Nhà thầu cố xoay xở, chờ giải pháp xử lý nợ đọng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) Nguyễn Quốc Hiệp cho biết, dù đã nhiều lần cầu cứu các cơ quan hữu quan về vấn nạn nợ đọng xây dựng, nhưng đến thời điểm này, chưa có bất cứ thông tin, văn bản nào đề cập đến các giải pháp giúp nhà thầu xử lý, tháo gỡ nợ đọng. Nhiều nhà thầu hoặc “nằm im” trong khó khăn, hoặc phải cố gắng tự xoay xở để chống đỡ áp lực tăng lên từ các khoản nợ lãi cao…
Dù đã nhiều lần cầu cứu về vấn nạn nợ đọng xây dựng, nhưng đến thời điểm này, chưa có giải pháp giúp nhà thầu xử lý, tháo gỡ nợ đọng. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Dù đã nhiều lần cầu cứu về vấn nạn nợ đọng xây dựng, nhưng đến thời điểm này, chưa có giải pháp giúp nhà thầu xử lý, tháo gỡ nợ đọng. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Trong khi người có tiền hào hứng với lãi suất tiết kiệm tăng nhanh, thì các chủ thể mang trên vai gánh nặng nợ phải chịu áp lực rất lớn vì lãi vay tăng nhanh tương ứng. Với nhà thầu, khó khăn tài chính đến từ 2 phía: một mặt không đòi được nợ đọng, mặt khác, các khoản vay để lo cho dự án cứ ngày một nở ra…

Tháng 8/2022, VACC đã tổ chức Hội thảo “Nợ đọng xây dựng - Kiến nghị và giải pháp” với sự góp mặt của nhiều lãnh đạo doanh nghiệp ngành xây dựng để phản ánh về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động. Tại đây, nhiều đại diện doanh nghiệp xây dựng, nhà thầu đã lên tiếng về tình trạng “báo động” với các con số nợ đọng xây dựng kéo dài hàng thập kỷ qua. Các doanh nghiệp này kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng và bộ, ngành liên quan vào cuộc quyết liệt hơn nữa, hỗ trợ nhà thầu đòi lại các khoản nợ đọng lâu năm, hạn chế tối đa phát sinh nợ mới.

Tháng 9/2022, tại phiên họp toàn thể Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2022 - sự kiện do Quốc hội, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với một số cơ quan tổ chức - ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch VACC tiếp tục đề cập tới nhiều khó khăn của doanh nghiệp xây dựng hiện tại, trong đó nhấn mạnh tới vấn đề nợ đọng xây dựng, chây ì thanh toán của chủ đầu tư với nhà thầu sau khi công trình hoàn thiện. “Vấn đề mà nhà thầu mong mỏi nhất là cần sớm có cơ chế bảo vệ quyền bình đẳng cho các nhà thầu xây dựng trong cơ chế hợp đồng, tránh tình trạng nợ đọng triền miên. Chúng tôi mong muốn có một buổi làm việc trực tiếp với Ủy ban Kinh tế của Quốc hội để có giải pháp tháo gỡ cho các doanh nghiệp xây dựng về vấn đề này”, ông Hiệp kiến nghị.

Trao đổi với phóng viên, ông Vũ Xuân Thắng, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Cơ khí COMA cho biết, vẫn đang chờ các cơ quan hữu quan có giải pháp giúp nhà thầu xây dựng, trong khi đó, việc xử lý nợ đọng của COMA vẫn chưa có tiến triển gì mới. Ông Thắng cho biết, với các khoản nợ có nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, COMA vẫn đang nỗ lực thực hiện các quy trình thủ tục để được thanh toán. Vấn đề ở đây là quá trình giải quyết các khoản nợ đọng này phụ thuộc vào việc bố trí vốn của chủ đầu tư, quy trình, thủ tục phê duyệt các thủ tục thanh toán phải thực hiện qua nhiều cấp, nhiều đơn vị, nên sẽ còn kéo dài.

Với các khoản nợ ngoài ngân sách nhà nước, COMA vẫn kiên trì đàm phán với các chủ đầu tư để thu hồi công nợ. Việc đưa ra tòa hoặc trọng tài thương mại giải quyết tranh chấp là phương án cuối cùng không mong muốn; giải pháp mà COMA đang ưu tiên là thương lượng, hòa giải.

Ông Khương Tất Thắng, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn chia sẻ, các khoản nợ đọng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước chủ yếu liên quan tới thủ tục hành chính, vướng mắc trong khâu thanh, quyết toán, thay đổi nhân sự…, nên dù có thể kéo dài nhưng vẫn còn hy vọng thu hồi được. Tuy nhiên, nhiều khoản nợ đọng với các chủ đầu tư tư nhân có khả năng thu hồi thấp do những nguyên nhân như chủ đầu tư làm ăn không tốt, tài chính không lành mạnh, giải tán hoặc thay đổi giấy phép đăng ký kinh doanh… Do vậy, đến giờ này, Tổng công ty luôn phải tính toán, thận trọng, cân nhắc kỹ lưỡng khi tham gia đấu thầu, thực hiện các dự án với các loại hình nguồn vốn (ngân sách nhà nước, ngoài ngân sách nhà nước) nào và lựa chọn chủ đầu tư uy tín để hợp tác. Mặc dù với nhà thầu quan trọng là công việc liên tục để duy trì hoạt động bộ máy, giữ người lao động…, nhưng với tình trạng nợ đọng chưa có hướng giải quyết triệt để, doanh nghiệp đang rơi vào tình trạng khó xử.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp cho biết thêm, đa số nhà thầu, chủ đầu tư đều không muốn đưa các vụ việc ra tòa hoặc trọng tài kinh tế để giải quyết, tránh phức tạp thêm vấn đề hoặc bị mang tiếng. Chủ đầu tư luôn ở thế thượng phong trong đàm phán do là người nắm giữ kinh tế. Nếu kiện thì bản thân nhà thầu sẽ bị mang tiếng, khó trúng thầu trong các công trình sau đó, dễ đi đến tình trạng thiếu việc làm. Mà nếu được xử thắng thì việc bảo đảm thi hành án thế nào cũng là điều đáng băn khoăn.

Đến thời điểm hiện tại, ông Hiệp thông tin, chưa có bất cứ thông tin, văn bản nào từ các cơ quan hữu quan về việc bàn thảo, đưa ra các giải pháp để giúp nhà thầu xử lý, tháo gỡ nợ đọng xây dựng. Trong khi đó, thời điểm hiện nay lãi suất đang tăng cao, doanh nghiệp xây dựng tiếp tục còng lưng gánh các khoản nợ vay, trong khi khoản nợ chồng chất không đòi được. “Một vài doanh nghiệp phải nằm im, không đủ năng lực tài chính để làm gì nữa. Nhiều doanh nghiệp xây dựng đã sát “bờ vực” phá sản mà không biết phải cứu giúp như thế nào”, ông Hiệp buồn bã nói.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư