Nhà thầu Việt sẵn sàng cho các công trình thế kỷ

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Nhiều công trình hạ tầng lớn sẽ tiếp tục được triển khai đầu tư để tạo động lực cho kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Với mong muốn được góp sức vào quá trình đó, nhiều nhà thầu Việt Nam cho biết, họ đã và đang chuẩn bị nguồn nhân lực, công nghệ, tài chính, sẵn sàng bứt phá cùng đất nước.
Nhiều tổng thầu mong muốn được góp sức triển khai các dự án hạ tầng công nghiệp và năng lượng quy mô lớn. Ảnh: Phú An
Nhiều tổng thầu mong muốn được góp sức triển khai các dự án hạ tầng công nghiệp và năng lượng quy mô lớn. Ảnh: Phú An

“Kỳ tích Mạch 3” thể hiện sức mạnh doanh nghiệp Việt

Đối với ông Bùi Quang Cảnh, Giám đốc Công ty TNHH MTV Xây lắp điện 4 (PCC4), 29/8/2024 là ngày không thể nào quên trong suốt hàng chục năm gắn bó, lăn lộn xây dựng các công trình điện trên khắp cả nước. Đó là ngày cắt băng khánh thành Dự án Đường dây 500kV Mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối, công trình trọng điểm, cấp bách có tổng chiều dài gần 520 km với tổng vốn đầu tư gần 1 tỷ USD, sau hơn 6 tháng thi công.

Ông Cảnh cho biết, Dự án có khối lượng thi công rất lớn, với 1.117 vị trí móng và 513 khoảng néo. Tổng khối lượng đất đá là 2,54 triệu m3; 705.000 m3 bê tông các loại; 69.800 tấn cốt thép móng; lắp dựng 1.117 cột thép với tổng trọng lượng 139.000 tấn, trong đó các cột vượt sông, vượt hồ có chiều cao tới 145 m, nặng 400 tấn…, huy động tổng số 29 nhà thầu xây lắp tham gia thi công. Đây thực sự là một kỳ tích của ngành điện, bởi với dự án có quy mô tương tự, thường phải mất từ 3 - 4 năm mới có thể hoàn thành.

“Đặc điểm của khu vực miền Bắc là vùng chiêm trũng, nền đất yếu, mưa nhiều, kèm theo giông sét, số móng cọc nhiều nên quá trình thi công gặp nhiều khó khăn, từ công tác đúc cọc, làm đường công vụ, vận chuyển… Khu vực miền Trung là vùng đất được ví như “túi mưa, chảo lửa”, các vị trí móng ở trên núi cao, địa chất phức tạp như vùng Nghi Sơn, Nam Đàn, Diễn Châu, Kỳ Anh lượng đào đá, san gạt rất lớn, đi qua địa hình đồi núi gập ghềnh, hiểm trở… Đặc biệt, dãy núi Hoành Sơn có khí hậu thay đổi thất thường, rất khắc nghiệt, hết mưa lại nắng nóng gay gắt. Mưa nhiều, đường lún trơn trượt phải làm đường tạm với hàng trăm nghìn khối đất đá…”, ông Cảnh nhớ lại.

Trước những khó khăn, thách thức đó, với sự đồng lòng, quyết tâm cao, các nhà thầu đã tích cực thi công với tinh thần “3 ca, 4 kíp”, “ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương”, “vượt nắng, thắng mưa”… ứng dụng nhiều sáng kiến trong thi công, đẩy nhanh tiến độ xây dựng. Cùng với PCC4, hàng loạt nhà thầu xây dựng khác như: Tổng công ty CP Tập đoàn PC1, Công ty TNHH Phương Hạnh, Công ty CP Sông Đà 5… đã nỗ lực từng giờ, từng phút để sớm đưa công trình về đích.

Ông Đặng Hoàng An, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, thời gian lập và trình duyệt chủ trương đầu tư/điều chỉnh chủ trương đầu tư chỉ có gần 5 tháng - cũng là một kỷ lục so với các dự án có quy mô tương tự. Toàn Dự án có 226 gói thầu, Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT) và các ban quản lý dự án đã tập trung nguồn nhân lực có chuyên môn, kinh nghiệm tổ chức đánh giá hồ sơ dự thầu không có ngày nghỉ… Kết quả là công tác lựa chọn nhà thầu đã được hoàn thành trong khoảng 60 ngày.

