Nhận diện rõ nguy cơ để gỡ khó cho doanh nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Kinh tế Việt Nam đang trên đà về đích vượt kế hoạch năm 2022, nhưng thách thức, nguy cơ với cộng đồng doanh nghiệp đang ngày một lớn. Tại phiên thảo luận của Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội ngày 27/10, nhiều ý kiến cho rằng, các cơ quan chức năng cần nhìn thẳng vào nguy cơ để tìm ra những giải pháp hỗ trợ thiết thực, giúp khu vực doanh nghiệp (DN) trụ vững trên thương trường.
Hai khó khăn lớn nhất đối với doanh nghiệp hiện nay là đứt gãy chuỗi cung ứng và chi phí sản xuất gia tăng. Ảnh: Lê Tiên
Hai khó khăn lớn nhất đối với doanh nghiệp hiện nay là đứt gãy chuỗi cung ứng và chi phí sản xuất gia tăng. Ảnh: Lê Tiên

Lạc quan với kết quả năm 2022

Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Hoàng Văn Cường (TP. Hà Nội) nhận định, trong bối cảnh kinh tế thế giới đang rơi vào vòng xoáy của suy thoái, Việt Nam nổi lên thành ngôi sao sáng về tăng trưởng và là một trong số ít nước được nâng hạng tín nhiệm trong năm qua. Những thành công có được không phải ngẫu nhiên mà là kết quả của sự kiên định ổn định kinh tế vĩ mô, không chạy theo mục tiêu tăng trưởng nóng, sự điều hành linh hoạt, uyển chuyển, phản ứng nhanh nhạy, kịp thời… Từ đó đã tạo nên sức mạnh, niềm tin cho DN, người dân cũng như nhà đầu tư yên tâm đẩy mạnh đầu tư sản xuất, kinh doanh.

Điểm lại bối cảnh tình hình thế giới không thuận lợi, nhiều quốc gia đã vượt đỉnh lạm phát trong vòng 30 đến 40 năm qua, buộc các nước phải “uống liều thuốc đắng” tăng lãi suất điều hành, có thể dẫn đến suy giảm kinh tế thế giới…, ĐBQH Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) cho rằng, những kết quả chúng ta đạt được trong thời gian vừa qua là hết sức trân quý.

ĐBQH Tô Văn Tám (Kon Tum) thì nhận định, Báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện kinh tế - xã hội năm 2022 và phương hướng nhiệm vụ năm 2023 là một báo cáo đầy đủ, dày dặn, thẳng thắn và không né tránh. Đặc biệt, nhiều ý kiến ĐBQH đồng tình với Chính phủ khi đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2023 ở mức khoảng 6,5% trên nền tăng trưởng dự kiến 8% trong năm 2022 là mục tiêu khá cao song vừa đủ để phấn đấu; cơ bản đồng thuận cao với 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp Chính phủ đã nêu.

Tuy nhiên, vòng xoáy khủng hoảng đang ngày càng lan rộng trên thế giới, khiến con đường đạt mục tiêu năm 2023 của Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức khó lường. Tại phiên thảo luận của Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội ngày 27/10, nhiều ý kiến nhấn mạnh đến những giải pháp hỗ trợ khu vực DN đang gặp nhiều khó khăn.

Cần gỡ khó, tạo động lực cho doanh nghiệp

Theo nhiều ĐBQH, Chính phủ và các bộ, ngành cần nhìn thẳng vào nguy cơ, thách thức phía trước để chủ động các giải pháp ứng phó, tạo động lực cho cộng đồng DN. Trong nỗ lực này, cần hết sức lưu ý những vấn đề liên quan đến sức khỏe DN, rà soát và xây dựng lại các giải pháp nhằm giúp DN đủ sức vực dậy trong sản xuất, kinh doanh.

Ông Hoàng Văn Cường chỉ ra, sau hai năm đại dịch, nợ của các DN đang là thách thức lớn. Sang năm 2023, thời hạn hỗ trợ các chính sách tài khóa kết thúc, DN vừa phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính để trả những khoản nợ giãn, hoãn trong 2 năm qua cùng các khoản đến hạn phải trả. Trong bối cảnh đó, nếu khủng hoảng kinh tế lan rộng trên thế giới, các thị trường bị thu hẹp thì sẽ đẩy nhiều DN đến bờ vực phá sản. Theo đó, ngay từ bây giờ phải chuẩn bị phương án đối phó kịch bản xấu nhất hỗ trợ DN nếu khủng hoảng kinh tế xảy ra.

Đại biểu này cho rằng, mục tiêu thu ngân sách năm 2023 không nên đặt quá cao so với năm 2022 để có dư địa thực hiện các chính sách tài khóa. Trong bối cảnh cần thực hiện chính sách tài khóa thận trọng, chấp nhận tăng bội chi để có nguồn lực cho phát triển là việc cần tính đến. Đồng thời với đó, cần dứt điểm đầu tư các công trình hạ tầng còn dở dang, hạn chế nợ công, hạn chế khởi công mới để dành một phần nguồn lực đầu tư công hỗ trợ hình thành một số tập đoàn kinh tế mạnh, phát triển một số ngành kinh tế trụ cột để xây dựng nền kinh tế công nghiệp hóa, độc lập, tự chủ.

ĐBQH Nguyễn Thị Minh Trang (Vĩnh Long) đề nghị, Chính phủ quan tâm nghiên cứu, tiếp tục mở rộng hỗ trợ tài khóa hướng đến khu vực DN mạnh mẽ hơn, tập trung vào hai khó khăn lớn nhất hiện nay là đứt gãy chuỗi cung ứng và chi phí sản xuất gia tăng. Đồng thời, xem xét kỹ lưỡng nhu cầu và khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế.

Còn theo ĐBQH Phạm Hùng Thắng (Hà Nam), cần linh hoạt hơn và công khai kịp thời thông tin về các kịch bản điều hành lãi suất, tỷ giá để cộng đồng DN không bị động trong chuẩn bị các phương án sản xuất, kinh doanh, tạo điều kiện để DN tiếp cận vốn thuận lợi hơn, nhất là vốn ưu đãi tín dụng theo Nghị quyết số 43 của Quốc hội. Dự báo tốt hơn về thị trường tài chính, tiền tệ, thị trường lao động để người dân và DN chủ động thích ứng…

Dẫn ra thực tế gói hỗ trợ lãi suất giải ngân rất chậm, mới đạt 0,03% kế hoạch, trong khi đó gói hỗ trợ miễn giảm, gia hạn thuế được triển khai thuận lợi hơn và đã đạt 72,5% kế hoạch, ông Trần Hoàng Ngân khuyến nghị Quốc hội và Chính phủ xem xét chuyển nguồn hỗ trợ lãi suất chưa giải ngân được sang nguồn hỗ trợ miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, gia hạn thêm thời gian nộp tiền thuê đất cho DN. Trong hoàn cảnh khó khăn hiện nay, thực hiện như vậy sẽ giúp được nhiều DN, nhiều hợp tác xã và hộ kinh doanh. Ông Ngân cũng lưu ý thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng, linh hoạt chứ không phải là chính sách tiền tệ thắt chặt, định hướng dòng vốn ưu tiên cho sản xuất, kinh doanh và các dự án đã được triển khai, chính sách tài khóa mở rộng hợp lý trong ngắn hạn, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tiết kiệm chi thường xuyên.

Chuyên đề