Theo Công ty CP Chứng khoán SSI, trong năm 2020, sản lượng tiêu thụ của ngành thép tiếp tục ở mức thấp, chỉ tăng khoảng từ 5 - 7%. Ảnh: Lê Tiên |
Lợi nhuận suy giảm
Theo số liệu từ Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), sản lượng thép tiêu thụ trong năm 2019 đạt 23,1 triệu tấn, tăng 6,4% so với năm 2018. Đây là mức tăng trưởng thấp hơn nhiều so với con số 21% đạt được trong năm 2018.
Đà tăng trưởng giảm tốc, khó khăn của ngành thép trong năm đã phần nào phản ánh qua bức tranh tài chính không mấy sáng sủa của các doanh nghiệp trong ngành.
Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát là doanh nghiệp duy nhất trong số 11 công ty lớn trong ngành được thống kê có doanh thu tăng trưởng. Cụ thể, trong năm 2019, Hòa Phát ghi nhận 63.658 tỷ đồng doanh thu, tăng 14% so với năm 2018. Dù vậy, lợi nhuận ròng năm 2019 của “ông lớn” đầu ngành này chỉ đạt 7.500 tỷ đồng, giảm 12%.
Các doanh nghiệp lớn như Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen, Tổng công ty Thép Việt Nam, Công ty CP Thép Nam Kim đều có doanh thu đi xuống trong năm 2019.
Ngoại trừ Công ty CP Thép Dana - Ý lỗ hơn 313 tỷ đồng do tạm dừng sản xuất bởi sự cố, các doanh nghiệp đang nằm trong danh sách thua lỗ triền miên là Công ty CP Thép Pomina và Công ty CP Thép Việt - Ý.
Cụ thể, Thép Việt - Ý tiếp tục lỗ ròng gần 219 tỷ đồng sau khi lỗ 329 tỷ đồng trong năm 2018. Trong năm 2018 và 2019, Công ty đều bán hàng dưới giá vốn, dẫn tới lỗ gộp. Trong khi đó, Thép Pomina ghi nhận lỗ cả 4 quý trong năm 2019 với tổng con lỗ là 309 tỷ đồng.
Tương tự Pomina, Công ty CP Tập đoàn Thép Tiến Lên cũng báo lỗ sau thuế cả năm 2019 là 146 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước báo lãi 86 tỷ đồng. Theo giải trình của Công ty, nguyên nhân của sự sa sút này xuất phát từ chi phí trích lập dự phòng hàng tồn kho, chi phí tài chính tăng do gia tăng nợ vay.
Dự báo tăng trưởng chậm lại
Theo phân tích của Công ty CP Chứng khoán SSI, sản lượng tiêu thụ thép khó có thể phục hồi mạnh mẽ. Công ty này ước tính tăng trưởng sản lượng tiêu thụ của ngành tiếp tục ở mức thấp từ 5 - 7% trong năm 2020 do thị trường bất động sản trì trệ cùng với đầu tư công chậm. Tuy nhiên, việc gia tăng giải ngân nguồn vốn FDI có thể là yếu tố hỗ trợ cho nhu cầu thép.
Bên cạnh đó, trong năm 2020, ngành thép gia tăng sức ép cạnh tranh do tổng công suất thép xây dựng ước tính tăng 15%, đến từ Khu liên hợp thép Dung Quất của Hòa Phát và Nhà máy Khu liên hiệp gang thép Nghi Sơn với công suất lần lượt là 2 triệu tấn và 500 nghìn tấn. Tuy nhiên, một phần của việc gia tăng công suất bù đắp cho việc đóng cửa một số dây chuyền sản xuất, như từ Posco SS ở miền Nam với công suất 500 nghìn tấn/năm.
Như hệ lụy từ kết quả kinh doanh, trên thị trường chứng khoán, thị giá cổ phiếu của nhiều doanh nghiệp ngành thép đang được giao dịch dưới mệnh giá. Đơn cử, giá cổ phiếu NKG của Thép Nam Kim được giao dịch quanh mức 8.000 đồng/CP, giá cổ phiếu POM của Thép Pomina giao dịch quanh mức 4.500 đồng/CP…