Nhiều dự án, doanh nghiệp yếu kém ngành Công Thương đã có chuyển động

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Thông tin về tình xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp (DN) ngành Công Thương diễn ra ngày 15/12, lãnh đạo Ủy ban Quản lý nhà nước tại DN cho biết, đến nay một số dự án, DN đã có nhiều chuyển biến trong sản xuất, kinh doanh. 
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Một số dự án, DN năm 2022 có tiến bộ trong hoạt động, kinh doanh có lãi, giảm lỗ lũy kế hay vận hành trở lại sau thời gian dừng sản xuất đã đóng góp cho ngân sách nhà nước, giảm dư nợ trung hạn và dài hạn, bảo đảm duy trì việc làm, đời sống cho hàng nghìn lao động, góp phần ổn định chính trị - xã hội tại địa phương.

Cụ thể, theo Ủy ban, đối với 5 dự án, DN đã được Bộ Chính trị đồng ý chủ trương xử lý trong năm 2021, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã chủ động, khẩn trương xây dựng, hoàn thiện và triển khai phương án xử lý. Điển hình như: Dự án Nhà máy sản xuất phân bón DAP 1 - Hải Phòng của Công ty CP DAP - Vinachem từ năm 2017 đến nay sản xuất ổn định, hàng năm có lãi và đã hết lỗ lũy kế từ tháng 1/2022; Dự án Sản xuất xơ sợi Polyester Đình Vũ - PVN chuyển biến tích cực trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, vận hành sản xuất khai thác tối đa, hiệu quả 27 dây chuyền sợi DTY, doanh thu bù đắp được chi phí biến đổi và có lợi nhuận trước định phí…

Đối với 7 dự án còn lại, trong đó có 3 dự án phân bón (Dự án Cải tạo, mở rộng Nhà máy sản xuất phân đạm Hà Bắc; Dự án Nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình; Dự án Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 - Lào Cai) đã xây dựng, hoàn thiện phương án xử lý. Bước đầu, các DN này đã duy trì được sản xuất, kinh doanh; nỗ lực làm chủ công nghệ, từng bước nâng công suất chạy máy bình quân so với công suất thiết kế.

“Mặc dù, ước thực hiện năm 2022 còn lỗ lũy kế 13.195 tỷ đồng, song từ năm 2021 đến nay, do thị trường thuận lợi (giá phân bón cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây), nên kết quả sản xuất, kinh doanh của 3 dự án, DN có cải thiện hơn, lãi 2.632 tỷ đồng, tăng hiệu quả 2.815 tỷ đồng so với năm 2021”, Ủy ban cho biết.

Cụ thể, Dự án Cải tạo, mở rộng Nhà máy sản xuất phân đạm Hà Bắc ước đạt 1.701 tỷ đồng, tăng 1.701 tỷ đồng so với thực hiện năm 2021. Dự án Nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình ước đạt 929 tỷ đồng, tăng 986 tỷ đồng so với thực hiện năm 2021. Dự án Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 - Lào Cai ước đạt 2 tỷ đồng, tăng 128 tỷ đồng so với thực hiện năm 2021.

Còn 4 dự án, doanh nghiệp còn lại trong danh mục, Ủy ban đã có nhiều buổi làm việc cùng với các cơ quan, đơn vị liên quan; tích cực chỉ đạo các doanh nghiệp khẩn trương có phương án xử lý dứt điểm các tồn tại, vướng mắc theo quy định của pháp luật, báo cáo Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái - Trưởng Ban Chỉ đạo để trình Ban Cán sự đảng Chính phủ báo cáo Bộ Chính trị trong quý I/2023 theo yêu cầu. Các dự án này gồm: Dự án Mở rộng sản xuất giai đoạn 2 của Công ty CP Gang Thép Thái Nguyên, Dự án Nhà máy Thép Việt Trung, Dự án Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy Dung Quất; Dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam.

Chuyên đề