Nhà thầu VNECO tìm cách giảm áp lực lãi vay

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Vượt qua 3 đối thủ, Tổng công ty CP Xây dựng điện Việt Nam (VNECO) vừa được Ban Quản lý dự án lưới điện miền Trung lựa chọn thực hiện Gói thầu CPC-ĐH.LT-W01 Thi công xây dựng công trình đường dây 110kV - trạm biến áp 110kV Đồng Hới - Lệ Thủy với giá trúng thầu 88,385 tỷ đồng.
VNECO vừa trúng Gói thầu CPC-ĐH.LT-W01 Thi công xây dựng công trình đường dây 110kV - trạm biến áp 110kV Đồng Hới - Lệ Thủy. Ảnh minh họa: Nhã Chi
VNECO vừa trúng Gói thầu CPC-ĐH.LT-W01 Thi công xây dựng công trình đường dây 110kV - trạm biến áp 110kV Đồng Hới - Lệ Thủy. Ảnh minh họa: Nhã Chi

Bên cạnh đó, VNECO cũng đang tích cực tham gia đấu thầu nhiều gói thầu lớn khác trong ngành điện. Đây sẽ là nguồn công việc đáng kể cho VNECO trong bối cảnh doanh thu quý đầu năm 2023 sụt giảm mạnh, áp lực nợ vay lớn.

Sau khi trúng gói thầu trên, Tổng công ty Điện lực miền Trung (Chủ đầu tư) và VNECO đã ký kết hợp đồng và ngày 30/6/2023 đã phát lệnh khởi công công trình. Về năng lực Nhà thầu trúng thầu, đại diện Bên mời thầu đánh giá, VNECO đã thực hiện nhiều gói thầu, trong đó có một số gói thầu do Tổng công ty Điện lực miền Trung mời thầu với thời gian thi công và chất lượng công trình được đảm bảo. Do vậy, Bên mời thầu tin tưởng giao cho VNECO thực hiện Gói thầu CPC-ĐH.LT-W01.

Ngoài gói thầu trên, VNECO đang tham gia đấu thầu một loạt công trình điện khác với tổng giá trị khoảng 266,97 tỷ đồng. Đơn cử, tại Gói thầu số 10 Xây lắp trạm và đường dây đấu nối thuộc Dự án Trạm biến áp 220kV Lai Uyên và đấu nối (giá gói thầu 98,68 tỷ đồng), VNECO đang cạnh tranh với 3 nhà thầu là: Công ty CP Xây lắp và Dịch vụ Sông Đà; Công ty TNHH MTV Xây lắp điện 2; Liên danh Công ty TNHH MTV Xây lắp điện I Miền Nam - Công ty CP Tập đoàn PC1.

Tại hai gói thầu thuộc Dự án Công trình cải tạo nâng tiết diện đường dây 110kV Đa Nhim - trạm 220kV Tháp Chàm là Gói thầu 6.2 Cung cấp và lắp đặt đường dây (từ VT76 đến ĐC) (93,29 tỷ đồng) và Gói thầu 6.1 Cung cấp và lắp đặt đường dây (từ ĐĐ đến VT76) (75 tỷ đồng), VNECO cũng đang phải cạnh tranh với 3 nhà thầu khác.

Nỗ lực tham dự các gói thầu lớn được kỳ vọng đem lại nguồn việc làm dồi dào cho Công ty trong thời gian tới, góp phần cải thiện nguồn thu.

Về sức khỏe nhà thầu, một trong những rủi ro của VNECO là áp lực nợ vay, thể hiện rõ nhất trong kết quả kinh doanh năm 2022. Dù doanh thu tăng trưởng 6,7%, đạt 2.132 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế tăng 52% lên 18,7 tỷ đồng nhưng chi phí lãi vay của VNECO lại gấp 2,7 lần năm 2021, ở mức 101,8 tỷ đồng. Kết quả kinh doanh quý I/2023 của VNECO cho thấy, chi phí lãi vay vẫn ở mức cao với 28 tỷ đồng, gấp gần 2 lần cùng kỳ năm ngoái, trong khi doanh thu sụt giảm tới 39% còn 251 tỷ đồng. Nhờ tiết giảm phần lớn chi phí quản lý doanh nghiệp (giảm từ 32,5 tỷ đồng quý I/2022 xuống còn 11,4 tỷ đồng) nên VNECO vẫn ghi nhận 3,45 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế.

Tính đến cuối quý I/2023, tổng tài sản của VNECO đạt 3.756 tỷ đồng, trong đó nợ phải trả chiếm 72,4% tổng tài sản, tương đương 2.719 tỷ đồng, gấp 2,62 lần vốn chủ sở hữu. Trong cơ cấu nợ phải trả, vay nợ tài chính ngắn hạn và dài hạn ở mức cao 1.695,5 tỷ đồng, chiếm 40,4%, tăng 1,2% so với thời điểm đầu năm.

Liên quan đến áp lực nợ vay, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên ngày 29/6 vừa qua, lãnh đạo VNECO cho biết, năm 2022, tình hình room tín dụng khó khăn, chi phí lãi vay tăng cao trong khi quá trình thu hồi vốn chậm do yếu tố chung của thị trường. Công ty cũng phải đối mặt rủi ro có thể phát sinh nợ đọng do thủ tục thanh toán với chủ đầu tư thường mất nhiều thời gian, phải duyệt qua nhiều khâu, dẫn đến kéo dài thời gian thanh toán, làm ảnh hưởng đến tình hình tài chính doanh nghiệp. Công ty đang cấu trúc hoặc khai thác các tài sản để không, đàm phán tiến tới hợp tác toàn diện với các đối tác nước ngoài để tìm nguồn vốn rẻ, nghiên cứu và phát triển thêm dịch vụ sửa chữa các nhà máy điện. Bên cạnh đó, Công ty đang cân nhắc và nghiên cứu phát hành cổ phiếu riêng lẻ để bổ sung nguồn vốn lưu động phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

Chuyên đề