Nhiều doanh nghiệp “hái quả ngọt” từ dự án điện

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Có 1.235 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tính đến hết năm 2023, nhưng Tổng công ty Điện lực dầu khí Việt Nam (PV Power) quyết định không chia cổ tức mà để dành nguồn lực đầu tư cho năm 2024. PV Power hiện có 7 nhà máy điện, đang xúc tiến đầu tư Nhà máy Điện khí LNG Quảng Ninh đồng thời nghiên cứu phát triển một số nhà máy điện khác. Không chỉ PV Power, nhiều doanh nghiệp lớn cũng hướng nguồn lực đầu tư vào phát triển năng lượng.
Nhà máy điện Nhơn Trạch 1, Nhơn Trạch 2 (năm 2023 đạt sản lượng 2.896 triệu kWh)
Nhà máy điện Nhơn Trạch 1, Nhơn Trạch 2 (năm 2023 đạt sản lượng 2.896 triệu kWh)

Chia sẻ tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) giữa tháng 5 vừa qua, ông Hoàng Văn Quang, Chủ tịch HĐQT PV Power cho biết, thị trường sản xuất, cung ứng điện năm 2023 có nhiều khó khăn, nhưng Tổng công ty đã đạt doanh thu và lợi nhuận vượt kế hoạch được giao. Nhà máy Điện Hủa Na năm 2023 bắt đầu chia cổ tức. PV Power, với vai trò là Công ty mẹ, được nhận cổ tức 284,8 tỷ đồng.

Với việc đầu tư, tổ chức vận hành 7 nhà máy điện, trong đó có những nhà máy công suất lớn như Cà Mau 1&2 (năm 2023 đạt sản lượng 5.277 triệu kWh), Nhơn Trạch 1, Nhơn Trạch 2 (năm 2023 đạt sản lượng 2.896 triệu kWh), Vũng Áng 1 (năm 2023 đạt 14.442 triệu kWh)…, PV Power ghi nhận 21.863 tỷ đồng doanh thu năm 2023 và 1.442 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế.

Năm 2024, PV Power xác định nhiệm vụ chủ yếu là phối hợp chặt chẽ với EVN/EPTC/A0/Vinacomin, Tổng công ty Đông Bắc, PV Gas để quản lý vận hành, sửa chữa các nhà máy điện của Tổng công ty, phấn đấu tổng sản lượng điện sản xuất 16,7 tỷ Kwh. Cùng với đó, tổ chức thực hiện tốt công tác đầu tư Dự án Nhà máy Điện Nhơn Trạch 3&4, triển khai đầu tư Nhà máy Điện LNG tại Quảng Ninh. PV Power dự kiến sẽ đầu tư phát triển thủy điện nhỏ (dưới 30 MW), điện mặt trời lòng hồ, điện rác, điện gió… Với kế hoạch trên, các cổ đông PV Power đồng thuận năm 2024 cũng… không chia cổ tức, tiếp tục dành nguồn lợi nhuận để đầu tư.

Năm 2023, Công ty CP Tập đoàn Hà Đô (HDG) ghi nhận đóng góp đáng kể từ lĩnh vực sản xuất, kinh doanh điện vào hiệu quả chung. Chia sẻ với cổ đông mới đây, Phó Tổng giám đốc HDG Nguyễn Trọng Minh cho biết, từ việc đầu tư và làm chủ được công nghệ, sản lượng phát điện của Công ty đã vượt 120% kế hoạch năm 2023, đóng góp 1.939 tỷ đồng doanh thu (trong tổng số 2.889 tỷ đồng doanh thu) và trở thành lĩnh vực trụ cột trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của Tập đoàn. Dù vẫn phải chờ đợi quy định cụ thể thực thi Quy hoạch điện VIII, nhất là cơ chế giá điện mới, nhưng lãnh đạo HDG cho biết, sẽ tiếp tục dành nguồn lực đầu tư vào lĩnh vực năng lượng. Công ty tiếp tục hoàn thiện pháp lý một số dự án điện gió, điện mặt trời, chuẩn bị năng lực để đấu thầu dự án, đồng thời sẽ tìm mua lại một số dự án thủy điện, điện gió có pháp lý đầu tư và có khả năng tạo hiệu quả dài hạn. Trong phương án chia cổ tức được HĐQT quyết định cuối tháng 5/2024, HDG sẽ trả 15%, nhưng chỉ có 5% trả bằng tiền mặt, 10% được trả bằng cổ phiếu phát hành mới.

Từ cái gốc là doanh nghiệp bất động sản, HDG đã mở rộng đầu tư, phát triển sang mảng năng lượng và ghi nhận hiệu quả thực tế, nhưng đây không phải là doanh nghiệp duy nhất thành công. Bức tranh kinh doanh của Công ty CP Cơ điện lạnh (REE) cũng cho thấy, mảng năng lượng đang ngày càng đóng góp đáng kể. Cụ thể, tổng sản lượng điện thương phẩm của REE Energy đạt 10.358 triệu kWh năm 2023, mang lại doanh thu 4.801 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 1.315 tỷ đồng, đóng góp 56% vào lợi nhuận sau thuế của Công ty mẹ. Năm 2024, REE đặt kế hoạch 10.588 tỷ đồng doanh thu, 2.409 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, trong đó, mảng năng lượng tiếp tục đóng góp khoảng 50%.

REE theo đuổi chiến lược đa dạng hóa danh mục đầu tư năng lượng, trong đó năng lượng tái tạo vẫn là ưu tiên hàng đầu. REE Energy cho biết, năm 2024 sẽ gia tăng danh mục tài sản thêm 100 MW, chủ yếu từ các dự án năng lượng tái tạo. REE cũng đang tìm kiếm cơ hội M&A nhà máy điện và nghiên cứu xu hướng kỹ thuật mới như hydrogen, giải pháp lưu trữ năng lượng nhằm nâng cao năng lực sản xuất điện của các dự án năng lượng tái tạo.

Đại diện REE cho biết, các nhà đầu tư, trong đó có REE đang chờ đợi những chính sách cụ thể được ban hành sau Quy hoạch điện VIII, gỡ bỏ những rào cản và tạo tiền đề cho triển vọng phát triển ngành năng lượng Việt Nam theo xu hướng xanh và bền vững. REE cũng đang chờ đợi cơ chế mới về giá mua bán điện và hành lang pháp lý cho việc đầu tư dự án mới.

Theo Công ty Chứng khoán MB (MBS), môi trường đầu tư ngành điện đang trở nên thoáng đãng hơn và các doanh nghiệp nổi bật trong ngành có thể bắt đầu triển khai/hưởng lợi từ những dự án đã đầu tư như PV Power, REE, HDG… Nhiều chính sách quan trọng hỗ trợ điện khí và điện gió đang được hoàn thiện sẽ tiếp tục tạo ra những cơ hội mới cho doanh nghiệp có tiềm lực đầu tư. Bên cạnh đó, nhóm doanh nghiệp xây lắp, bao gồm xây lắp dự án truyền tải và nhà máy điện sẽ có triển vọng đạt kết quả vượt trội giai đoạn 2024 - 2025 khi riêng EVN có kế hoạch đầu tư xây dựng khoảng 102.000 tỷ đồng cho năm 2024 (tăng 12% so với mức thực hiện trong 2023). MBS cho rằng, Công ty CP Tập Đoàn PC1, Công ty CP Tư vấn Xây dựng Điện 2 sẽ là những doanh nghiệp đại chúng hưởng lợi từ xu hướng tăng cường đầu tư cả lưới và nguồn điện.

Chuyên đề