Nhiều gói mua phân bón bị tố hạn chế cạnh tranh

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Hai gói thầu mua phân bón cho cây trồng tại tỉnh Thanh Hóa và tỉnh Sóc Trăng vừa bị phản ánh hồ sơ mời thầu (HSMT) có tiêu chí hạn chế sự tham gia của nhà thầu.
Hồ sơ mời thầu yêu cầu hàm lượng phân bón chuyên dùng cho cây luồng mà chỉ có một nhà cung cấp đáp ứng được là hạn chế sự tham gia của nhà thầu. Ảnh: Phú An
Hồ sơ mời thầu yêu cầu hàm lượng phân bón chuyên dùng cho cây luồng mà chỉ có một nhà cung cấp đáp ứng được là hạn chế sự tham gia của nhà thầu. Ảnh: Phú An

Tiêu chí quá chi tiết

Gói thầu số 1 Mua sắm phân bón phục vụ phát triển rừng luồng thâm canh trên địa bàn huyện Quan Hóa năm 2021 do UBND huyện Quan Hóa (tỉnh Thanh Hóa) mời thầu. Theo phản ánh của một nhà thầu, HSMT đưa ra yêu cầu rất chi tiết về hàm lượng của phân bón mà trên thị trường chỉ có 1 nhà sản xuất có sản phẩm đáp ứng yêu cầu.

Cụ thể, HSMT yêu cầu hàm lượng rất chi tiết đối với sản phẩm phân NPK.si 9.3.6+1SiO2hh: “Phân bón chuyên dùng cho luồng 2 có hàm lượng tối thiểu Nts hữu hiệu - P2O2 hữu hiệu - K2O hữu hiệu: 9.3.6% và SiO2 ≥ 1%; độ ẩm ≤5%. Quy cách đóng bao: hàng được đóng bao PP chắc chắn… khối lượng tịnh 25kg”.

Theo Nhà thầu, HSMT yêu cầu chi tiết về hạm lượng SiO2hh như trên là ngầm chỉ định thầu, bởi trên thị trường chỉ có 1 nhà sản xuất đáp ứng yêu cầu này là Công ty CP Công nông nghiệp Tiến Nông (tỉnh Thanh Hóa).

Một gói thầu mua phân bón khác do Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng mời thầu cũng bị “tố” cài tiêu chí gây khó khăn cho nhà thầu. Đó là Gói thầu số 01 Cung cấp phân hữu cơ, phân NPK thuộc Dự án Mua sắm vật tư thực hiện mô hình sản xuất lúa theo hướng “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm” kết hợp sạ cụm trên địa bàn Huyện, có giá gói thầu là 7,3 tỷ đồng.

Theo phản ánh, HSMT yêu cầu nhà thầu phải có 1 đại lý tại TP.HCM hoặc miền Tây Nam Bộ có khả năng sẵn sàng thực hiện các nghĩa vụ của nhà thầu như: bảo hành, bảo trì, khắc phục sai sót và cung cấp các dịch vụ sau bán hàng khác kể từ khi nhận được yêu cầu của chủ đầu tư trong vòng 48 giờ. Cùng với đó, nhà thầu có phương tiện vận tải (≥ 02 xe 8 tấn; ≥ 02 xe tải nhỏ 3,5 tấn ; ≥ 02 xe tải nhỏ 1,5 tấn hoặc ghe, xuồng, phương tiện vận tải tương đương); có 4 nhân sự phụ trách tập huấn kỹ thuật đã từng tham gia dự án có tính chất tương tự, có giấy chứng nhận tập huấn chương trình “3 giảm 3 tăng”.…

Nhà thầu cho rằng, theo đơn giá thị trường, với hàm lượng và thành phần phân bón như HSMT yêu cầu thì giá của sản phẩm tương tự chỉ tầm 4.000 đồng/kg giao tận nơi, tuy nhiên giá dự toán Gói thầu lên tới gần 7.700 đồng. “Phải chăng công ty thẩm định giá bắt tay với Chủ đầu tư để nâng khống giá trị gói thầu?”, nhà thầu nêu nghi vấn.

