Nhiều bất cập trong lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư, dự án đầu tư công tại Bộ Y tế

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Qua kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công năm 2023 tại Bộ Y tế, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra nhiều hạn chế, bất cập trong các dự án đầu tư công; công tác thu - chi... KTNN kiến nghị xử lý tài chính 119,848 tỷ đồng, trong đó, tăng thu ngân sách nhà nước (NSNN) 62,194 tỷ đồng; thu hồi, giảm chi ngân sách 57,654 tỷ đồng; kiến nghị khác 71,078 tỷ đồng (giảm chi khác 1,336 tỷ đồng; giảm khác các dự án đầu tư xây dựng 69,712 tỷ đồng).
Ảnh Lê Xuân
Ảnh Lê Xuân

Theo đánh giá của KTNN, trong năm 2023, công tác quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công của Bộ Y tế và các đơn vị trực thuộc cơ bản đã thực hiện theo quy định của Nhà nước, Luật NSNN, Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng và các văn bản hướng dẫn có liên quan. Tuy nhiên, công tác quản lý, điều hành thu, chi ngân sách còn nhiều hạn chế, bất cập trong lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư, dự án đầu tư phát triển.

Về chi đầu tư phát triển, kết quả kiểm toán chỉ rõ, công tác đăng ký nhu cầu, phân bổ vốn các dự án khởi công mới năm 2023 chưa sát thực tế, dẫn đến nhiều dự án đăng ký vốn nhưng không phân bổ được, trong năm phải điều chỉnh kế hoạch vốn 2 đợt; tiến độ giao vốn và giải ngân còn chậm. Riêng vốn hỗ trợ từ Chương trình Phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 43/2022/QH15, đến hết niên độ năm 2023 chỉ giải ngân 23,14/1.465 tỷ đồng (đạt 1,6%) và đến tháng 4/2024 mới giải ngân được 34,186/1.465 tỷ đồng (đạt 2,3%).

Đối với công tác lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư, dự án đầu tư, một số dự án còn phê duyệt quy mô chưa đồng nhất với kết quả thẩm định của cơ quan chức năng về tổng diện tích sàn, diện tích xây dựng; tổ chức tuyển chọn, phê duyệt kết quả tuyển chọn phương án thiết kế kiến trúc trước khi được cấp giấy phép quy hoạch; thực hiện lập, trình phê duyệt quy hoạch chi tiết dự án tỷ lệ 1/500 đối với 2 dự án khi dự án không thuộc đối tượng phải thực hiện.

Xác định danh mục trang thiết bị y tế được đầu tư không có thuyết minh sự cần thiết phải đầu tư, không phân tích nhu cầu đầu tư căn cứ trên sơ đồ bố trí, dây chuyền công năng, định mức trang thiết bị, năng lực hiện có dẫn đến phải điều chỉnh nhiều trong giai đoạn duyệt danh mục trang thiết bị; xác định một số danh mục thiết bị y tế chưa phù hợp mục tiêu dự án; lập, thẩm định, phê duyệt tổng mức đầu tư chưa phù hợp; xác định giá thiết bị y tế chưa có thuyết minh cơ sở xây dựng giá.

Lập, phê duyệt dự án ban đầu không đảm bảo về nguồn vốn, phải điều chỉnh lại cho phù hợp quy mô, tổng mức đầu tư mới dẫn đến chi phí lập Báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án ban đầu không sử dụng được cho dự án hiện tại.

Phê duyệt quy mô dự án không phù hợp Luật Thủ đô số 25/2012/QH13; phương án kiến trúc xây dựng công trình chưa phù hợp với Giấy phép quy hoạch, không phù hợp với ý kiến tham gia của các cơ quan chức năng; phê duyệt dự án trước khi được cơ quan chuyên môn có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy chữa cháy; phê duyệt dự án có đầu tư mua sắm hạng mục ghế điều trị ngoại trú khi chưa có tiêu chuẩn thiết kế liên quan được ban hành; lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế cơ sở vận dụng tiêu chuẩn bệnh viện đa khoa là không phù hợp với tính chất của dự án (Bệnh viện chuyên khoa).

Công tác lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công, danh mục trang thiết bị ban đầu chưa phù hợp, dự toán lập chưa chính xác; phê duyệt một số nội dung thiết kế bản vẽ thi công chưa phù hợp thiết kế cơ sở, không thuộc phạm vi dự án; thiết kế không đầy đủ chi tiết làm căn cứ tính khối lượng. Dự toán thiết bị y tế được phê duyệt chưa tuân thủ quy trình; lập dự toán thiết bị căn cứ vào báo giá thiết bị có thông số kỹ thuật không đồng nhất; dự toán trình, phê duyệt chi phí dự phòng tăng so với thẩm định của cơ quan chuyên môn và không có cơ sở.

