Nhiều hệ lụy do chậm trễ đấu thầu dịch vụ công ích

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Thời gian qua, nhiều gói thầu dịch vụ công ích được tổ chức lựa chọn nhà thầu muộn hơn vài tháng so với thời điểm phải thực hiện gói thầu (ngày 1/1/2021). Chuyên gia về đấu thầu cho rằng, việc lựa chọn nhà thầu muộn sẽ phát sinh hệ lụy, khó giải thích cho việc làm ngược quy trình đấu thầu cũng như thanh toán phần khối lượng công việc đã thực hiện khi chưa chọn được nhà thầu.
Từ đầu năm 2021 đến nay có hàng chục gói thầu dịch vụ công ích lựa chọn nhà thầu chậm so với thời điểm phải bắt đầu thực hiện gói thầu (từ ngày 1/1/2021). Ảnh: Lê Tiên
Từ đầu năm 2021 đến nay có hàng chục gói thầu dịch vụ công ích lựa chọn nhà thầu chậm so với thời điểm phải bắt đầu thực hiện gói thầu (từ ngày 1/1/2021). Ảnh: Lê Tiên

Nhiều gói thầu chậm tổ chức lựa chọn nhà thầu

Từ đầu năm 2021 đến nay có hàng chục gói thầu quét dọn vệ sinh đường phố, thu gom và vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt; dịch vụ công ích duy trì chăm sóc cây xanh; duy trì hệ thống chiếu sáng công cộng, đèn tín hiệu giao thông… tổ chức lựa chọn nhà thầu chậm so với thời điểm phải bắt đầu thực hiện gói thầu (từ ngày 1/1/2021). Chẳng hạn, hàng loạt gói thầu thuộc Dự án Cung ứng dịch vụ sự nghiệp công trên địa bàn thành phố Bà Rịa (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) giai đoạn 2021 - 2023 đều chọn nhà thầu chậm như: Gói thầu Quản lý vận hành trạm chiếu sáng công cộng; Gói thầu Vệ sinh môi trường; Gói thầu Duy trì cây xanh trên địa bàn thành phố Bà Rịa… Thời gian thực hiện các gói thầu này là 36 tháng (từ ngày 1/1/2021 - 31/12/2023), nhưng cuối tháng 3/2021, Chủ đầu tư là Phòng Quản lý đô thị thành phố Bà Rịa mới chọn được nhà thầu trúng thầu - Công ty CP Dịch vụ đô thị Bà Rịa.

Câu chuyện tương tự cũng xảy ra tại Gói thầu Dịch vụ công ích duy trì chăm sóc cây xanh và quét dọn vệ sinh trên địa bàn huyện Long Thành (tỉnh Đồng Nai) năm 2021; Gói thầu Công tác thu gom rác sinh hoạt trên các tuyến đường bằng xe ép rác, vận chuyển đến nhà máy xử lý rác thải, thu phí dịch vụ các phường trên thị xã Trảng Bàng (tỉnh Tây Ninh) năm 2021; Gói thầu số 02 Duy trì hệ thống chiếu sáng công cộng, đèn tín hiệu giao thông trên địa bàn huyện Thống Nhất (tỉnh Đồng Nai) năm 2021… Điểm chung của các gói thầu này là thời gian thực hiện hợp đồng 365 ngày (từ ngày 1/1/2021 - 31/12/2021) nhưng đến giữa tháng 3/2021 mới chọn được nhà thầu trúng thầu.

Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, một số chuyên gia về đấu thầu cho biết, do các dịch vụ công ích phải đảm bảo tính thường xuyên, liên tục nên chắc chắn trong thời gian chưa chọn được nhà thầu trúng thầu, các chủ đầu tư buộc phải thuê, khoán, nhờ… 1 đơn vị nào đó thực hiện trước một phần công việc của gói thầu. Chi phí để thanh toán cho phần công việc này có thể lấy một phần nguồn tiền của gói thầu hoặc thỏa thuận với nhà thầu trúng thầu để hoàn lại hoặc sử dụng một nguồn tiền công ích riêng để chi trả.

Đấu thầu hình thức?

Thực tế, hàng chục gói thầu dịch vụ công ích lựa chọn nhà thầu chậm nói trên đều được đấu thầu qua mạng, nhưng đa phần chỉ có 1 nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu và trúng thầu. Tại 1 số gói thầu, nhà thầu trúng thầu đều đã thực hiện phần công việc này ở những năm trước và chính là đơn vị được thực hiện trước 1 phần công việc của gói thầu khi chưa chọn được nhà thầu trúng thầu. Chẳng hạn, 3 gói thầu cung ứng dịch vụ sự nghiệp công trên địa bàn thành phố Bà Rịa giai đoạn 2021 - 2023 mà Công ty CP Dịch vụ đô thị Bà Rịa trúng thầu “muộn” đều do chính đơn vị này thực hiện liên tục từ ngày 1/1/2021 đến nay. Nhà thầu này đã thực hiện các gói thầu dịch vụ công ích tương tự của Thành phố những năm trước.

Khi được hỏi về cách thức thanh toán đối với phần công việc trước thời điểm lựa chọn xong nhà thầu, hầu hết chủ đầu tư, bên mời thầu và nhà thầu trúng thầu đều “bưng bít”.

Về câu chuyện này, TS. Nguyễn Việt Hùng - nguyên Vụ trưởng Vụ Quản lý đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) chỉ ra rằng, tình trạng chậm tổ chức lựa chọn nhà thầu thực hiện các gói thầu dịch vụ công ích dẫn đến một phần khối lượng công việc của gói thầu thực hiện trước khi lựa chọn được nhà thầu. Trường hợp đơn vị thực hiện trước và nhà thầu được lựa chọn trúng thầu là 1 thì khó giải thích về tính hình thức, “đo ni đóng giày” trong đấu thầu. Trường hợp nhà thầu trúng thầu không phải là nhà thầu đã thực hiện một phần công việc trước đó thì thủ tục thanh toán không dễ, không có cơ sở để chủ đầu tư ký hợp đồng thuê, khoán với nhà thầu thực hiện trước 1 phần công việc. Hơn nữa, việc cho phép nhà thầu thực hiện trước 1 phần công việc của gói thầu là đã tạo điều kiện, tạo lợi thế cho 1 nhà thầu khi tổ chức lựa chọn nhà thầu (1 trong những điều cấm của pháp luật về đấu thầu). Điều đó cũng lý giải vì sao các gói thầu này dù đấu thầu qua mạng nhưng đa phần chỉ có 1 nhà thầu “quen” tham gia và trúng thầu, tỷ lệ tiết kiệm đạt thấp.

Chuyên đề