Nhất quán với chủ trương phát triển bền vững

0:00 / 0:00
0:00

(BĐT) - Là một trong những người đóng góp ý kiến cho việc xây dựng mô hình khu chế xuất đầu tiên tại Việt Nam, ông Huỳnh Bửu Sơn, thành viên Nhóm Nghiên cứu Chuyên đề (do Thành ủy TP.HCM thành lập năm 1986) đã chia sẻ với Báo Đấu thầu những mặt được và chưa được của quá trình phát triển mô hình này để có định hướng phát triển tốt hơn cho giai đoạn sắp tới.

Việc phát triển các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu kinh tế cần được hoạch định với sự liên kết vùng chặt chẽ, tạo hiệu ứng thúc đẩy phát triển kinh tế nội vùng và liên vùng một cách tích cực. Ảnh: Lê Tiên
Việc phát triển các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu kinh tế cần được hoạch định với sự liên kết vùng chặt chẽ, tạo hiệu ứng thúc đẩy phát triển kinh tế nội vùng và liên vùng một cách tích cực. Ảnh: Lê Tiên

Khi Nhóm Nghiên cứu Chuyên đề (Nhóm Thứ Sáu) đề xuất xây dựng khu chế xuất (KCX) đầu tiên của Việt Nam đã gặp những khó khăn, trở ngại gì và đã vượt qua như thế nào, thưa ông?

Năm 1987, Luật Đầu tư nước ngoài ra đời đã tạo tiền đề thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Tuy nhiên, các dự án đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp, nhất là công nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu còn chưa phát triển vì gặp nhiều trở ngại về mặt cơ chế chính sách.

Ông Huỳnh Bửu Sơn

Ông Huỳnh Bửu Sơn

Trở ngại này được khắc phục vào năm 1991, với Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần VII của Đảng thông qua “Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2000”, trong đó có chủ trương phát triển các thành phần kinh tế, mở rộng các hình thức liên doanh, hợp tác với nước ngoài làm hàng xuất khẩu... Nhằm thực hiện hướng đi mới này, Chính phủ (lúc đó là Hội đồng Bộ trưởng) chủ trương thành lập KCX, và TP.HCM được chọn để xây dựng mô hình thí điểm này.

Lúc đó, nền kinh tế bắt đầu mở cửa nên có nhiều ý kiến khác nhau về mô hình. Có người cho rằng nên thành lập khu kinh tế (KKT) mở, một khu vực có hệ thống quản trị hành chính riêng theo kiểu thành phố mở. Ý kiến của các anh em trong Nhóm Thứ Sáu thận trọng hơn, dựa trên mô hình KCX của nhiều nước đang phát triển ở Đông Á và của miền Nam trước đây, đề xuất thành lập một khu công nghiệp (KCN) xuất khẩu chỉ dành riêng cho các doanh nghiệp nước ngoài đến sản xuất và chế biến các mặt hàng để xuất khẩu, không tiêu thụ trong nước. KCX không biệt lập như một KKT mở mà chịu sự quản lý của địa phương nơi đặt KCX. Chúng tôi nghĩ đó là mô hình phù hợp vào thời điểm đó.

KCX Tân Thuận ra đời từ đó, đáp ứng nhu cầu là hình thành cơ chế quản lý phù hợp và một kết cấu hạ tầng công nghiệp tương đối hoàn chỉnh để khuyến khích doanh nghiệp nước ngoài vào đầu tư, trong khi chờ đợi việc xây dựng một luật đầu tư nước ngoài hoàn chỉnh.

Thành công của KCX Tân Thuận đã mở đường cho TP.HCM tiếp tục thành lập nhiều KCX khác. Các KCX của TP.HCM được hình thành nhằm thực hiện 5 mục tiêu kinh tế của Chính phủ trong thời kỳ đầu của Đổi Mới và Mở Cửa: thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước; giải quyết việc làm; du nhập công nghệ mới và kinh nghiệm quản lý tiên tiến; tăng năng lực xuất khẩu, tạo nguồn thu ngoại tệ; góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của Thành phố phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa vùng ngoại thành. Quá trình mở rộng và phát triển các KCX đã góp phần đáng kể vào chiến lược chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

Quan sát sự phát triển của các KCX, KCN và KKT của Việt Nam có thể thấy là chúng ta chủ trương đi từ thí điểm đến nhân rộng mô hình ra các địa phương và tiếp tục phát triển hoàn thiện theo chiều sâu, thu hút đầu tư có chất lượng và trọng điểm. Đồng thời cần nhất quán với chủ trương phát triển bền vững, nhất định nói không với các dự án có tác động xấu đến môi trường.

