Nhiều chuyên gia dự báo giá Bitcoin lao dốc về 10.000 USD

0:00 / 0:00
0:00
Vào khoảng 8h00 sáng ngày 11/7 (giờ Việt Nam), giá Bitcoin đứng ở mức 20.588 USD, giảm hơn 56% so với hồi đầu năm...
Vốn hóa thị trường tiền ảo đã “bốc hơi” khoảng 2.000 tỷ USD kể từ cuối năm ngoái - Ảnh: CNBC
Vốn hóa thị trường tiền ảo đã “bốc hơi” khoảng 2.000 tỷ USD kể từ cuối năm ngoái - Ảnh: CNBC

Theo khảo sát MLIV Pulse mới nhất của Bloomberg, 60% trong tổng số 950 nhà đầu tư được hỏi dự báo tiền ảo Bitcoin nhiều khả năng sẽ lao dốc xuống còn 10.000 USD. Trong khi đó, chỉ 40% cho rằng tiền ảo này có phục hồi trở lại mốc 30.000 USD.

Những tuần gần đây, tiền ảo này giao dịch quanh mức 20.000 USD. Vào khoảng 8h00 sáng ngày 11/7 (giờ Việt Nam), giá Bitcoin đứng ở mức 20.588 USD – giảm hơn 70% so với mức kỷ lục gần 69.000 USD thiết lập vào tháng 11/2021. Tính từ đầu năm 2022, Bitcoin đã mất hơn 56% giá trị. Mối lo lạm phát và suy thoái kinh tế khiến các nhà đầu tư ồ ạt rút vốn khỏi những tài sản rủi ro cao như tiền ảo.

Bây giờ là thời điểm nhà đầu tư rất dễ sợ hãi, không chỉ trong lĩnh vực tiền điện tử mà nói chung trên toàn thế giới. Dự báo về việc Bitcoin sẽ giảm thêm nữa phản ánh nỗi sợ hãi cố hữu của nhà đầu tư trên thị trường.

JARED MADFES, TRIBE CAPITAL

Sự chênh lệch về tỷ lệ dự báo trong cuộc khảo sát cho thấy tâm lý bi quan của các nhà đầu tư phố Wall. Ngành công nghiệp tiền ảo thời gian qua chao đảo bởi loạt công ty cho vay phá sản, một số tiền ảo sụp đổ và sự chấm dứt của thời kỳ chính sách tiền tệ nới lỏng.

Theo dữ liệu của CoinGecko, vốn hóa thị trường tiền ảo đã “bốc hơi” khoảng 2.000 tỷ USD kể từ cuối năm ngoái.

Giới đầu tư nhỏ lẻ giờ đây thậm chí trở nên e ngại về tiền điện tử hơn so với các nhà đầu tư tổ chức. Gần 25% nhà đầu tư tham gia khảo sát nói rằng tiền ảo là “rác”. Trong khi đó, giới đầu tư chuyên nghiệp tỏ ra cởi mở hơi với tài sản kỹ thuật số.

Dù vậy nhìn chung, đây vẫn là một lĩnh vực có sự phân cực. Khoảng 28% người được hỏi bày tỏ tin tưởng mạnh mẽ rằng tiền ảo chính là tương lai của ngành tài chính, trong khi 20% nói rằng chúng vô giá trị.

“Bây giờ là thời điểm nhà đầu tư rất dễ sợ hãi, không chỉ trong lĩnh vực tiền điện tử mà nói chung trên toàn thế giới”, ông Jared Madfes, nhà quản lý tại hãng đầu tư mạo hiểm Tribe Capital, bình luận. “Dự báo về việc Bitcoin sẽ giảm thêm nữa phản ánh nỗi sợ hãi cố hữu của nhà đầu tư trên thị trường”.

Theo giới phân tích, việc thị trường tiền ảo lao dốc gần đây có thể gây thêm áp lực cho các chính phủ để đưa ra các quy định điều chỉnh đối với lĩnh vực này. Đa số những người tham gia khảo sát đánh giá việc giám sát của cơ quan chức năng như vậy là điều tích cực. Việc này được cho là có thể giúp cải thiện niềm tin và từ đó dẫn tới việc các nhà đầu tư cả tổ chức lẫn nhỏ lẻ chấp nhận tiền ảo rộng rãi hơn.

Sự can thiệp của cơ quan quản lý cũng có thể sẽ được hoan nghênh bởi những nhà đầu tư bị thiệt hại nặng nề do đồng stablecoin TerraUSD sụp đổ hay vụ phá sản của những công ty trung gian như Celsius Network và Voyager Digital Ltd.

Nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới cũng đang cân nhắc phát triển tiền ảo riêng để dùng trong thanh toán kỹ thuật số. Tuy nhiên, đa số các nhà đầu tư được hỏi cho rằng Bitcoin và Ethereum sẽ vẫn là hai tiền ảo thống trị thị trường trong 5 năm tới, kể cả khi các tiền ảo của ngân hàng trung ương được phát hành và giành thị phần đáng kể.

“Bitcoin vẫn có sức ảnh hưởng lớn với thị trường tiền ảo, trong khi đó Ethereum đang mất dần vị thế dẫn đầu”, nhà phân tích thị trường cấp cao Ed Moya tại sàn môi giới ngoại hối Oanda Corp., nhận định.

Ở một phân khúc khác của thị trường, NFT (mã thông báo không thể thay thế) đang trở nên phổ biến hơn. Ở lúc đỉnh cao, NFT hình ảnh một con khí thậm chí được bán với giá hàng triệu USD. Tuy nhiên, đa số những người tham gia khảo sát xem NFT chỉ là một dự án nghệ thuật hoặc một biểu tượng của địa vị. Chỉ 9% cho rằng NFT là cơ hội đầu tư.

Ngoài ra, hầu hết những người được hỏi dự báo cơn sốt “điên cuồng” tiếp theo trên thị trường tài chính không liên quan tới tiền điện tử hay NFT mà chính là Web3 – thế hệ tiếp theo của Internet và sự phát triển của chuỗi khối.

Chuyên đề