cung ứng và những khó khăn khác không lường trước được.

Khi đối mặt với những thách thức và cơ hội hiện tại, các chính sách của Việt Nam cần thích ứng bằng cách thường xuyên điều chỉnh để phù hợp với bối cảnh. Tại Sách Trắng 2024, EuroCham đề xuất giải pháp mở ra cơ hội thương mại và đầu tư, hợp lý hóa khung khổ pháp lý, tạo điều kiện chuyển giao công nghệ và tối đa hóa hội nhập toàn cầu. Đơn cử, sự hợp tác trong các ngành công nghiệp mới nổi như thiết bị bán dẫn và năng lượng tái tạo có thể thúc đẩy tăng trưởng toàn diện. Các dự án kết nối hạ tầng và tích hợp chuỗi cung ứng có thể tạo nên nền tảng cho các luồng đầu tư và thương mại bền vững. Tiến bộ trong quan hệ đối tác công tư và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cũng có thể mở ra thêm cơ hội hợp tác. “Sách Trắng đưa ra các lộ trình phù hợp để đạt được tất cả những mục tiêu trên”, ông Gabor Fluit nhấn mạnh.

Kể từ những năm 2000, Việt Nam đã thu hút được sự đầu tư và sự hiện diện của các công ty đa quốc gia như Samsung, Apple, Intel, Qualcomm và nhiều tập đoàn khác, đầu tư vào lĩnh vực công nghệ bán dẫn, đóng góp đáng kể vào nền công nghiệp bán dẫn trong khu vực và toàn cầu.

Theo EuroCham, sau khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) được ký kết, các công ty châu Âu ngày càng quan tâm đến việc giao thương, triển khai dây chuyền sản xuất tại Việt Nam. Trong đó, ngành công nghiệp bán dẫn được đánh giá có tiềm năng phát triển to lớn với các khoản đầu tư ngày càng tăng vào các sản phẩm tinh vi, cũng như các hoạt động nghiên cứu và phát triển.

Tuy nhiên, để đón đầu dòng vốn đầu tư, cam kết hỗ trợ của các doanh nghiệp châu Âu cho Việt Nam trong lĩnh vực này, Việt Nam cần có bước chuyển lớn với việc tích hợp và áp dụng ngày càng nhiều công nghệ tiên tiến trong quá trình sản xuất. Bên cạnh đó, Việt Nam cần đầu tư đáng kể vào hạ tầng và đào tạo nguồn nhân lực. Cùng với đó cần hài hòa hóa luật bảo vệ dữ liệu, quyền sở hữu trí tuệ và các tiêu chuẩn bền vững của chuỗi cung ứng.

Theo Khảo sát Chỉ số môi trường kinh doanh quý III/2023, 1/3 số doanh nghiệp châu Âu tham gia khảo sát kêu gọi và đề xuất Việt Nam nâng cấp hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông để cải thiện thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Đây được cho là vấn đề bất cập, thậm chí nguy cơ “tụt hậu” nếu không sớm cải thiện.

Dưới góc nhìn của EuroCham, Việt Nam mặc dù dành một lượng vốn đáng kể đầu tư cho hạ tầng trong 20 năm qua nhưng các khoản đầu tư từ ngân sách nhà nước, các khoản vốn tài trợ chưa đủ mạnh để tạo nên sự phát triển bền vững trong trung và dài hạn. Do đó, Việt Nam cần có giải pháp thu hút được nguồn vốn từ tư nhân theo phương thức đầu tư đối tác công - tư (PPP) và chính sách thu hút nguồn vốn này cần rõ ràng hơn trong việc phân bổ rủi ro giữa Chính phủ và các nhà đầu tư tư nhân, bảo đảm tính ổn định, lâu dài về chính sách.

Các doanh nghiệp châu Âu khuyến nghị, việc xây dựng một quy trình tập trung để công bố danh mục các dự án trọng điểm quốc gia và thu hút các nhà đầu tư nước ngoài trong các lĩnh vực hạ tầng như giao thông, vận tải và năng lượng. Các dự án được ưu tiên nếu có tính khả thi về mặt kinh tế để quy hoạch triển khai dưới phương thức đầu tư PPP. Cùng với đó, cần làm rõ quy trình đấu thầu đối với các dự án do nhà đầu tư đề xuất và quy trình chuyển đổi các dự án vốn nhà nước sang phương thức PPP; bố trí các dự án được chọn theo một quy trình đấu thầu cạnh tranh, minh bạch theo Luật PPP; cung cấp các biện pháp ưu đãi cho các lĩnh vực đang gặp khó khăn trong việc thu hút đầu tư theo phương thức PPP…

Chuyên đề