Nhìn lại chặng đường phát triển của các KCX, KCN, KKT tại Việt Nam, theo ông, đâu là những điểm tích cực ấn tượng nhất và ngược lại, còn điều gì đáng quan ngại?

Chặng đường phát triển của KCN, KCX, KKT trong 30 năm qua đã có những dấu ấn đậm nét và mang lại kết quả rất tích cực cho sự phát triển của cả nền kinh tế.

KCX, KCN, KKT đã thu hút được lượng vốn đầu tư lớn, bổ sung nguồn lực quan trọng cho đầu tư phát triển, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. KCX, KCN, KKT là mô hình thuận lợi để thu hút vốn đầu tư và thực tế thời gian qua đã phát huy được các thế mạnh này. KCX, KCN, KKT đã và đang góp phần đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chuyển đổi không gian phát triển, thúc đẩy liên kết ngành và liên kết vùng, tạo nền tảng quan trọng cho tăng trưởng trong dài hạn.

Việc phát triển kết cấu hạ tầng, phát triển khu chức năng trong KCX, KCN, KKT của nhà đầu tư, từ đó kết nối đồng bộ với kết cấu hạ tầng ngoài hàng rào đã tác động đến việc hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nhiều địa phương và cả nước.

KCX, KCN, KKT góp phần đẩy mạnh tăng trưởng sản xuất ngành công nghiệp, nâng cao giá trị xuất khẩu và sức cạnh tranh của nền kinh tế; đóng góp đáng kể vào ngân sách nhà nước. Dự án đầu tư trong KCX, KCN, KKT, trong đó chủ yếu là các dự án sản xuất đã góp phần thúc đẩy giá trị sản xuất công nghiệp.

Tuy nhiên, vẫn có thể nhìn thấy những điểm còn hạn chế trong quá trình này. Đó là có những KCN chỉ có trên giấy do việc chiếm đất để làm KCN nhưng không thực hiện được, một số trường hợp đã phát hiện tình trạng ô nhiễm môi trường, năng suất lao động chưa được cải thiện đáng kể.

Theo ông, nên thực hiện những giải pháp nào để chủ trương phát triển KCN, KCX, KKT xanh và bền vững thành hiện thực?

Thực tế, không phải chỗ nào cũng có thể làm KCX, KCN, KKT. Đó phải là nơi hội tụ điều kiện về hạ tầng, giúp sản xuất hiệu quả với chi phí thấp và điều kiện tiên quyết là không gây tác hại đối với môi trường thiên nhiên và sinh kế của người dân trong vùng lân cận.

Tuy nhiên, quan sát cách phát triển mô hình KCX, KCN, KKT hiện nay cho thấy vẫn còn có xu hướng phát triển theo từng địa phương, cho thấy lợi ích địa phương đôi khi vẫn còn được xem trọng hơn lợi ích chung của cả nước, về mặt kinh tế cũng như về mặt môi trường. Trong khi đó, việc phát triển các KCX, KCN, KKT cần được hoạch định với sự liên kết vùng chặt chẽ, tạo hiệu ứng thúc đẩy phát triển kinh tế nội vùng và liên vùng một cách tích cực.

Nhìn chung, cần xây dựng cơ chế chính sách tốt về mặt nguồn năng lượng, nguồn vốn, nhân sự và công nghệ để các doanh nghiệp Việt Nam và cả doanh nghiệp nước ngoài hoạt động trong KCX, KCN, KKT nhận được hiệu quả đòn bẩy của chi phí thấp, năng suất lao động và quản trị cao để tăng cường năng lực cạnh tranh.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần có tiêu chí cụ thể với các KCX, KCN, KKT. Các KCX, KCN, KKT đã thu hút được lượng vốn đầu tư lớn, bổ sung nguồn lực quan trọng cho đầu tư phát triển, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. KCX, KCN, KKT là mô hình thuận lợi để thu hút vốn đầu tư và thực tế thời gian qua đã phát huy được các thế mạnh này.

Chuyên đề