Nhiều dự án giao thông phải điều chỉnh kế hoạch vốn

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Kết quả kiểm toán tổng hợp năm 2022 của Kiểm toán Nhà nước (KTNN) vừa chỉ ra, tại nhiều dự án giao thông, việc lập kế hoạch vốn đầu tư công còn thiếu so với nhu cầu, chưa dự kiến đúng nhu cầu nên phải điều chỉnh, giao kế hoạch vốn vượt nhu cầu, bố trí kế hoạch vốn không đúng dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ.
Dự án Đường nối cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình giai đoạn 2 dự kiến kế hoạch vốn là 500 tỷ đồng nhưng thực tế giao 979 tỷ đồng. Ảnh minh họa: St
Dự án Đường nối cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình giai đoạn 2 dự kiến kế hoạch vốn là 500 tỷ đồng nhưng thực tế giao 979 tỷ đồng. Ảnh minh họa: St

KTNN chỉ ra những dự án giao thông được bố trí kế hoạch vốn đầu tư công không đúng dự kiến trình Thủ tướng. Chẳng hạn, Dự án Nâng cấp Quốc lộ 15 đoạn qua tỉnh Hòa Bình và Thanh Hóa - Tiểu dự án 3 (Km53 - Km109) dự kiến giao kế hoạch vốn để hoàn thành trong năm 2022 là 300 tỷ đồng, nhưng thực tế chỉ giao 180 tỷ đồng. Dự án Cải tạo nền, mặt đường và công trình đoạn Km8 - Km29 và Km40 - Km66 trên Quốc lộ 4A tỉnh Lạng Sơn dự kiến giao kế hoạch vốn 162,5 tỷ đồng, thực tế chỉ giao 82,5 tỷ đồng. Dự án Đầu tư xây dựng công trình nâng cấp Quốc lộ 32C đoạn Hiền Lương – TP. Yên Bái (Km79+00 - Km96+500) có nhu cầu kế hoạch vốn do chủ đầu tư lập là 150 tỷ đồng, dự kiến kế hoạch vốn là 170 tỷ đồng nhưng thực tế giao 100 tỷ đồng. Dự án Đầu tư xây dựng công trình cải tạo nâng cấp Quốc lộ 4E Km0-Km44+600 Lào Cai có nhu cầu do chủ đầu tư lập 109,91 tỷ đồng để thanh toán nợ xây dựng cơ bản, dự kiến kế hoạch vốn là 100 tỷ đồng nhưng thực tế giao 180,057 tỷ đồng, trong đó 80,057 tỷ đồng thanh toán nợ xây dựng cơ bản. Dự án Đầu tư nâng cấp Quốc lộ 37 đoạn từ Km280 - Km340 - Yên Bái có nhu cầu do chủ đầu tư lập 200 tỷ đồng (trong đó thanh toán nợ xây dựng cơ bản 42,31 tỷ đồng), dự kiến kế hoạch vốn là 200 tỷ đồng, thực tế chỉ giao 119,441 tỷ đồng (trong đó 19,441 tỷ đồng để thanh toán nợ xây dựng cơ bản). Dự án Đường nối cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình giai đoạn 2 thiếu đăng ký nhu cầu vốn đầu tư công của chủ đầu tư, dự kiến kế hoạch vốn là 500 tỷ đồng nhưng thực tế giao 979 tỷ đồng…

Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, cán bộ đấu thầu ở một Ban quản lý dự án có tên nêu trên cho biết, việc lập, đề xuất kế hoạch vốn đầu tư công hàng năm cho từng dự án rất khó dự báo chính xác. Trong quá trình thực hiện, rất dễ phát sinh vướng mắc để không giải ngân hết số vốn kế hoạch đã đăng ký (do chậm giải phóng mặt bằng, tranh chấp đền bù, sai lệch khối lượng thực hiện và thiếu các thủ tục thanh toán…) hoặc giá trị khối lượng thực hiện tăng cao so với dự kiến do giá đền bù đất đai, biến động các yếu tố đầu vào xây dựng…

KTNN cũng cho biết, năm 2022, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) giao kế hoạch vốn cho dự án vượt nhu cầu vốn Ban Quản lý dự án 6 đăng ký là 44,02 tỷ đồng. Tại Dự án Nâng cấp Quốc lộ 30 đoạn Cao Lãnh - Hồng Ngự, Đồng Tháp được giao kế hoạch vốn đợt 1 là 300 tỷ đồng, trong khi nhu cầu đăng ký chỉ 100 tỷ đồng (trong năm phải điều chỉnh giảm 204,968 tỷ đồng). Dự án này cũng nằm trong danh sách các dự án bị KTNN liệt kê vào mục “chưa dự kiến đúng nhu cầu kế hoạch vốn nên phải điều chỉnh trong thực tế”. Câu chuyện tương tự diễn ra tại Dự án Xây dựng tuyến đường liên kết vùng, đoạn từ thị xã Tân Châu đến TP. Châu Đốc, kết nối với tỉnh Kiên Giang và Đồng Tháp.

Chia sẻ với phóng viên Báo Đấu thầu, một cán bộ của Bộ GTVT cho biết, thực tế triển khai các dự án giao thông phức tạp với nhiều diễn biến khó lường. Để tăng cường số lượng và chất lượng giải ngân đầu tư công, Bộ đã thực hiện điều hòa vốn đầu tư công ở các dự án khó giải ngân đầu tư công cho các dự án có nhu cầu vốn và thực hiện tốt giải ngân. Việc điều hòa vốn giải ngân đầu tư công giữa các dự án đều được Bộ GTVT phối hợp với địa phương, chủ đầu tư/đại diện chủ đầu tư làm đầy đủ thủ tục và đúng quy định. Đây là sự linh hoạt trong quá trình giải ngân đầu tư công để bảo đảm được tiến độ và đạt tổng thể kết quả giải ngân đầu tư công của toàn ngành.

Tại Dự án thành phần Đầu tư xây dựng đoạn Phan Thiết - Dầu Giây thuộc Dự án Đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020, KTNN chỉ ra Bộ GTVT tổng hợp thiếu nhu cầu kế hoạch vốn năm 2022 là 268,979 tỷ đồng.

Chia sẻ với phóng viên Báo Đấu thầu, lãnh đạo Ban Quản lý dự án Thăng Long (đại diện chủ đầu tư Dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Phan Thiết - Dầu Giây) cho biết, năm 2021 và 2022, do giá đất tăng đột biến nên giá trị thực tế giải ngân cho đoạn tuyến cao tốc này tăng hơn 268 tỷ đồng so với dự kiến kế hoạch vốn đăng ký trước đó. Ban Quản lý dự án Thăng Long cũng đã làm đầy đủ các thủ tục điều chỉnh vốn giải ngân cho Dự án.

Chuyên đề