Ông Hồ Sỹ Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đánh giá, thành công của Dự án Đường dây 500kV Mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối cho thấy năng lực nội sinh của doanh nghiệp Việt Nam, ở đây là EVN và các đơn vị thành viên cũng như nhiều nhà thầu.

Nhà thầu sẵn sàng bứt tốc…

Dự án Đường dây 500kV Mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối không phải là công trình duy nhất gây tiếng vang trong năm 2024, nhiều dự án hạ tầng giao thông lớn cũng đã được các nhà thầu Việt hoàn thành, đưa vào sử dụng, mang lại cơ hội lớn cho phát triển đất nước. Điển hình như loạt dự án cao tốc Bắc - Nam hoàn thành (cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo, cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt đoạn từ Diễn Châu đến Quốc lộ 46B, cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo…); cầu Phước Long; phát điện hòa lưới 2 tổ máy Nhà máy Thủy điện Yaly mở rộng…

Trên con đường tương lai, để đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển, thịnh vượng, Việt Nam cần có những công trình thế kỷ. Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã thông qua chủ trương đầu tư Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận có tổng vốn đầu tư hơn 10 tỷ USD, Dự án Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam hơn 67 tỷ USD… Đây là những công trình hạ tầng được kỳ vọng sẽ mở ra nhiều cơ hội, hiện thực hóa khát vọng vươn mình của dân tộc.

Mong muốn được góp sức vào quá trình này, ông Trần Văn Nam, Phó Giám đốc Công ty TNHH Thép Hòa Phát Hưng Yên thuộc Tập đoàn Hòa Phát cho biết, Hòa Phát đã sẵn sàng sản xuất ray cung cấp cho Dự án Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Theo đó, từ năm 2021, Hòa Phát đã nghiên cứu, sản xuất thành công nhiều loại thép chất lượng cao. Mới đây, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát Trần Đình Long cùng đội ngũ chuyên gia công nghệ đã tham quan thực tế nhiều nhà máy sản xuất ray thép hàng đầu thế giới tại châu Âu; tham khảo cách bố trí dây chuyền thiết bị, cách thức vận hành tổ chức, quy trình công nghệ sản xuất, quy trình kiểm tra chất lượng…

Tập đoàn bắt đầu đàm phán, hợp tác hỗ trợ, chuyển giao công nghệ và kỹ thuật với các đối tác, nhà cung cấp thiết bị sản xuất ray thép cho đường sắt cao tốc hàng đầu thế giới hiện nay; phối hợp với Trường Vật liệu - Đại học Bách khoa Hà Nội liên tục tổ chức các khóa đào tạo bồi dưỡng chuyên sâu về sản phẩm thép chất lượng cao, trong đó có thép làm đường ray cho tàu tốc độ cao... “Hòa Phát đã sẵn sàng tham gia vào các dự án đặc biệt quan trọng này của đất nước với cam kết về chất lượng và giá cả tốt nhất”, ông Nam khẳng định.

Ông Trần Cao Sơn, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Miền Trung cho hay, để chuẩn bị cho dự án đường sắt tốc độ cao, doanh nghiệp đã tổ chức nhiều chuyến công tác, học hỏi từ các quốc gia trên thế giới, nâng cao trình độ cho đội ngũ kỹ sư, kỹ thuật.

Ở lĩnh vực công trình công nghiệp và năng lượng, Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama) - tổng thầu gắn tên tuổi với nhiều công trình lớn cũng không giấu kỳ vọng và mong muốn được góp sức xây dựng dự án hạ tầng tầm cỡ như Nhiệt điện Ô Môn IV hay Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận... Chia sẻ với phóng viên, ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Tổng giám đốc (Lilama) cho biết, thời gian qua, Lilama tổ chức một số nhóm theo sát tiến trình chuẩn bị đầu tư của các dự án; đồng thời cố gắng gây dựng lực lượng kỹ sư, người lao động có trình độ chuyên môn để bảo đảm nếu có dự án lớn sẽ sẵn sàng tham gia thực hiện.

Với sự nỗ lực và chủ động chuẩn bị về nhiều mặt, hy vọng rằng các doanh nghiệp Việt Nam sẽ tiếp tục chung tay xây dựng thêm nhiều công trình hạ tầng lớn, tạo nền tảng cho đất nước bước vào giai đoạn phát triển bứt phá hướng tới tương lai thịnh vượng.

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Chuyên đề