Nhiều dự án trọng điểm chưa thể bứt tốc giải ngân

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tới thời điểm đầu tháng 10, nhiều dự án trọng điểm phía Nam chưa thể bứt tốc, chậm tiến độ, tỷ lệ giải ngân thấp. Nhiều vướng mắc chưa được tháo gỡ hiệu quả, càng làm tăng áp lực giải ngân đối với nhiều địa phương trong 3 tháng cuối năm.
TP.HCM có nhiều dự án quan trọng giải ngân dưới 30% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 nguồn ngân sách trung ương. Ảnh: Tiên Giang
TP.HCM có nhiều dự án quan trọng giải ngân dưới 30% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 nguồn ngân sách trung ương. Ảnh: Tiên Giang

Trong danh sách công khai các dự án giải ngân dưới 30% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 nguồn ngân sách trung ương do địa phương quản lý vừa được Bộ Tài chính công bố, TP.HCM có tới 5 dự án quan trọng bị điểm danh. Cụ thể, Dự án Xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên được bố trí 1.500 tỷ đồng, nhưng tới ngày 30/9/2024 mới giải ngân được 345,9 tỷ đồng, đạt 23% so với kế hoạch. Tương tự, Dự án Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên được bố trí 400 tỷ đồng, mới giải ngân được 107,6 tỷ đồng, đạt 27%; Dự án Metro số 2 Bến Thành - Tham Lương được bố trí 350 tỷ đồng, giải ngân được 62,9 tỷ đồng, đạt 18%. Đáng lo hơn, Dự án Xây dựng 2 tuyến cáp ngầm 110KV và cung cấp điện cho vận hành khai thác tuyến đường sắt đô thị số 1, tuyến Bến Thành - Suối Tiên; Dự án Tăng cường mảng xanh dọc Xa lộ Hà Nội và tuyến Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên vẫn chưa được giải ngân.

Tình cảnh tương tự cũng diễn ra ở nhiều dự án khác của TP.HCM. Đơn cử Dự án thành phần (DATP) 1 thuộc Dự án Vành đai 3 - TP.HCM tới đầu tháng 8/2024 mới đạt tỷ lệ giải ngân nguồn ngân sách trung ương khoảng 6,5%. DATP 2 (bồi thường, hỗ trợ tái định cư) thuộc Dự án Vành đai 3 - TP.HCM cũng đang rất vất vả ở khâu giải ngân. Không ít dự án xây dựng khác tại TP.HCM như: Nút giao An Phú. Đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa, Rạch Xuyên Tâm, Vành đai 2 - TP.HCM… trong tình trạng trì trệ.

Tại cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo các công trình dự án trọng điểm và giao ban giải ngân vốn đầu tư công vừa diễn ra, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM nhấn mạnh, Thành phố không điều chỉnh chỉ tiêu giải ngân đầu tư công năm 2024 (phấn đấu đạt 95%). Trong khi đó, năm 2024, tổng kế hoạch vốn của TP.HCM là hơn 79,263 nghìn tỷ đồng, nhưng đến hết tháng 9 mới giải ngân được gần 16 nghìn tỷ đồng. Như vậy, trong thời gian còn lại của năm 2024, địa phương này phải giải ngân hơn 63 nghìn tỷ đồng.

Tại Đồng Nai, trong danh sách Bộ Tài chính công khai dự án giải ngân dưới 30% có tên 2 dự án lớn gồm: Dự án Xây dựng đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (đoạn qua tỉnh Đồng Nai) và Dự án Xây dựng kè sông Đồng Nai, TP. Biên Hòa đoạn từ cầu Hóa An đến giáp ranh huyện Vĩnh Cửu. Hai dự án này được bố trí 588 tỷ đồng từ nguồn ngân sách trung ương, song hiện đạt tỷ lệ giải ngân thấp, lần lượt là 16% và 9% tính tới ngày 30/9/2024. DATP 3 (xây lắp) và DATP 4 (bồi thường, hỗ trợ tài định cư) Vành đai 3 - TP.HCM (đoạn qua tỉnh Đồng Nai) được bố trí hơn 1.000 tỷ đồng, nhưng cũng đang chật vật giải ngân.

Năm 2024, tổng kế hoạch vốn của tỉnh Đồng Nai là khoảng 19,3 nghìn tỷ đồng, nhưng đến cuối tháng 9/2024, địa phương này mới giải ngân đạt 38% kế hoạch. Trong đó, vốn ngân sách trung ương đạt 38,8%. Khoảng 12.600 tỷ đồng vốn đầu tư công cần giải ngân đến hết năm 2024 khiến Đồng Nai chịu áp lực lớn, đặc biệt là vướng mắc ở nhiều dự án trọng điểm chưa được tháo gỡ hiệu quả.

Trao đổi với phóng viên, đại diện một chủ đầu tư tại Đồng Nai cho biết, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp là do tiến độ đền bù, giải phóng mặt bằng một số công trình, dự án trọng điểm còn chậm so với yêu cầu; công tác chuẩn bị đầu tư dự án kéo dài và tình trạng thiếu hụt nguồn cung vật liệu xây dựng. Các vướng mắc này đang được Đồng Nai quyết liệt tháo gỡ.

Cũng chịu áp lực giải ngân đầu tư công, Bình Dương chuẩn bị triển khai chiến dịch “Cao điểm đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công” từ ngày 15/10 - 15/12 để đạt mục tiêu năm 2024 giải ngân 95%. Năm 2024, tổng kế hoạch vốn đầu tư công tỉnh Bình Dương khoảng 22 nghìn tỷ đồng, đến ngày 1/10/2024 mới giải ngân được 6.621 tỷ đồng, đạt 31,5% kế hoạch HĐND Tỉnh giao, đạt 43,3% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Bình Dương đang rà soát, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh hoàn thiện thủ tục, giải phóng mặt bằng và thi công các công trình trọng điểm như: Vành đai 3 - TP.HCM, BOT Quốc lộ 13..., khởi công xây dựng đường Vành đai 4 - TP.HCM, đường cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành…

Chuyên đề