Trong công tác thương thảo và ký kết hợp đồng kinh tế, việc ký hợp đồng với đơn vị kiểm toán độc lập không phù hợp, làm tăng giá trị hợp đồng; quy định thời gian bảo đảm thực hiện hợp đồng chưa phù hợp; chưa kiểm tra, làm rõ và điều chỉnh thời gian bảo hành thiết bị cho phù hợp với thời gian bảo hành theo quy định của nhà sản xuất.

Cũng theo KTNN, năm 2023 có 7 dự án thuộc nguồn vốn ngân sách trung ương chậm tiến độ, trong đó có 3 dự án nhóm A phát sinh nhiều vướng mắc dẫn đến chậm tiến độ (đến thời điểm kiểm toán vẫn đang thực hiện các thủ tục theo chỉ đạo của cấp có thẩm quyền, chưa tái khởi động lại); các dự án nhóm B chậm tiến độ phải thực hiện điều chỉnh gia hạn, một số dự án tuy đã được gia hạn song vẫn chậm; một số gói thầu chậm tiến độ so với quy định của hợp đồng ban đầu.

Công tác nghiệm thu; thanh, quyết toán; quản lý chất lượng, chi phí còn chậm, chưa tuân thủ đúng quy định như: dự án thực hiện ủy thác quản lý dự án cho đơn vị tư vấn không phải là Ban quản lý dự án chuyên ngành hoặc Ban quản lý dự án khu vực theo quy định; hay nghiệm thu, thanh quyết toán khối lượng tại một số dự án còn thiếu hồ sơ chứng minh nguồn gốc xuất xứ vật liệu đầu vào, thiếu bản vẽ hoàn công đầy đủ chi tiết thông số kỹ thuật hạng mục công việc…

Qua kiểm toán, KTNN kiến nghị xử lý tài chính 119,848 tỷ đồng. Trong đó, tăng thu NSNN 62,194 tỷ đồng; thu hồi, giảm chi ngân sách 57,654 tỷ đồng; kiến nghị khác 71,078 tỷ đồng (giảm chi khác 1,336 tỷ đồng; giảm khác các dự án đầu tư xây dựng 69,712 tỷ đồng).

Đồng thời, KTNN kiến nghị Bộ Y tế và các đơn vị được kiểm toán chấn chỉnh, khắc phục các tồn tại, hạn chế trong việc lập, phân bổ và giao kế hoạch vốn đầu tư công; thẩm định và phê duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án đầu tư; báo cáo cấp có thẩm quyền có giải pháp đẩy nhanh tiến độ các dự án; kiểm tra, rà soát các hạng mục phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công chưa phù hợp với thiết kế cơ sở; nghiên cứu, xây dựng, ban hành tiêu chuẩn thiết kế đối với ghế điều trị ngoại trú.

Đồng thời, Bộ Y tế cần báo cáo, phối hợp với Bộ Xây dựng nghiên cứu ban hành tiêu chuẩn thiết kế bệnh viện chuyên khoa; phối hợp với các bên liên quan, xác định nguyên nhân và xử lý theo quy định của hợp đồng đối với các gói thầu thi công chậm tiến độ; làm rõ và xử lý theo quy định đối với việc chênh lệch quy mô diện tích xây dựng, diện tích sàn xây dựng giữa quyết định phê duyệt dự án và báo cáo thẩm định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.

Kiểm toán Nhà nước kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân và xem xét xử lý theo quy định đối với sai sót tồn tại:

+ Lập, phê duyệt dự án không đảm bảo về nguồn vốn, phải điều chỉnh dự án theo quy mô, tổng mức đầu tư mới dẫn đến chi phí lập Báo cáo nghiên cứu khả thi cho dự án ban đầu không sử dụng được cho dự án hiện tại (Dự án Viện Pháp y Quốc gia);

+ Lập, phê duyệt dự toán chi phí và thực hiện xây dựng Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 đối với dự án không thuộc đối tượng theo quy định tại Điều 10 Nghị định số 44/2015/NĐ-CP ngày 6/5/2015 của Chính phủ (Dự án Xây dựng nhà Ký túc xá 5 tầng Trường Đại học Y Dược Thái Bình; Dự án Cải tạo, mở rộng Trường Cao đẳng Dược Trung ương Hải Dương (giai đoạn 2), làm tăng chi phí đầu tư dự án);

+ Lập, giao dự toán kinh phí thực hiện chính sách miễn học phí cho người học chuyên ngành Lao, Phong, Tâm thần, Pháp y nhưng chưa được Nhà nước đặt hàng theo quy định tại Điều 15 Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 của Chính phủ;

+ Cấp giấy phép, xác nhận cơ cấu tổ chức, địa điểm hoạt động của Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM được hoạt động khám bệnh, chữa bệnh tại 3 địa điểm chưa tuân thủ theo quy định; Tổ chức hoạt động xét nghiệm khi chưa có giấy phép hoạt động khám, chữa bệnh và chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh theo quy định tại Đại học Y dược TP.HCM.

Chuyên đề