Công ty CP Công nghệ y tế BMS đã khiến nhiều chủ đầu tư lao đao vì xử lý các gói thầu của nhà thầu này. Ảnh: Tuổi trẻ |
Bối rối khi hủy thầu
Một chủ đầu tư tại TP.HCM đang khá bối rối khi vướng phải gói thầu do Công ty CP Công nghệ y tế BMS (nhà thầu liên quan đến vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại Bệnh viện Bạch Mai - Hà Nội) trúng thầu từ giữa năm 2020. Gói thầu có giá hơn 30 tỷ đồng, phê duyệt kết quả từ tháng 6/2020, trước thời điểm khởi tố vụ án tại Bệnh viện Bạch Mai.
“Sự việc khởi tố vụ án tại Bệnh viện Bạch Mai bắt buộc chúng tôi phải rà soát lại toàn bộ hồ sơ dù gói thầu này đã có kết quả và thương thảo hợp đồng. Nay nhiều lãnh đạo của Công ty bị dính lao lý, nguyện vọng của nhà thầu cũng mong muốn tạm dừng thực hiện hợp đồng để chủ đầu tư tổ chức mời thầu lại. Thực sự đây là trường hợp bất khả kháng với chủ đầu tư”, đại diện chủ đầu tư chia sẻ.
Công ty CP Công nghệ y tế BMS đã khiến nhiều chủ đầu tư lao đao vì xử lý các gói thầu của nhà thầu này. Bởi theo dữ liệu của Báo Đấu thầu, trong năm 2020, BMS được ghi nhận trúng nhiều gói thầu tại các bệnh viện trên cả nước. Tháng 7/2020, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định chọn nhà thầu này thực hiện Gói thầu số 3 Vật tư thay thế, nội soi khớp gối và ngoại thần kinh thuộc Dự án Mua bổ sung vật tư y tế, invitro, khí y tế năm 2020.
Tháng 8/2020, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái cũng chọn BMS thực hiện Gói thầu Mua sắm trực tiếp vật tư y tế kỹ thuật cao. Bệnh viện Đa khoa Đông Anh chọn BMS thực hiện Gói thầu số 01 Mua sắm bổ sung vật tư tiêu hao y tế năm 2020…
Một nhà thầu khác liên đới vụ án khởi tố sai phạm liên quan đến đấu thầu tại Sở Y tế TP. Cần Thơ là Công ty TNHH NSJ (sau này đổi tên thành LTQ). Thời điểm Cơ quan điều tra Bộ Công an khởi tố vụ án diễn ra ngay sau khi nhà thầu này được công bố trúng Gói thầu Mua sắm trang thiết bị y tế năm 2020 tại Bệnh viện An Bình (TP.HCM) với giá 11,9 tỷ đồng; Gói thầu Mua sắm trang thiết bị kiểm soát nhiễm khuẩn cho các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh Tây Ninh năm 2020 (giá trúng thầu là 35 tỷ đồng)…
Nhiều nhà thầu có liên quan đến những vụ án sai phạm về đấu thầu tại Sở Y tế Sơn La, CDC Hà Nội… đều là những tên tuổi có tần suất trúng thầu lớn tại các đơn vị y tế công lập. Trao đổi với Báo Đấu thầu, một số chủ đầu tư cho biết rất băn khoăn và bối rối khi tìm hướng xử lý các gói thầu mà nhà thầu dính lao lý trúng thầu.
Hướng xử lý nào phù hợp?
Trao đổi với Báo Đấu thầu, các chuyên gia đấu thầu cho biết tình trạng “rối” về cách xử lý khi nhà thầu trúng thầu dính lao lý là dễ hiểu, bởi không chủ đầu tư nào muốn “dây” với những nhà thầu có tai tiếng.
Hiện nay, nhiều chủ đầu tư mong muốn hủy thầu để hủy bỏ hồ sơ nhà thầu này. Đây là cách xử lý chưa đúng với các quy định về đấu thầu. “Hiện chưa có cơ sở nào để đề xuất hủy các gói thầu như vậy, bởi đối chiếu với các quy định, đây không thuộc trường hợp được áp dụng hủy thầu. Chưa kể, tính theo thời điểm dự thầu và trúng thầu, việc đánh giá hồ sơ của nhà thầu hoàn toàn đúng quy định thì việc đề xuất hủy chỉ nhằm mục đích xóa hồ sơ là cực kỳ bất cập”, một chuyên gia cho biết.
Trong khi đó, một số chủ đầu tư hủy thầu trong quá trình thực hiện hợp đồng khi nhà thầu có văn bản xin tạm ngừng thực hiện hợp đồng do bất khả kháng (biến động nhân sự, thay đổi chiến lược kinh doanh…). Đây là hướng xử lý khá phổ biến hiện nay với nhiều chủ đầu tư khi nhận được sự đồng thuận từ phía nhà thầu.
Một chủ đầu tư cho biết, trong các vụ án bị cơ quan điều tra khởi tố, phần nhiều đối tượng bị khởi tố là lãnh đạo của nhà thầu (giám đốc, phó giám đốc, kế toán trưởng…), ảnh hưởng rất nặng nề đến hoạt động của nhà thầu. Do đó, phía nhà thầu sẽ đề xuất chấm dứt thực hiện hợp đồng để chủ đầu tư chủ động có hướng xử lý.
Tuy nhiên, nếu việc khởi tố 1, 2 cá nhân thuộc nhà thầu không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động của nhà thầu thì việc tiếp tục duy trì hợp đồng là cần thiết. Bởi nếu nhà thầu cam kết vẫn thực hiện hợp đồng đúng chất lượng và tiến độ thì không có lý do gì phải hủy thầu. Cần xác định rõ cá nhân chủ thể hành vi sai phạm liên quan đến đấu thầu, thời điểm sai phạm để có hướng xử lý khách quan, phù hợp nhất.