Nhiều gói thầu mua sắm hàng hóa đánh đố nhà thầu

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Hoạt động đấu thầu mua sắm hàng hóa, thiết bị giáo dục trong thời gian gần đây phát sinh không ít vấn đề bất cập. Nhiều hồ sơ mời thầu (HSMT) bị nhà thầu phản ánh, kiến nghị về các tiêu chí không phù hợp quy định pháp luật về đấu thầu. Bên cạnh đó, hiện tượng cố tình hiểu sai hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) về nội dung đánh giá hợp đồng tương tự cũng khiến nhiều nhà thầu bức xúc.
Việc gom nhiều mặt hàng khác nhau vào một gói thầu có giá trị rất lớn là gây khó khăn cho các nhà thầu. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Việc gom nhiều mặt hàng khác nhau vào một gói thầu có giá trị rất lớn là gây khó khăn cho các nhà thầu. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Tại quận Gò Vấp (TP.HCM), một gói thầu thiết bị trường mầm non đang được lựa chọn nhà thầu có giá trị 3,850 tỷ đồng, với danh mục 7 mặt hàng. Nhà thầu cung cấp 1 hợp đồng có giá trị 5,029 tỷ đồng có đầy đủ các mặt hàng theo yêu cầu của HSMT. Bên cạnh đó, nhà thầu còn cung cấp thêm 5 hợp đồng, mỗi hợp đồng đều có một số mặt hàng đáp ứng yêu cầu của HSMT. Tuy nhiên, bên mời thầu (BMT) lại cho rằng “5 hợp đồng mà nhà thầu cung cấp, mỗi hợp đồng đều không có đầy đủ 7 mặt hàng mà gói thầu yêu cầu. Do đó, hồ sơ dự thầu (HSDT) của nhà thầu không đáp ứng”.

Tại quận Bình Thạnh, HSMT gói thầu mua sắm thiết bị giáo dục đã đưa ra yêu cầu: “Số lượng hợp đồng bằng 2 hoặc khác 2, ít nhất 1 hợp đồng cung cấp, lắp đặt thiết bị phục vụ công tác giảng dạy và học tập bao gồm các loại thiết bị sau: bàn ghế (học sinh + giáo viên) bàn vi tính, tủ (kệ), bảng phấn từ, máy vi tính, máy in, máy photocopy, máy chiếu, bảng tương tác, đàn organ, thiết bị âm thanh có giá trị 3,450 tỷ đồng; mỗi hợp đồng đều phải bao gồm đầy đủ các thiết bị nói trên”.

Yêu cầu về hợp đồng tương tự nêu trên đã khiến các nhà thầu bức xúc. Nhà thầu cho rằng, trong HSDT đã có 1 hợp đồng tương tự đáp ứng (thậm chí là vượt) yêu cầu của HSMT về cả giá trị, quy mô, tính chất. Số hợp đồng còn lại, nhà thầu có quyền được phép cộng dồn về số lượng mặt hàng để BMT đánh giá tất cả các hợp đồng đều đáp ứng yêu cầu.

Các quy định này đã được nêu rõ trong Thông tư số 05/2015/TT-BKHĐT. Theo đó, trường hợp trong HSMT yêu cầu nhà thầu đã thực hiện từ 2 hợp đồng tương tự trở lên thì nhà thầu phải đáp ứng tối thiểu một hợp đồng với quy mô, tính chất tương tự gói thầu đang xét. Quy mô của các hợp đồng tương tự tiếp theo được xác định bằng cách cộng các hợp đồng có quy mô nhỏ hơn nhưng phải bảo đảm các hợp đồng đó có tính chất tương tự với các hạng mục cơ bản của gói thầu đang xét.

Tuy nhiên, hiện nay, nhiều BMT lại sửa quy định “các” thành “mỗi” hợp đồng, dẫn tới hạn chế sự tham dự và phủ định năng lực, kinh nghiệm của nhà thầu.

Khảo sát của phóng viên Báo Đấu thầu cho thấy, có tình trạng gom rất nhiều thiết bị, hàng hóa phục vụ giảng dạy và học tập vào một gói thầu, dẫn tới giá trị gói thầu rất lớn, lên tới 50 - 60 tỷ đồng. Theo một nhà thầu, việc gom nhiều mặt hàng khác nhau như bàn ghế học sinh, bàn ghế giáo viên, đồ chơi trong nhà, đồ chơi ngoài sân… (chủ yếu là nguyên liệu từ gỗ) cùng với các mặt hàng như máy tính, laptop, máy chiếu, máy in, máy photocopy... (thiết bị điện tử) vào một gói thầu có giá trị rất lớn là gây khó khăn cho các nhà thầu. Muốn dự thầu, bắt buộc phải liên danh nhiều nhà thầu. Tuy nhiên, do quá nhiều mặt hàng nên tìm được đơn vị liên danh cũng không đơn giản. Đặc biệt, nếu gặp phải BMT có cách đánh giá hợp đồng tương tự theo kiểu làm khó thì lại càng khó khăn.

Tại các gói thầu mua sắm thiết bị giáo dục có giá trị lớn, danh mục hàng hóa mua sắm có thể lên tới cả trăm. Do đó, số lượng nhà thầu có khả năng tham gia là rất ít. Nhà thầu bị cản trở bởi hợp đồng tương tự không đạt so với HSMT nếu cách đánh giả của BMT cố tình bị sửa như trên. “Gói thầu có gần 100 mặt hàng. Ngoài 1 hợp đồng đáp ứng 80% giá trị, quy mô, tính chất của gói thầu, BMT còn yêu cầu “mỗi” hợp đồng phải có gần 100 mặt hàng thì đúng là đánh đố nhà thầu”, một nhà thầu bức xúc.

Theo một chuyên gia đấu thầu, việc đánh giá hợp đồng tương tự gói thầu mua sắm hàng hóa đã được quy định rõ trong Thông tư số 05/2015/ TT-BKHĐT. “Do đó, cần có chế tài xử lý các BMT cố tình hiểu sai, đánh giá hợp đồng tương tự kiểu làm khó, làm giảm tính minh bạch, hiệu quả trong đấu thầu.

Chuyên đề