Nhà thầu lao đao vì Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tính từ đầu năm đến nay, Báo Đấu thầu nhận được nhiều văn bản thông báo về xử lý nhà thầu vi phạm. Trong đó, đa số là quyết định chấm dứt hợp đồng vì nhà thầu mất khả năng thực hiện hợp đồng. Nguyên nhân phổ biến được các chủ đầu tư cho biết là do nhà thầu không huy động được nhân sự, không nhập được nguyên liệu sản xuất… bởi tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19.
Công ty CP HQ PRO bị chấm dứt hợp đồng cung cấp dịch vụ bảo vệ chuyên nghiệp tại Trường THCS Kim Giang vì không huy động được nhân sự. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Công ty CP HQ PRO bị chấm dứt hợp đồng cung cấp dịch vụ bảo vệ chuyên nghiệp tại Trường THCS Kim Giang vì không huy động được nhân sự. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Đối với lý do gặp khó khăn về nhân sự, nhà thầu “đổ bể” hợp đồng nhiều nhất phải kể đến Công ty CP HQ PRO (địa chỉ tại quận Hoàng Mai, Hà Nội) với nhiều gói thầu cung cấp dịch vụ bảo vệ và dịch vụ vệ sinh công nghiệp tại các trường học.

Mới đây, nhà thầu này bị chấm dứt hợp đồng cung cấp dịch vụ bảo vệ chuyên nghiệp tại Trường THCS Kim Giang vì không huy động được nhân sự do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tại Gói thầu Cung cấp dịch vụ bảo trì, bảo dưỡng thiết bị tại Trường THCS Thanh Xuân, Nhà thầu buộc phải gửi công văn xin dừng thực hiện hợp đồng phần bắt đầu từ ngày 1/6/2021 trở đi do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nguồn lực về tài chính và nhân sự của Công ty bị xáo trộn.

Rơi vào tình huống éo le này còn có Công ty TNHH Dịch vụ văn phòng Đông Nam Á (gọi tắt là Nhà thầu Đông Nam Á). Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Đồng vừa ra quyết định chấm dứt hợp đồng đã ký với Nhà thầu Đông Nam Á về việc cung cấp dịch vụ làm sạch bệnh viện. Thời hạn thực hiện hợp đồng là 12 tháng, nhưng chỉ sau hơn 1 tháng, Bệnh viện đã phải ra quyết định chấm dứt hợp đồng. Trước đó, Nhà thầu đã chủ động gửi văn bản tới Chủ đầu tư để xin ngừng việc thực hiện hợp đồng, chấp nhận bị tịch thu bảo đảm thực hiện hợp đồng, do không thể tuyển dụng được nhân công thực hiện Gói thầu.

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Đồng cho biết, Đông Nam Á là nhà thầu duy nhất đáp ứng yêu cầu kỹ thuật trong số 4 nhà thầu tham dự với số điểm đạt tuyệt đối (100%). Trong quá trình lựa chọn nhà thầu, Bệnh viện đã cẩn thận yêu cầu Nhà thầu làm rõ thêm một lần nữa về phương án nhân sự nhằm bảo đảm thực hiện hợp đồng. Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ văn phòng Đông Nam Á chia sẻ, lúc dự thầu cũng là khoảng thời gian dịch Covid-19 chững lại, Nhà thầu yên tâm về trạng thái bình thường mới nên mới tự tin tham dự thầu. Ai ngờ đợt dịch thứ 4 lại bùng phát mạnh hơn nhiều so với các đợt dịch trước…

Một khó khăn khác tác động đến hoạt động của các nhà thầu là đại dịch Covid-19 bùng phát trên toàn cầu làm gián đoạn chuỗi cung ứng, khiến doanh nghiệp không nhập được nguyên liệu để sản xuất, cung cấp hàng hóa đúng tiến độ.

Đơn cử như Công ty CP Dược phẩm An Thiên được lựa chọn trúng thầu và ký hợp đồng với Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kiên Giang về việc cung cấp thuốc Vancomycin 500mg A.T (Gói thầu số 1 Thuốc generic thuộc Dự án Đấu thầu mua thuốc năm 2019 - 2020 của Bệnh viện). Tuy nhiên, sau khi ký hợp đồng, Nhà thầu này không cung ứng được mặt hàng thuốc đã trúng thầu vì không thể nhập được nguyên liệu sản xuất.

Ngoài ra, một số nhà thầu còn bị “đứt gánh giữa đường” vì không còn năng lực để tiếp tục thực hiện hợp đồng. Có thể kể đến Liên danh Tây Giang - CEE bị Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng chấm dứt hợp đồng thực hiện Gói thầu số 27 Mua sắm tủ điện các loại, phục vụ các công trình đầu tư xây dựng năm 2021 - đợt 1 và tịch thu bảo đảm thực hiện hợp đồng.

Những ví dụ nêu trên đã phản ánh chân thực một phần khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam hiện nay. Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cộng đồng doanh nghiệp đang gặp những khó khăn chưa từng thấy do tác động của dịch Covid-19. Qua khảo sát, có tới 87,2% doanh nghiệp cho biết chịu ảnh hưởng ở mức “phần lớn” hoặc “hoàn toàn tiêu cực”. Tính đến cuối tháng 12/2020, gần 1/3 số doanh nghiệp được khảo sát cho biết đã phải cho khoảng 30% lao động nghỉ việc.

Để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, trong các đề xuất gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới đây phục vụ cho việc xây dựng Đề án thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam, VCCI kiến nghị rà soát và giãn thời gian áp dụng một số quy định gia tăng chi phí cho doanh nghiệp; đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công nhằm dẫn dắt, thu hút doanh nghiệp ở các khu vực khác nhau có thể tham gia thực hiện trong bối cảnh doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn về tìm kiếm cơ hội kinh doanh, cũng như tiếp cận tài chính do dịch Covid-19...

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Chuyên đề