Nhà đầu tư ngoại góp ý cho Dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi)

(BĐT) - Đánh giá cao phương án tiếp cận mới trong Dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi), nhưng cộng đồng nhà đầu tư ngoại vẫn còn băn khoăn đối với một số vấn đề như: xác định điều kiện đầu tư đối với nhà đầu tư ngoại; các ngành nghề, dịch vụ không thuộc bộ cam kết của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO)...
Phương pháp tiếp cận “chọn bỏ” để xác định ngành nghề dịch vụ có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài được đánh giá là một bước đột phá lớn của Việt Nam. Ảnh: Hồng Thái
Phương pháp tiếp cận “chọn bỏ” để xác định ngành nghề dịch vụ có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài được đánh giá là một bước đột phá lớn của Việt Nam. Ảnh: Hồng Thái

Lo ngại cơ chế bảo vệ nhà đầu tư

Một trong những điểm mới của Dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) là lựa chọn phương pháp tiếp cận “chọn bỏ” để xác định ngành nghề dịch vụ có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài. Theo Điều 9 của Dự Luật, danh sách “chọn bỏ” được áp dụng đối với một số ngành nghề và dịch vụ mà nhà đầu tư nước ngoài bị hạn chế về khả năng tiếp cận thị trường.

“Đây là một bước đột phá lớn của Việt Nam, sẽ tạo ra một sự thay đổi tích cực, có ý nghĩa đối với môi trường đầu tư”, Nhóm công tác Đầu tư và Thương mại của Liên minh Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) đánh giá tại VBF 2019 diễn ra mới đây.

Tuy nhiên, cộng đồng nhà đầu tư nước ngoài cho rằng, danh sách “chọn bỏ” này chỉ nên giới hạn trong những dịch vụ đã được Việt Nam cam kết trong các điều ước quốc tế, trong đó có bộ cam kết với WTO.

Về phía Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản (JCCI), ông Nobufumi Miura - Chủ tịch JCCI bày tỏ mối quan ngại về sự thiếu ổn định của môi trường pháp lý khiến cho lợi ích của các công ty và nhà đầu tư nước ngoài không được bảo vệ. Nhất là khi các biện pháp khuyến khích đầu tư mà Chính phủ đưa ra lại bị các cơ quan thuế bác bỏ hồi tố. Những rủi ro kinh doanh có thể là lý do khiến nhà đầu tư ngần ngại đầu tư thêm.

Ngoài ra, liên quan đến ưu đãi thuế, theo đại diện cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản, cơ quan thuế không nên bác bỏ việc áp dụng hồi tố các quy định pháp lý liên quan đến ưu đãi đầu tư. JCCI đề xuất Chính phủ Việt Nam xây dựng một hệ thống tra vấn trước để các nhà đầu tư có thể liên hệ với Chính phủ, bao gồm cả cơ quan thuế, để được giải đáp thắc mắc về quy định pháp luật liên quan đến các biện pháp khuyến khích đầu tư. Sự ra đời của một hệ thống tra vấn trước là một phần của pháp luật về tố tụng hành chính, sửa đổi và giảm bớt những khác biệt trong việc diễn giải quy định pháp luật và giúp đảm bảo môi trường pháp lý ổn định cho các doanh nghiệp kinh doanh tại Việt Nam. 

Không vượt cam kết hiện hành với WTO

Theo đại diện cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản, cơ quan thuế không nên bác bỏ việc áp dụng hồi tố các quy định pháp lý liên quan đến ưu đãi đầu tư. JCCI đề xuất Chính phủ Việt Nam xây dựng một hệ thống tra vấn trước để các nhà đầu tư có thể liên hệ với Chính phủ, bao gồm cả cơ quan thuế, để được giải đáp thắc mắc về quy định pháp luật liên quan đến các biện pháp khuyến khích đầu tư.
Trước lo ngại về cơ chế bảo vệ nhà đầu tư nêu trên, tại VBF 2019, ông Quách Ngọc Tuấn - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định, Ban soạn thảo Dự Luật sẽ không mở rộng các ngành nghề kinh doanh, dịch vụ hạn chế tiếp cận thị trường và có điều kiện đối với các nhà đầu tư nước ngoài so với biểu cam kết của Việt Nam với WTO. Căn cứ vào bối cảnh kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ, luật, pháp lệnh trong nước về đầu tư và các điều ước quốc tế, Chính phủ sẽ công bố danh mục này. Ngoài danh mục này, nhà đầu tư nước ngoài có quyền tiếp cận thị trường như đối với nhà đầu tư trong nước. Đây là một trong những cải cách lớn của Dự Luật, khắc phục được các quy định không rõ ràng, thiếu thống nhất trong việc áp dụng điều kiện với nhà đầu tư nước ngoài. Các quy định này sẽ loại bỏ cơ chế lấy ý kiến của các bộ quản lý ngành khi xem xét các điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài.

Đối với những băn khoăn về đảm bảo không hồi tố đối với ưu đãi đầu tư khi thay đổi chính sách pháp luật và đề xuất về đảm bảo không hồi tố đối với điều kiện đầu tư, ông Tuấn ghi nhận và cam kết nghiên cứu, trao đổi thêm để đề xuất phương án phù hợp trong quá trình hoàn thiện Dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) trình Chính phủ, Quốc hội cho ý kiến và xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 9.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư