Nhà đầu tư Trung Quốc “làm khó” UBND tỉnh Bắc Giang: Trúng thầu khắp Bắc - Trung - Nam

(BĐT) - Gần 10 tháng sau khi phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư Dự án Nhà máy Xử lý rác thải tại TP. Bắc Giang (tỉnh Bắc Giang), đến nay UBND Thành phố và Công ty China Everbright International Limited - nhà đầu tư trúng thầu, chưa hoàn thành thương thảo, đàm phán hợp đồng, do nhiều yêu cầu phát sinh mà Nhà đầu tư đưa ra. Đây không phải lần đầu tiên nhà đầu tư này trúng thầu tại Việt Nam, mà đã và đang triển khai hai nhà máy khác tại miền Trung và miền Nam.
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Vẫn đang đàm phán

Dự án nêu trên có tổng mức đầu tư 1.091 tỷ đồng, triển khai lựa chọn nhà đầu tư từ cuối tháng 4/2018. Có 7 nhà đầu tư mua hồ sơ mời thầu (HSMT). Công ty China Everbright International Limited là nhà đầu tư duy nhất nộp hồ sơ dự thầu (HSDT) và sau đó trúng thầu. Quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư được UBND tỉnh Bắc Giang ký ngày 12/12/2018. Theo Quyết định, thời hạn khởi công, hoàn thành xây dựng, kinh doanh, chuyển giao công trình dự án là 21 năm kể từ ngày hợp đồng có hiệu lực, loại hợp đồng BOO.

Theo một số nguồn tin, sau khi có kết quả trúng thầu, Nhà đầu tư liên tục có những đề nghị, yêu cầu phát sinh trong quá trình thương thảo hợp đồng với UBND Tỉnh và UBND TP. Bắc Giang. Trong đó, có yêu cầu về giá dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) từ năm thứ 6 trở đi; đề nghị thay đổi hình thức đầu tư từ BOO sang đầu tư trực tiếp nước ngoài; không tiến hành gia hạn thời gian có hiệu lực của bảo lãnh dự thầu tương ứng với thời gian có hiệu lực của HSDT đã được gia hạn…

Ngày 18/9/2019, UBND TP. Bắc Giang đã có công văn gửi Nhà đầu tư nêu rõ, do việc đàm phán hoàn thiện hợp đồng giữa UBND TP. Bắc Giang và Nhà đầu tư không thống nhất được một số nội dung nêu tại Biên bản thương thảo hợp đồng, mặt khác bảo lãnh dự thầu của Nhà đầu tư đã hết hiệu hiệu lực kể từ ngày 25/7/2019, trong thời gian từ ngày 18/9/2019 đến 25/9/2019 nếu Nhà đầu tư không có ý kiến phản hồi coi như đàm phán, hoàn thiện hợp đồng giữa hai bên không thành công và có thể hủy thầu.

Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu chiều ngày 4/10, một cán bộ của Phòng Quản lý đô thị TP. Bắc Giang - Bên mời thầu Dự án - cho biết, Nhà đầu tư đã có văn bản phản hồi, tuy nhiên vẫn bảo lưu một số yêu cầu đã đưa ra. “Dự án vẫn đang trong quá trình đàm phán, thương thảo hợp đồng, chúng tôi không thể cung cấp thông tin cụ thể về yêu cầu nào đã được Nhà đầu tư bỏ, yêu cầu nào vẫn bảo lưu. Việc có hủy thầu hay không ở thời điểm này chưa xác định được”, cán bộ này nói.

Trúng thầu khắp Bắc - Trung - Nam

Everbright có trụ sở tại Hồng Kông, Trung Quốc, là nhà đầu tư không còn xa lạ trong lĩnh vực xử lý rác thải tại Việt Nam.

Tháng 10/2018, Everbright đã được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phê duyệt là nhà đầu tư Dự án Nhà máy Xử lý rác thải sinh hoạt Phú Sơn, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế. Cả hai dự án nhà máy xử lý rác tại Bắc Giang và Thừa Thiên Huế đều chỉ có duy nhất Everbright nộp HSDT, dù cũng có nhiều nhà đầu tư khác quan tâm. HSMT hai dự án này đều ấn định công nghệ đốt rác phát điện, với đầu vào là rác sinh hoạt chưa phân loại.

Tháng 12/2016, Everbright đã được lãnh đạo TP. Cần Thơ trao Giấy chứng nhận đầu tư Dự án Nhà máy Xử lý chất thải rắn tại Khu xử lý chất thải rắn huyện Thới Lai, TP. Cần Thơ, với tổng mức đầu tư hơn 47 triệu USD. Công nghệ xử lý rác của nhà máy này cũng là đốt rác kết hợp phát điện. Khoảng 80% vốn đầu tư dự án này được Everbright vay của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Nhà máy này bắt đầu vận hành thử nghiệm từ tháng 10/2018, chính thức hoạt động từ tháng 12/2018, thời điểm đó từng gặp vấn đề tro xỉ và tro bay phát sinh sau xử lý rác cao hơn so với thuyết minh khoa học và công nghệ ban đầu mà nhà đầu tư này đưa ra. 

Tại Đà Nẵng, UBND TP. Đà Nẵng mới đây đã cho phép Công ty CP Môi trường Việt Nam liên doanh với nhà đầu tư nước ngoài, đổi mới công nghệ để xử lý rác sinh hoạt tại Đà Nẵng. Công ty CP Môi trường Việt Nam đã ký hợp đồng liên doanh với Everbright góp vốn đầu tư công nghệ đốt rác phát điện tại bãi rác Khánh Sơn, với tổng vốn đầu tư khoảng 80 triệu USD.

Trước đó, tháng 2/2018, ADB đã ký hiệp định cho Everbright vay vốn với trị giá 100 triệu USD để hỗ trợ Everbright đầu tư các nhà máy điện rác tại Việt Nam.

Theo một chuyên gia, đối với công nghệ đốt rác phát điện với đầu vào là rác thải chưa phân loại cần đặc biệt lưu ý đến hệ thống xử lý, kiểm soát khí thải, vì khi đốt cả nilon, nhựa có thể sinh ra khí độc hại, ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

Chuyên đề