Nhà thầu xây dựng đề xuất loạt giải pháp gỡ khó

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trước yêu cầu giãn cách xã hội để kiểm soát dịch Covid-19, nhiều công trình, dự án phải tạm dừng thi công khiến doanh nghiệp (DN) xây dựng và lao động trong ngành lao đao. Dịch bệnh dự báo chưa thể kết thúc sớm, nhà thầu xây dựng cần sự hỗ trợ từ Chính phủ và Bộ Xây dựng để tránh đứt gãy sản xuất, ảnh hưởng tới tiến độ, sự an toàn của công trình và khu vực xung quanh.
Nhiều công trình, dự án phải tạm dừng thi công để thực hiện yêu cầu giãn cách phòng chống dịch. Ảnh: Tiên Giang
Nhiều công trình, dự án phải tạm dừng thi công để thực hiện yêu cầu giãn cách phòng chống dịch. Ảnh: Tiên Giang

Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) vừa có văn bản kiến nghị với Chính phủ về các giải pháp hỗ trợ cho nhà thầu xây dựng chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Trong đó, VACC đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Xây dựng hướng dẫn việc áp dụng quy định về điều kiện bất khả kháng đối với các hợp đồng giao nhận thầu thực hiện trong thời gian giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Bổ sung các chi phí phòng dịch bắt buộc, chi phí tạm dừng thi công, kiểm tra nhanh dịch bệnh cho cán bộ, công nhân… vào chi phí đầu tư xây dựng công trình.

Ngoài ra, VACC đề nghị giãn thời gian nộp thuế giá trị gia tăng từ quý II/2021 sang đầu năm 2022; giảm 50% thuế thu nhập DN từ tháng 4/2021 đến tháng 12/2021 cho DN xây dựng; các khoản vay ngân hàng phục vụ cho công trường, dự án phải dừng thi công do giãn cách chống dịch được tính lãi suất 0%...

Hiện nhiều địa phương đang áp dụng Chỉ thị 16 để kiểm soát dịch bệnh nên các công trình xây dựng phải tạm dừng thi công. VACC cho rằng, sự đứt gãy trong hoạt động xây dựng đối với các công trình là vấn đề cấp bách cần được xem xét, giải quyết kịp thời.

Theo đại diện một nhà thầu xây dựng, công trình xây dựng đột ngột bị dừng tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn đối với công trình và khu vực xung quanh. Đơn cử, với những công trình đang thi công dở dang hạng mục hầm ngầm, việc dừng đột ngột có thể dẫn tới sự cố về nền đất cho công trình cũng như khu vực xung quanh dự án. Ở những công trình, dự án đang thực hiện phần thân, nếu không có thời gian gia cố bảo đảm an toàn, các hạng mục trần, vách có thể bị hỏng nếu gặp thời tiết bất lợi, gây thiệt hại, tốn kém chi phí khắc phục cho nhà thầu.

Trước nguy cơ này, VACC vừa có văn bản gửi Bộ Xây dựng đề xuất một số giải pháp nhằm duy trì hoạt động xây dựng. Theo đó, cần có hướng dẫn cụ thể về điều kiện để các công trình được tiếp tục thi công trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16, công trình nào phải tạm dừng.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch VACC cho biết, nên duy trì hoạt động xây dựng ở các mức độ khác nhau phù hợp với việc phân chia khu vực phòng chống dịch, bao gồm: Khu vực bị phong tỏa hoặc khu cách ly - vùng đỏ (tạm dừng thi công), khu vực có nguy cơ - vùng da cam (được thi công xây dựng đối với công trình có điều kiện triển khai thực hiện phòng chống dịch) và khu vực không có dịch - vùng xanh (được thi công).

Các công trình được phép tiếp tục thi công phải tuân thủ các nguyên tắc trong phòng chống dịch bệnh như 5K, thường xuyên xét nghiệm phòng dịch; khuyến khích thực hiện giải pháp “3 tại chỗ” đối với công trình có điều kiện thực hiện trên cơ sở thống nhất giữa chủ đầu tư và nhà thầu xây dựng…

VACC đề nghị Bộ Xây dựng có chỉ đạo, hướng dẫn Sở Xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện thống nhất quy định cho phép tiếp tục các hoạt động xây dựng trên địa bàn có tính đến điều kiện cụ thể, các quy định về phòng chống dịch của địa phương.

Ngoài ra, cân nhắc việc tạm dừng cấp giấy phép xây dựng cho các công trình ở khu vực đang bị phong tỏa, khu cách ly, đồng thời tăng cường kiểm tra điều kiện khởi công xây dựng công trình, kể cả các điều kiện về phòng chống dịch. Hỗ trợ DN xây dựng tiêm vaccine phòng dịch cho cán bộ, nhân viên và người lao động.

Liên quan đến kiến nghị áp dụng quy định về điều kiện bất khả kháng, luật sư Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) cho biết, pháp luật đã quy định về trường hợp bất khả kháng, hoàn cảnh khó khăn trong thực hiện hợp đồng. Tuy nhiên, dịch Covid-19 đã xảy ra rồi nên không thể coi là bất khả kháng nữa và không phải mọi địa phương, mọi nhà thầu đều rơi vào trường hợp bất khả kháng vì Covid-19.

Song ông Huỳnh nhấn mạnh, những tác động của Covid-19 vẫn còn kéo dài và các bên muốn cụ thể hơn nữa trong từng giao dịch hợp đồng thì phải quy định rõ, Covid-19 sẽ là bất khả kháng trong trường hợp chính quyền địa phương ra những chỉ thị, yêu cầu khiến cho 1 bên không thực hiện được hợp đồng. Các bên cần căn cứ vào tình hình thực tế để bàn bạc, miễn/tránh trách nhiệm thực hiện hợp đồng đối với từng trường hợp, từng bối cảnh dịch bệnh cụ thể tại địa phương.

Về đề xuất giãn, giảm thuế, chuyên gia tài chính Ngô Trí Long cho rằng, các đề xuất của VACC dựa trên những khó khăn thực tế, thực trạng của DN xây dựng. Tuy nhiên, những đề xuất này cần phải xem xét chung trong chính sách, nguồn lực của Nhà nước trên cơ sở từng lĩnh vực, từng ngành, trong bối cảnh chung. Nếu kiến nghị nào cũng được giải quyết thì sẽ khó khăn cho nguồn ngân sách nhà nước. Do đó, VACC cần làm việc cụ thể với Bộ Tài chính từng nội dung giãn, giảm thuế… để tìm được những hỗ trợ sát thực và hiệu quả nhất đối với DN. Việc hỗ trợ từ các chính sách tài chính, thuế cũng cần thực chất, đúng đối tượng.

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Chuyên đề