Nhiều dự án giao thông trọng điểm vướng mặt bằng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Thời gian qua, việc chậm trễ trong công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) các dự án ngành giao thông đã làm kéo dài thời gian thi công, chậm đưa công trình vào khai thác, phát sinh nhiều loại chi phí liên quan, ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư và chất lượng công trình.
Hiện có 7 dự án trọng điểm ngành giao thông vận tải bị chậm tiến độ. Ảnh: Song Lê
Hiện có 7 dự án trọng điểm ngành giao thông vận tải bị chậm tiến độ. Ảnh: Song Lê

Tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2020, giai đoạn 2016 - 2020 và triển khai kế hoạch năm 2021, nhiệm vụ chủ yếu giai đoạn 2021 - 2025, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Lê Đình Thọ cho biết, công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tại các dự án xây dựng giao thông do Bộ GTVT quản lý thời gian qua đều có vướng mắc. Hầu hết các dự án đều không bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công đúng tiến độ. Việc chậm GPMB dẫn tới chậm tiến độ dự án, phát sinh chi phí bù trượt giá, chi phí tư vấn giám sát, chi phí quản lý dự án, ảnh hưởng đến chất lượng công trình do mặt bằng thi công bị gián đoạn “xôi đỗ”, không bảo đảm cho dây chuyền máy móc thiết bị thi công. Nhiều dự án giao thông lớn, quan trọng quốc gia chịu ảnh hưởng lớn từ công tác GPMB chậm.

Bộ GTVT cho biết, hiện có 7 dự án trọng điểm ngành GTVT đang triển khai tiếp tục bị chậm tiến độ, trong đó Bộ GTVT quản lý 2 dự án, TP. Hà Nội quản lý 2 dự án, Tổng công ty Phát triển đường cao tốc Việt Nam quản lý 1 dự án và TP. Hồ Chí Minh quản lý 2 dự án. Đây chủ yếu là các dự án đường sắt đô thị và 1 dự án đường bộ là Dự án Xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành. Trong danh mục các dự án dự kiến khởi công, khánh thành năm 2020 có 2 dự án chậm khởi công và 6 dự án chậm hoàn thành, phải chuyển kế hoạch sang năm 2021.

Ông Phan Quang Hiển - Phó Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông thuộc Bộ GTVT cho biết, theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, trong quý II/2020 hoàn thành bàn giao toàn bộ mặt bằng sạch của các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông, nhưng đến nay, tiến độ bàn giao mặt bằng của một số địa phương vẫn còn chậm ít nhất 6 tháng so với yêu cầu đặt ra (cuối tháng 12/2020, giải phóng mặt bằng toàn tuyến cao tốc đạt 93,7%).

Trong 5 năm qua, Bộ GTVT đã ban hành nhiều văn bản phê bình 138 trường hợp liên quan đến các khiếm khuyết về chất lượng, tiến độ trong quá trình thực hiện các dự án giao thông, trong đó có 64 nhà thầu thi công, 25 tư vấn thiết kế, 28 tư vấn giám sát và 21 chủ đầu tư/ban quản lý dự án, nhà đầu tư. Riêng năm 2020, Bộ GTVT đã phê bình 12 trường hợp (7 chủ đầu tư/ban quản lý dự án, 2 tư vấn giám sát, 3 nhà thầu thi công).

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ GTVT phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương để kịp thời rà soát, xử lý các vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ GPMB, nhất là đối với các công trình trọng điểm ngành giao thông, vì những hệ lụy từ chậm GPMB đối với toàn bộ quá trình triển khai dự án là không nhỏ, ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư các nguồn lực của Nhà nước.

Về quản lý chất lượng công trình giao thông, trong 5 năm qua, còn một số hạn chế. Có thể kể tới quá trình thi công xảy ra một số khiếm khuyết, xử lý kỹ thuật như nứt dầm ngang trên đỉnh trụ P28, P29 Dự án cầu Vàm Cống, hiện tượng nứt tại một số trụ, bản mặt cầu cạn Gói thầu J2 thuộc Dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành; khiếm khuyết trong thi công công trình cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, tuyến tránh Chư Sê. Một số công trình khi mới đưa vào khai thác sử dụng đã xuất hiện hư hỏng cục bộ, hiện tượng hằn lún vệt bánh xe; công tác bảo hành công trình giao thông tại một số dự án còn chậm trễ, nhà thầu chưa thực hiện nghiêm túc trách nhiệm bảo hành công trình tại các dự án mở rộng Quốc lộ 1, công tác sửa chữa hằn lún mặt đường còn chậm, chưa triệt để.

Trong 5 năm qua, Bộ GTVT đã ban hành nhiều văn bản phê bình 138 trường hợp liên quan đến các khiếm khuyết về chất lượng, tiến độ trong quá trình thực hiện các dự án giao thông, trong đó có 64 nhà thầu thi công, 25 tư vấn thiết kế, 28 tư vấn giám sát và 21 chủ đầu tư/ban quản lý dự án, nhà đầu tư. Riêng năm 2020, Bộ GTVT đã phê bình 12 trường hợp (7 chủ đầu tư/ban quản lý dự án, 2 tư vấn giám sát, 3 nhà thầu thi công).

Trong năm 2021, Bộ GTVT sẽ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý ngay những vướng mắc liên quan đến tiến độ và chất lượng công trình, xử lý kịp thời những tồn tại về chất lượng, sự cố công trình, nghiêm khắc xử lý trách nhiệm của những tập thể, cá nhân có liên quan, nâng cao năng lực của các chủ đầu tư, tổ chức tư vấn thiết kế, giám sát; rà soát và loại ngay các nhà thầu có năng lực yếu kém.

Chuyên đề