Tổng nhu cầu cao su năm 2024 có thể lên tới 15,74 triệu tấn, trong khi nguồn cung chỉ có 14,5 triệu tấn. Ảnh: Song Lê |
Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) chưa công bố báo cáo tài chính quý III/2024 nhưng mới đây cho biết, 9 tháng đầu năm 2024 đạt doanh thu hợp nhất 16.207 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 2.850 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm ngoái, lợi nhuận của Tập đoàn tăng 16,2%. Theo tính toán của phóng viên, tính riêng trong quý III/2024, VRG lãi trước thuế hợp nhất khoảng 888 tỷ đồng, tăng 42,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
VRG cho biết, quý III là vụ khai thác chính trong năm. Trong khi đó, giá cao su phục hồi tích cực hơn so với dự báo do nguồn cung yếu suy giảm bất thường tại các nước sản xuất chính tại khu vực Đông Nam Á và nhu cầu mua tăng từ Trung Quốc và Ấn Độ. Do đó, hoạt động sản xuất, kinh doanh cốt lõi của Tập đoàn gặp nhiều thuận lợi.
Cao su Tây Ninh cho biết, giá bán mủ cao su tăng, dẫn đến lợi nhuận trước thuế quý III/2024 hợp nhất của Công ty ở mức kỷ lục từ năm 2014 trở lại đây, đạt 83,7 tỷ đồng, gấp 5,23 lần cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 9 tháng đầu năm, Cao su Tây Ninh đạt 114,3 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 374% so với cùng kỳ năm 2023.
Công ty CP Cao su Thống Nhất báo lãi trước thuế quý III/2024 đạt 15,4 tỷ đồng, gấp 2,96% cùng kỳ 2023. Con số lũy kế 9 tháng 2024 đạt 31,4 tỷ đồng, tăng 1,6%. Công ty CP Cao su Tân Biên đạt 219 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 18,1%...
Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Phó Tổng giám đốc Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV) nhận định, nguyên nhân chính đẩy giá cao su tăng là lo ngại thiếu hụt nguồn cung trên thị trường. Theo ước tính của Hiệp hội Các quốc gia sản xuất cao su tự nhiên (ANRPC), tổng nhu cầu cao su năm 2024 có thể lên tới 15,74 triệu tấn, trong khi nguồn cung chỉ có 14,5 triệu tấn, thiếu hụt 1,24 triệu tấn. ANRPC thậm chí còn cảnh báo tình trạng thiếu hụt cao su tự nhiên có thể kéo dài đến năm 2028 do điều kiện khí hậu không thuận lợi khi hiện tượng thời tiết El Nino chuyển sang La Nina, cùng với bệnh rụng lá lan rộng ảnh hưởng tiêu cực đến cả sản lượng và chất lượng mủ cao su.
Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA) cũng đã thống kê và cho biết thời gian vừa qua, siêu bão Yagi đã tác động nghiêm trọng đến ngành cao su tại Việt Nam, Trung Quốc, Thái Lan và Malaysia, ảnh hưởng đến nguồn cung nguyên liệu trong mùa cao điểm. Tại Trung Quốc, siêu bão Yagi đã khiến cho các vùng sản xuất cao su chính của đảo Hải Nam bị thiệt hại tương đối nặng.
Về nhu cầu, ông Quỳnh cho biết, Trung Quốc - quốc gia nhập khẩu cao su lớn nhất thế giới đã thực hiện một loạt chính sách tiền tệ mở rộng để kích thích kinh tế và cam kết thực hiện thêm các chính sách tài khóa mở rộng trong thời gian tới. Điều này dẫn đến tâm lý kỳ vọng kinh tế Trung Quốc sẽ phục hồi và tăng trưởng tốt hơn, kéo theo nhu cầu về cao su cho các hoạt động sản xuất tăng. Ngoài ra, giá dầu thô tăng mạnh do căng thẳng địa chính trị trong những ngày cuối tháng 9 và đầu tháng 10 cũng góp phần giúp giá cao su tạo đỉnh mới. Giá dầu thô tăng khiến cao su tổng hợp trở nên đắt đỏ hơn. Với vai trò hàng hóa thay thế, nhu cầu đối với cao su tự nhiên tăng lên, từ đó tạo thêm lực đẩy giá.
Theo số liệu của Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, 3 quý đầu năm 2024, xuất khẩu cao su đạt 1,37 triệu tấn, trị giá 2,18 tỷ USD, giảm 2,2% về lượng, nhưng tăng 16,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Tính bình quân 9 tháng, giá cao su xuất khẩu đạt 1.592 USD/tấn, tăng 19% so với cùng kỳ năm trước
Dựa vào các số liệu được Cục Xuất nhập khẩu công bố các quý trước đó, xuất khẩu cao su tính riêng trong quý III/2024 đạt 584,14 nghìn tấn, giảm 7,2% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng tăng 19,8% về trị giá.