Nhà thầu gặp khó trong việc đề xuất thiết bị thay thế trong hợp đồng sử dụng vốn nhà nước

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Từ kinh nghiệm thực tiễn, chúng tôi nhận thấy, nhà thầu đang gặp khó khi đề xuất thiết bị thay thế trong các hợp đồng sử dụng vốn ngân sách nhà nước thông qua đấu thầu trong các trường hợp bất khả kháng.

Bà Nguyễn Thị Mai, Phó Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Khoa học kỹ thuật Phú Quý

Theo quy định của Luật Đấu thầu 2023 và quy định tại khoản 27 Điều 131 Nghị định số 24/2024/NĐ-CP, chủ đầu tư chỉ chấp thuận đề xuất thay thế hàng hóa trong hợp đồng khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện như: hàng hóa thay thế và hàng hóa ghi trong hợp đồng thuộc cùng hãng sản xuất và cùng xuất xứ; có tính năng kỹ thuật, cấu hình, thông số và các yêu cầu kỹ thuật khác tương đương hoặc tốt hơn hàng hóa ghi trong hợp đồng cùng nhiều điều kiện khác.

Trên thực tế, đối với các thiết bị nghiên cứu khoa học công nghệ, thiết bị phòng thí nghiệm, các dòng máy có tính phân hóa tính năng kỹ thuật, cấu hình, thông số, mục đích sử dụng, công suất… rất cao; hoàn toàn khác so với các thiết bị văn phòng hay điện thoại. Khi hãng dừng sản xuất một dòng máy (model) cụ thể, nhiều trường hợp sẽ không có model khác của cùng hãng sản xuất có tính năng kỹ thuật, cấu hình, thông số và các yêu cầu kỹ thuật tương đương hoặc tốt hơn. Hơn nữa, trong các trường hợp HSMT không quy định xuất xứ thiết bị, nên chăng có thể mở rộng cho phép thay đổi xuất xứ thiết bị cung cấp, vì một hãng sản xuất có thể sản xuất thiết bị ở nhiều quốc gia; tùy từng thời điểm, hãng sản xuất ưu tiên cung cấp thiết bị ở các quốc gia đang có sẵn hàng. Trong nhiều trường hợp, nhà thầu rất bị động về nguồn gốc, xuất xứ của thiết bị.

Chúng tôi kiến nghị các cấp có thẩm quyền xem xét, hướng dẫn cụ thể, chi tiết đối với nội dung trên, tạo thuận lợi cho nhà thầu khi thực hiện thủ tục đề xuất thay đổi thiết bị trong hợp đồng trong trường hợp bất khả kháng, bảo đảm tuân thủ hài hòa các quy định liên quan.

Chuyên đề