Nhiều dự án của Bộ Giáo dục và Đào tạo chậm giải ngân

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Do nhiều nguyên nhân khác nhau, không ít dự án đầu tư công do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) quản lý đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, dẫn đến chậm giải ngân so với kế hoạch đề ra.
Dự án Đầu tư xây dựng Trường Đại học Luật TP.HCM giai đoạn 1 tại phường Long Phước, Quận 9, TP.HCM đang vướng mắc về GPMB, thu hồi đất. Ảnh chỉ mang tính minh họa:Trường Đại học Luật TP.HCM
Dự án Đầu tư xây dựng Trường Đại học Luật TP.HCM giai đoạn 1 tại phường Long Phước, Quận 9, TP.HCM đang vướng mắc về GPMB, thu hồi đất. Ảnh chỉ mang tính minh họa:Trường Đại học Luật TP.HCM

Bộ GD&ĐT cho biết, hiện Dự án Đầu tư xây dựng Trường Đại học Luật TP.HCM giai đoạn 1 tại phường Long Phước, Quận 9, TP.HCM đang vướng mắc về giải phóng mặt bằng (GPMB), thu hồi đất. Bộ GD&ĐT đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép điều chỉnh thời gian thực hiện Dự án dự kiến đến năm 2023, vượt 3 năm so với quy định tại Luật Đầu tư công hiện hành. Nhiều năm nay, vốn đầu tư công bố trí cho Dự án không giải ngân được phải trả lại ngân sách trung ương. Cũng do vướng mắc về GPMB, Trường Đại học Luật TP.HCM đã đề xuất điều chỉnh quy hoạch cục bộ để có thể tiếp tục thực hiện Dự án, dự kiến công tác điều chỉnh sẽ hoàn thành vào cuối năm 2022 hoặc đầu năm 2023. Qua 6 năm triển khai, hiện các hộ dân mới chỉ đồng ý nhận tạm ứng 50% giá trị và chờ giá đền bù chính thức được UBND TP.HCM phê duyệt, sau đó mới nhận 100% giá trị và giao đất.

Cùng chung câu chuyện vướng mắc GPMB, dẫn đến chậm giải ngân còn có Dự án đền bù GPMB của Đại học Huế (việc GPMB khó khăn do phụ thuộc vào các sở, ban ngành liên quan của tỉnh Thừa Thiên Huế, TP. Huế để triển khai các công việc kiểm kê, áp giá, tái định cư… cho Dự án).

Dự án Đầu tư xây dựng cải tạo, xây dựng Trường Thực nghiệm Khoa học giáo dục - Viện Khoa học giáo dục Việt Nam hiện đang bị chậm tiến độ do không giải phóng được mặt bằng, việc điều chỉnh quy hoạch mất nhiều thời gian, thủ tục qua các bộ ngành liên quan, trong khi tiến độ thực hiện Dự án đến hết năm 2022 là kết thúc. Theo đó, Bộ GD&ĐT đã báo cáo xin điều chỉnh giảm quy mô; dự kiến không giải ngân hết vốn được giao.

Còn Dự án Nâng cao chất lượng giáo dục đại học tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội hiện có 3 gói thầu lớn (1 gói thầu xây dựng và 2 gói thầu cung cấp thiết bị) vẫn chưa hoàn thành. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Bộ GD&ĐT đã đề xuất kéo dài thời gian thực hiện Dự án thêm 6 tháng.

Dự án Nâng cấp Trường Đại học Cần Thơ đang khó khăn trong giải ngân đầu tư công do liên quan đến tái cấu trúc Dự án. Vốn đầu tư được cấp cho Dự án năm 2022 chi trả cho 2 hợp đồng xây lắp còn lại là 88 tỷ đồng; số vốn còn lại đề xuất triển khai thêm hạng mục công trình Trung tâm Đào tạo quốc tế. Hiện Nhà trường đang thực hiện thủ tục tái cấu trúc nhưng dự kiến không kịp triển khai thủ tục để khởi công công trình, không giải ngân hết số vốn được giao trong năm 2022.

Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, một số dự án đầu tư công của Bộ GD&ĐT chậm giải ngân là do vướng mắc về thể chế. Cụ thể, Dự án Đầu tư xây dựng giảng đường học tập bộ môn chung và giảng đường đa năng - Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương; Dự án Đầu tư xây dựng giảng đường đa năng - Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương TP.HCM đang bị vướng mắc về các điều kiện phê duyệt thiết kế dự án xây dựng, phải xin ý kiến của Bộ Tài chính và được trả lời sau thời gian hơn 4 tháng. Theo Luật Xây dựng thì dự án xây dựng đủ điều kiện phê duyệt khi được cơ quan chuyên môn về xây dựng thẩm định (Bộ Xây dựng hoặc Sở Xây dựng theo phân cấp). Tuy nhiên, theo quy định tại Nghị định số 152/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, phải gửi lấy ý kiến của Bộ Tài chính về tiêu chuẩn, định mức diện tích công trình sự nghiệp trước khi phê duyệt thiết kế dự án.

Một số dự án khác của Bộ GD&ĐT đang vướng mắc bởi quy định về bảo vệ môi trường. Theo Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP, dự án phải thực hiện các thủ tục về môi trường. Hiện nay, các thông tư, văn bản hướng dẫn chưa được ban hành, địa phương cũng chưa có văn bản hướng dẫn thực hiện cụ thể quy định biểu mức thu phí cho việc cấp giấy phép bảo vệ môi trường. Do đó, các dự án đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, thiết kế, sau thiết kế cơ sở đều lúng túng trong triển khai, dẫn đến việc chậm cấp giấy phép bảo vệ môi trường, cơ quan chức năng chưa đủ căn cứ để thẩm định hồ sơ thiết kế...

Tổng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2022 mà Bộ GD&ĐT được giao là 1.465,52 tỷ đồng, trong đó có 552,873 tỷ đồng vốn trong nước và 912,647 tỷ đồng vốn nước ngoài. Tính đến hết tháng 7/2022, Bộ GD&ĐT đã giải ngân được 165,201 tỷ đồng (gồm 62,485 tỷ đồng vốn trong nước và 102,716 tỷ đồng vốn nước ngoài), đạt 11,27% kế hoạch.

Chuyên đề