Bên mời thầu nói gì?

Trước phản ánh nêu trên, ông Hùng, Trưởng phòng NN&PTNT thuộc UBND huyện Quan Hóa cho biết, bản chất của việc HSMT yêu cầu như phản ánh là có nguyên do. “Một vài năm trước, Lãnh đạo UBND tỉnh Thanh Hóa có giao cho một số đơn vị trên địa bàn nghiên cứu sản xuất một loại phân NPK dùng riêng cho cây luồng do trên thị trường hiện chưa có phân bón chuyên dùng cho loại cây này. Và Công ty CP Công nông nghiệp Tiến Nông được giao để thực hiện nghiên cứu thử nghiệm sản xuất NPK.si 9.3.6+1SiO2hh. Vì vậy, HSMT Gói thầu mới đưa ra yêu cầu hàm lượng sản phẩm như vậy”, ông Hùng lý giải.

Theo thông báo mời thầu, hình thức lựa chọn nhà thầu là chào hàng cạnh tranh, tức là mọi nhà cung cấp đáp ứng yêu cầu đều có cơ hội dự thầu. Theo kết quả lựa chọn nhà thầu vừa công bố, liên danh duy nhất tham dự thầu (Công ty CP Công nông nghiệp Tiến Nông là thành viên trong Liên danh) trúng thầu với giá 3,39 tỷ đồng (giá gói thầu là 3,4 tỷ đồng).

Về trường hợp nêu trên, một chuyên gia đấu thầu cho rằng, HSMT yêu cầu hàm lượng phân bón chuyên dùng cho cây luồng mà chỉ có một nhà cung cấp đáp ứng được là hạn chế sự tham gia của nhà thầu.

Còn gói thầu tại Sóc Trăng, ông Trương Trung Thám, cán bộ của Phòng NN&PTNT huyện Châu Thành khẳng định, HSMT không hạn chế sự tham gia của nhà thầu, bằng chứng là đã có 2 nhà thầu ngoại Tỉnh tham dự thầu.

Theo ông Thám, đây là gói thầu mua vật tư thực hiện mô hình sản xuất lúa theo hướng “3 giảm 3 tăng” và “1 phải 5 giảm” kết hợp sạ cụm trên địa bàn. Do đó, HSMT yêu cầu nhà thầu phải có đại lý tại TP.HCM hoặc miền Tây Nam Bộ; có xe tải... nhằm đáp ứng nhu cầu vận chuyển phân bón phù hợp với đặc điểm tuyến đường địa phương… Bên cạnh đó, đơn giá dự toán xây dựng trên báo cáo thẩm định giá đã được Sở Tài chính thẩm định. “Giá 7.700 đồng/kg NPK là giá đã bao gồm phí vận chuyển đến 40 điểm trên địa bàn huyện Châu Thành”, ông Thám cho biết.

Về gói thầu này, chuyên gia nhìn nhận, cần xem xét cụ thể tính chất và đặc điểm Gói thầu để đánh giá yêu cầu về đại lý có phù hợp hay không. Chẳng hạn, với những gói thầu bắt buộc nhà thầu phải có đại lý mới đáp ứng được tính kịp thời về thời gian thì HSMT yêu cầu “nhà thầu phải có đại lý tại TP.HCM hoặc miền Tây Nam Bộ” là phù hợp. Tuy nhiên, trường hợp không cần yêu cầu đại lý nhưng nhà thầu vẫn đảm bảo thực hiện được mà HSMT lại đưa ra yêu cầu này là gây khó khăn cho nhà thầu.

Đối với tiêu chí nhà thầu có phương tiện vận tải, chuyên gia cho rằng có thể gây hạn chế nhà thầu.

Với phản ánh giá dự toán cao bất thường, theo chuyên gia, nếu dự toán lập sai thì người lập phải chịu trách nhiệm trước pháp luật…

Chuyên đề