Nhiều điểm mới trong Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi)

(BĐT) - Theo Chương trình Kỳ họp thứ 8, hôm nay (15/11), Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày Tờ trình về Dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi). Dự Luật này có nhiều điểm mới nhằm khắc phục các khiếm khuyết của Luật hiện hành, đồng thời tiếp tục hoàn thiện để góp phần nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh.
Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) đã bãi bỏ nhiều thủ tục không cần thiết hoặc gây cản trở cho doanh nghiệp. Ảnh: Lê Tiên
Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) đã bãi bỏ nhiều thủ tục không cần thiết hoặc gây cản trở cho doanh nghiệp. Ảnh: Lê Tiên

Hoàn thiện khung pháp lý về hộ kinh doanh

Ông Phan Đức Hiếu, thành viên Ban soạn thảo Luật, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, Dự Luật trình Quốc hội có những thay đổi lớn. Điểm đáng chú ý là đề xuất hoàn thiện khung pháp lý về hộ kinh doanh với việc bổ sung Chương VIIa về hộ kinh doanh (thay thế Khoản 2 Điều 212 Luật Doanh nghiệp).

Ban soạn thảo Luật cho biết, các hộ kinh doanh đang hoạt động không phải đăng ký lại hoặc không phải đổi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động đã được cấp. Các quy định về hộ kinh doanh trong Dự thảo Luật sẽ giúp tạo môi trường kinh doanh minh bạch và bình đẳng hơn cho hộ kinh doanh và doanh nghiệp (DN); bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích của hộ kinh doanh và bên có liên quan; thúc đẩy hộ kinh doanh phát huy hết tiềm năng và đóng góp tích cực hơn vào nền kinh tế…

Đồng quan điểm, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, về bản chất thì hộ kinh doanh cá thể chính là một loại hình DN nhỏ và siêu nhỏ, nhưng do chưa được định danh rõ ràng về mặt pháp lý, nên với bên ngoài, hộ kinh doanh bị hạn chế về quyền kinh doanh… Do đó, đưa hộ kinh doanh vào phạm vi điều chỉnh của Luật DN với những quy định pháp lý tối giản nhưng minh bạch sẽ bảo đảm sự bình đẳng của họ với các loại hình DN siêu nhỏ, nhỏ, góp phần thúc đẩy sự phát triển có hiệu quả của hộ kinh doanh trong nền kinh tế.

Về vấn đề này, ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam cho rằng, trong lúc chưa có một luật riêng cho khoảng 5 triệu hộ kinh doanh thì đây chính là thừa nhận sự tồn tại của họ bên cạnh các hình thức kinh doanh khác quy định trong Luật DN. Hơn nữa, mục tiêu đưa vào Luật là để tạo sự bình đẳng giữa hai mô hình kinh doanh giống nhau, doanh thu giống nhau thì trách nhiệm nộp thuế... phải giống nhau. Ông Nam nhấn mạnh, đây là hình thức thừa nhận để sau này có thể xây dựng đạo luật riêng nhằm khẳng định địa vị pháp lý của hộ kinh doanh.

Chú trọng bảo vệ cổ đông nhỏ

Nhằm tiếp tục đơn giản hóa thủ tục gia nhập thị trường cho DN, Dự thảo Luật bãi bỏ các thủ tục không còn cần thiết, gồm: thủ tục thông báo mẫu dấu; thủ tục báo cáo thay đổi thông tin người quản lý DN... Bổ sung quy định về đăng ký DN qua mạng thông tin điện tử.

Về vấn đề bãi bỏ thủ tục không cần thiết, Luật sư Lê Xuân Hiền, thành viên Tổ công tác thi hành Luật DN và Luật Đầu tư cho rằng, quy định hiện hành về quản lý sử dụng dấu của DN vẫn có thể cải cách hơn nữa nhằm cắt giảm chi phí hành chính không cần thiết và tương thích thông lệ quốc tế tốt.

Liên quan đến bảo vệ cổ đông DN, theo ông Phan Đức Hiếu, đây là một nội dung quan trọng nhất của khung pháp luật về quản trị công ty. Theo quy định hiện hành, cổ đông phải có thời gian sở hữu tối thiểu từ 10% cổ phần trong 6 tháng liên tục mới có quyền đề cử người vào Hội đồng quản trị. Sửa đổi nội dung về quyền của cổ đông phổ thông, Dự thảo Luật đã giảm yêu cầu điều kiện về tỷ lệ sở hữu cổ phần từ 10% xuống 3% để cổ đông thực hiện quyền quan trọng, như: tiếp cận thông tin về hoạt động công ty, đề cử ứng cử viên Hội đồng quản trị, ban kiểm soát, triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông… 

Tán thành với đề xuất tỷ lệ sở hữu cổ phần là 3%, nhiều ý kiến cho rằng, đây là mức hợp lý, góp phần quan trọng trong việc bảo vệ cổ đông thiểu số. Về vấn đề này, ông Tô Hoài Nam chia sẻ: “Đối vốn trong DN thì phải dựa trên nguyên tắc tỷ lệ vốn, nhưng kinh doanh ngày nay không chỉ liên quan đến tiền mà còn nhiều vấn đề khác nên cần quy định quyền tiếp cận thông tin của cổ đông nhỏ”.

Chuyên đề