Nhận diện vốn đầu tư 5 tháng đầu năm

Vốn đầu tư vừa là yếu tố vật chất trực tiếp quyết định tốc độ tăng trưởng GDP, vừa là một yếu tố của cân đối kinh tế vĩ mô. Dưới hai góc độ đó, vốn đầu tư trong những tháng đầu năm được nhận diện ra sao? 
5 tháng đầu năm 2016, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trên cả nước đạt 44.740 doanh nghiệp, với số vốn đăng ký đạt 349,5 nghìn tỷ đồng
5 tháng đầu năm 2016, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trên cả nước đạt 44.740 doanh nghiệp, với số vốn đăng ký đạt 349,5 nghìn tỷ đồng

Dưới góc độ vốn đầu tư là yếu tố vật chất trực tiếp quyết định tốc độ tăng trưởng GDP, thì tỷ lệ vốn đầu tư phát triển/GDP quý I mới đạt 32,2% và khả năng 6 tháng cũng không cao hơn, mà thấp hơn nhiều thời kỳ trước (chỉ còn bằng 3/4) và thấp hơn tỷ lệ 32,6% của năm trước. Do vậy, tốc độ tăng trưởng GDP quý I năm nay thấp hơn cùng kỳ năm trước.

Để thực hiện được ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là không điều chỉnh mà quyết tâm thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,7% theo Nghị quyết của Quốc hội, đòi hỏi tỷ lệ vốn đầu tư/GDP cần được đưa lên với tỷ lệ cao hơn. Muốn vậy, cần đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư từ các nguồn (nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài - FDI, nguồn vốn ngoài nhà nước và nguồn vốn nhà nước). 

Các chỉ số thống kê cho thấy, lượng vốn đầu tư từ một số nguồn đều tăng với tốc độ khá cao so với cùng kỳ. Trong đó, vốn FDI 5 tháng đầu năm 2016 tiếp tục đạt quy mô khá và tăng cao hơn cả về vốn đăng ký và vốn thực hiện. FDI đăng ký cấp mới đạt 7,56 tỷ USD, tăng 155,9%; nếu kể cả lượng vốn bổ sung (2,59 tỷ USD), thì đạt 10,16 tỷ USD, tăng tới 136,4%. Lượng vốn thực hiện đạt 5,8 tỷ USD, tăng 17,2%.

Đây là điểm sáng trong 5 tháng đầu năm, là tín hiệu để năm nay có thể vượt mức đã đạt được trong năm trước (22,76 tỷ USD vốn đăng ký và 14,5 tỷ USD vốn thực hiện). Dự báo này có tính khả thi, bởi nhiều nước muốn đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam để đón cơ hội được hưởng thuế suất thuế xuất khẩu thấp khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, đặc biệt là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Vấn đề đặt ra là cần chọn lọc kỹ thuật - công nghiệp để nâng cao sức cạnh tranh, tăng sự lan tỏa, cũng cần tránh chèn ép sản xuất trong nước và soát xét kỹ về việc bảo vệ môi trường.

Về nguồn vốn đầu tư khu vực ngoài nhà nước, trong 5 tháng, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới đạt 44.740 doanh nghiệp, với số vốn đăng ký đạt 349,5 nghìn tỷ đồng, tăng cao cả về số doanh nghiệp, cả về số vốn; nếu kể cả số vốn tăng thêm thì tổng số vốn lên đến 1.005,4 nghìn tỷ đồng.

Tuy nhiên, nguồn vốn này hiện có 3 vấn đề cần quan tâm. Lượng vốn tồn đọng lớn trong dân dưới dạng vàng, ngoại tệ cần được thu hút vào đầu tư trực tiếp cho sản xuất - kinh doanh, vừa có vốn đầu tư phát triển, vừa hạn chế tình trạng vàng hóa, đô la hóa, vừa hạn chế các cơn sốt giá trên 2 thị trường này.

Tốc độ tăng tiền gửi cao hơn cùng kỳ năm trước và cao hơn tín dụng cho vay chứng tỏ người dân vẫn chưa trực tiếp đầu tư cho sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng, mà đầu tư gián tiếp qua việc gửi tiết kiệm. Tăng trưởng tín dụng trong 5 tháng năm nay mới đạt 3,8%, thấp hơn tốc độ tăng 4,8% của cùng kỳ năm trước, có thể do việc tiếp cận vốn khó khăn vì lãi suất, nợ xấu và e ngại lạm phát cao trở lại.

Nguồn vốn từ ngân sách tăng khá (11,5%) là một cố gắng trong điều kiện cân đối ngân sách khó khăn (bội chi tăng, chiếm tỷ lệ/GDP cao, chi trả nợ lớn...). Tuy nhiên, sau 5 tháng mới đạt 1/3 kế hoạch năm là mức thấp.

Tỷ trọng vốn dành cho kinh tế thực (gồm nông, lâm nghiệp - thủy sản và công nghiệp - xây dựng) chỉ đạt trên dưới một nửa, trong khi nhóm ngành dịch vụ bằng cả 2 nhóm ngành trên cộng lại. Đặc biệt, nhóm ngành nông, lâm nghiệp- thủy sản nhiều năm liền chỉ chiếm trên dưới 6%, chỉ bằng 1/3 tỷ trọng của nhóm ngành này trong GDP. Sự sụt giảm tốc độ tăng trưởng của nhóm ngành này năm nay có một phần là kết quả của sự đầu tư với tỷ trọng nhỏ kéo dài trong nhiều năm.

Dưới góc nhìn đầu tư là yếu tố của cân đối kinh tế vĩ mô, có thể được xét trên một số mặt. Sau nhiều năm, vốn đầu tư lớn hơn tích lũy gây ra nợ lớn. Mấy năm qua, chênh lệch đã thu hẹp lại, thậm chí có năm tích lũy đã lớn hơn đầu tư, được tồn đọng dưới dạng vàng, ngoại tệ. Đây là một trong những yếu tố làm cho tăng trưởng thấp hơn tiềm năng.

Mặt khác, một vấn đề lớn là hiệu quả đầu tư vốn đã thấp, năm 2015 đã có bước cải thiện, nhưng khả năng năm nay còn thấp hơn. Hệ số giữa tỷ lệ vốn đầu tư/GDP so với tốc độ tăng GDP, nếu năm 2015 lần đầu tiên sau nhiều năm mới xuống dưới 5 lần, thì khả năng cả năm nay hệ số trên sẽ lại vượt qua mốc 5 lần (quý I đã là 5,9 lần).

Do vậy, cần chuyển dịch cơ cấu nguồn vốn đầu tư theo nguồn (loại hình kinh tế), bởi hiệu quả đầu tư của nguồn vốn ngoài nhà nước thường cao gấp đôi nguồn vốn nhà nước. Mặt khác cần giảm lãng phí, thất thoát vốn trong quá trình quy  hoạch, đầu tư, thi công, tránh dàn trải, thi công kéo dài... trong đầu tư công; rà soát lại các công trình chưa thật cần thiết…

Chuyên đề