Nhiều KCN được cấp phép, “ông lớn” nào hưởng lợi?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Cơn sốt bất động sản khu công nghiệp (KCN) đã và đang thu hút sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước. Nhiều dự án KCN được phê duyệt đầu tư từ đầu năm đến nay với sự tham gia của không ít tên tuổi lớn.
Các khu công nghiệp với diện tích cho thuê còn lại lớn được kỳ vọng sẽ tăng trưởng tích cực trong năm 2021. Ảnh: Lê Tiên
Các khu công nghiệp với diện tích cho thuê còn lại lớn được kỳ vọng sẽ tăng trưởng tích cực trong năm 2021. Ảnh: Lê Tiên

Ngay từ đầu năm 2021, UBND tỉnh Bắc Giang đã đón nhận nhiều doanh nghiệp nước ngoài đăng ký đầu tư như Foxconn Singapore Pte.,Ltd, Ja Solar Investment Limited (Hong Kong), Risesun Investment Pte.,Ltd (Singapore) với tổng số vốn đăng ký gần 570 triệu USD. Mới đây, Công ty AT&S (Áo) bắt đầu nghiên cứu đầu tư hai nhà máy tại Thái Nguyên với số vốn dự kiến 1,8 tỷ USD.

Thực tế, chủ đầu tư các KCN trong nước đã sớm nhận được các tín hiệu tích cực ngay từ đầu năm 2019 khi nhiều tập đoàn rục rịch chuyển nhà máy ra khỏi Trung Quốc do căng thẳng thương mại Mỹ - Trung. Dịch Covid-19 tiếp tục là chất xúc tác thúc đẩy quá trình này. Với lợi thế về chính trị ổn định, dịch bệnh được kiểm soát hiệu quả, dân số trẻ và quỹ đất lớn, Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn trong mắt nhà đầu tư nước ngoài. Việc chuyển địa điểm sản xuất sang Việt Nam có khả năng tăng tốc thời kỳ hậu Covid-19.

Thống kê của Báo Đấu thầu cho thấy, tính từ đầu năm 2021 đến nay, đã có 19 dự án KCN với tổng diện tích lên đến hơn 4.000 ha được phê duyệt đầu tư. Chủ đầu tư các KCN này có không ít tên tuổi lớn, điển hình như: Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc, Công ty CP Tập đoàn Hoà Phát hay Tổng công ty Viglacera…

Với Tập đoàn Hòa Phát, đầu tháng 3/2021, doanh nghiệp này đã được chấp thuận đầu tư Dự án KCN Phố Nối A mở rộng, quy mô 92,5 ha trên địa bàn huyện Văn Lâm, huyện Yên Mỹ và thị xã Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên. Dù được biết đến nhiều với các sản phẩm thép, nhưng Hòa Phát cũng là doanh nghiệp sớm sở hữu một số KCN ở Hưng Yên và Hà Nam. Hòa Phát cho biết, tính đến hết năm 2020, KCN Phố Nối A đã thu hút được 114 dự án trong nước, 94 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), phần lớn đến từ Nhật Bản và Hàn Quốc, tổng vốn đầu tư đăng ký gần 2 tỷ USD.

Một “ông lớn” trong lĩnh vực này là Viglacera cũng đã bổ sung thêm Dự án KCN Thuận Thành I quy mô 249,75 ha tại xã Ninh Xá, Trạm Lộ và Nghĩa Đạo, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh (thời gian hoạt động của Dự án là 50 năm kể từ ngày 17/2/2021). Tổng vốn đầu tư hơn 2.847,8 tỷ đồng, trong đó vốn góp của Viglacera khoảng 859,7 tỷ đồng.

Theo Báo cáo tài chính năm 2020, Viglacera đang rót tiền đầu tư vào 12 dự án KCN trong nước và 1 khu kinh tế tại Cuba. Kết quả kinh doanh năm 2020 của Viglacera cho thấy, mảng cho thuê KCN có biên lãi gộp cao nhất đạt 42%, theo sau là mảng cung cấp dịch vụ (39%) và kinh doanh hàng hóa (21%).

Lạc quan với triển vọng từ khách thuê, “trùm” KCN phía Bắc là Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc đặt kế hoạch kinh doanh tham vọng với 6.600 tỷ đồng tổng doanh thu và 2.000 tỷ đồng lãi ròng năm 2021. Nếu hoàn thành, đây sẽ là kỷ lục lợi nhuận của Kinh Bắc từ trước đến nay.

Trong hơn 1 tháng đầu năm, các KCN của Kinh Bắc thu hút 1,23 tỷ USD vốn FDI, chiếm hơn 50% cả nước. Trong đó, KCN Quang Châu (Bắc Giang) thu hút 2 dự án điện tử, công nghệ quy mô lớn từ nhà đầu tư Foxconn Singapore Pte.,Ltd và nhà đầu tư Ja Solar Investment với tổng vốn đăng ký khoảng 480 triệu USD; KCN Tràng Duệ (Hải Phòng) nhận thêm vốn đầu tư mở rộng 750 triệu USD từ Tập đoàn LG… Dự án của LG bắt đầu triển khai vào tháng 3 và dự kiến đưa vào sản xuất trong tháng 5/2021. Trong khi đó, nhà máy sản xuất, gia công máy tính bảng và máy tính xách tay của Foxconn tại KCN Quang Châu sẽ hoạt động vào quý III/2022.

“Cuộc chơi” bất động sản KCN cũng thu hút sự tham gia của những doanh nghiệp kín tiếng nhưng giàu tiềm lực như: Công ty CP Xây dựng hạ tầng Đại Phong (KCN Mỹ Thuận: 158,48 ha), Công ty CP Trung Khởi (KCN Triệu Phú: 528,97 ha), Công ty CP TNI Vĩnh Long (KCN Đông Bình: 350 ha)…

Theo đánh giá của Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn (SSI), sức hút các nhà máy nước ngoài dịch chuyển vào Việt Nam đến từ giá cho thuê đất thấp hơn so với một số quốc gia trong khu vực, cụ thể thấp hơn khoảng 25 - 30% so với Indonesia và Thái Lan. Bên cạnh đó, việc mở rộng và nâng cấp kết cấu hạ tầng như cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, cao tốc Bắc - Nam, cảng Cái Mép - Thị Vải, cảng Gemalink… giúp kết nối thuận tiện hơn với các KCN. Các KCN với diện tích cho thuê còn lại lớn của Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc, Tổng công ty Phát triển KCN (Sonadezi), Tổng công ty IDICO... được kỳ vọng sẽ tăng trưởng tích cực trong năm 2021.

Chuyên đề