Nhận diện “lối mòn” quản lý ở TP.HCM

(BĐT) - “Lối mòn” quản lý là vấn đề dễ nhận diện nhất hiện nay trong một số lĩnh vực kinh tế - xã hội ở TP.HCM. Điều này được Bí thư Thành uỷ Đinh La Thăng làm rõ chỉ sau 1 tháng nhậm chức.
TP.HCM phải đối mặt 5 thách thức lớn trong quá trình phát triển. Ảnh Internet
TP.HCM phải đối mặt 5 thách thức lớn trong quá trình phát triển. Ảnh Internet

Xu hướng “tụt lại”

Bà Trần Thu Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Quy hoạch - Kiến trúc thuộc Bộ Xây dựng cho biết, TP.HCM phải đối mặt 5 thách thức lớn trong quá trình phát triển. Đó là: sự tập trung dân cư vào các đô thị; quản lý đất đai; giải quyết các vấn đề xã hội, đặc biệt là  người thu nhập thấp; ô nhiễm môi trường; biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

Còn theo nhận định của PSG. TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, những bước tiến đạt được của TP.HCM chưa tương xứng với tiềm năng, chưa đáp ứng yêu cầu của cuộc đua tranh phát triển với các thành phố có vị thế và chức năng tương tự trong khu vực và trên thế giới. Tạo sự phát triển đột phá và quản lý hiệu quả sẽ là một bài toán nan giải cho TP.HCM nếu tư duy quản lý vẫn theo “lối mòn” và sức ì còn mãi đeo bám ở từng cán bộ.

Một loạt chuyến kiểm tra, làm việc với một số ban, ngành, địa phương trong tháng đầu tiên nhậm chức của Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng đã phản ánh rõ những bất cập này. Từ chuyện Chủ tịch UBND huyện Củ Chi lúng túng tìm đầu ra cho bà con nông dân chăn nuôi bò sữa cho đến chuyện hàng loạt chung cư cũ ở quận 1 có nguy cơ sập nhưng cơ quan quản lý chưa có hướng giải quyết hiệu quả.

Hoặc những vấn nạn giao thông vận tải nổi cộm như dự án chậm tiến độ, xe dù, bến cóc, phân luồng giao thông, ông Đinh La Thăng đã đặt ra một loạt vấn đề với Thành phố và Bộ Giao thông vận tải, như 4 năm tới sẽ khởi công và hoàn thành bao nhiêu công trình tại TP.HCM, vốn ngân sách bao nhiêu, vốn ODA, vốn xã hội hóa bao nhiêu? Việc này sẽ không dễ nếu các sở, ngành của TP.HCM chưa đề xuất được các cơ chế đột phá để đẩy nhanh các dự án. 

Cần đột phá trong tư duy

Nạn quá tải ở nhiều bệnh viện lớn của TP.HCM ngày càng nhức nhối trong khi tiến độ xây dựng một số bệnh viện mới khá chậm cũng được Bí thư Thăng đề cập nhiều lần. Khi kiểm tra tiến độ xây dựng Khoa Chấn thương chỉnh hình ở Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn đến giờ vẫn còn vướng phía nhà thầu và hẹn đến năm 2019  mới hoàn thành, Bí thư Đinh La Thăng chỉ đạo nên đuổi nhà thầu này đi và thay bằng nhà thầu khác chứ không để chậm tiến độ kéo dài.

Chỉ đạo này tạo được sự đồng tình từ dư luận. Tuy vậy, vẫn có ý kiến băn khoăn việc đuổi, trảm nhà thầu thiếu năng lực chưa thể giải quyết cái gốc vấn đề. Cái gốc của việc chọn nhà thầu là "chân gỗ", "quà tình cảm", là "sân sau"... Vì vậy, ngoài việc “trảm” chủ thầu kém năng lực thì đối tượng cần "đuổi" tiếp theo sẽ là ai?

Một tháng nhậm chức của Bí thư Đinh La Thăng là khoảng thời gian ngắn nhưng đã làm rõ những mặt còn tồn tại của TP.HCM. Trong đó, việc nhận diện “lối mòn” trong tư duy quản lý để có bước chuyển đổi trước hội nhập sâu rộng là điều đáng làm trong lúc này.

Ông Trần Đình Thiên đặt vấn đề: Làm sao có thể cải thiện được tốc độ vận động để Thành phố thực sự cất cánh bay lên? Với tốc độ vận động như hiện nay, làm sao TP.HCM có thể tiến nhanh trong cuộc đua tranh phát triển với các thành phố khác trong khu vực? Vì vậy, ông Thiên cho rằng, TP.HCM cần “đột phá” tư duy để tiến vượt lên.   

Chuyên đề

Kết nối đầu tư