Nhà đầu tư BOT Quốc lộ 51 phạm lỗi gì?

Các cổ đông không góp đủ vốn chủ sở hữu và không thực hiện quyết toán công trình đúng hạn là những sai sót có thể khiến Công ty cổ phần Phát triển đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu phải dừng thu phí (có thời hạn) trên Quốc lộ 51.
Để tiếp tục thu phí trên Quốc lộ 51, BVEC phải nộp đủ vốn chủ sở hữu theo quy định hợp đồng trước ngày 31/5/2016. Ảnh: Anh Minh
Để tiếp tục thu phí trên Quốc lộ 51, BVEC phải nộp đủ vốn chủ sở hữu theo quy định hợp đồng trước ngày 31/5/2016. Ảnh: Anh Minh

Không thể hồi tố

Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) vừa có thông báo kết luận của Thứ trưởng phụ trách Bộ, ông Nguyễn Hồng Trường về công tác quản lý đầu tư Dự án Xây dựng mở rộng Quốc lộ 51 qua tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu (Dự án QL51) theo hình thức hợp đồng BOT do Công ty cổ phần Phát triển đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu (BVEC) đầu tư.

Điểm đặc biệt thu hút sự quan tâm của dư luận liên quan tới việc chuyển nhượng cổ phần trong BVEC, rất ngạc nhiên, lại được cơ quan chức năng đánh giá là “phù hợp” với điều lệ cũng như chính sách pháp luật tại thời điểm doanh nghiệp thành lập.

Cần phải nói thêm rằng, Dự án QL51 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu được đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT số 21/2009/ HĐ.BOT-QL51 ngày 12/11/2009; phụ lục hợp đồng số 23/2012/PLHĐ.BOT-QL51 ngày 28/5/2012 ký kết giữa Cục Đường bộ Việt Nam (nay là Tổng cục ĐBVN) và chủ đầu tư là Công ty cổ phần Phát triển đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (công ty BVEC). Trong đó, các cổ đông ban đầu của BVEC là Tổng công ty Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Việt Nam IDICO (49% vốn điều lệ), Tổng công ty Sông Đà (30% vốn điều lệ), Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam BIDV (10% vốn điều lệ); Công ty cổ phần Phát triển đường cao tốc BEDC (do BIDV thành lập)  sở hữu 11% vốn điều lệ.

Tuy nhiên, từ khi hợp đồng được ký đến nay, doanh nghiệp dự án đã có 3 lần chuyển nhượng cổ phần giữa các cổ đông sáng lập và bên ngoài.

Theo lý giải của Ban quản lý Dự án PPP (Bộ GTVT), đơn vị được giao chủ trì rà soát Dự án QL51, do quy định của hợp đồng chỉ có điều khoản quy định về “chuyển nhượng hợp đồng” nhưng cũng không quy định chế tài xử lý nếu vi phạm. Quan trọng hơn, tại Nghị định số 78/2007/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT, BTO, BT - văn bản quy phạm tham chiếu cho Dự án cũng không quy định cụ thể điều khoản chuyển nhượng quyền và nghĩa vụ theo hợp đồng như đang quy định tại Nghị định số 15/2015/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức đối tác công tư.

Theo quan điểm của doanh nghiệp dự án, chỉ khi chuyển nhượng cả hợp đồng mới phải báo cáo Cơ quan nhà nước có thẩm quyền, nên khi doanh nghiệp dự án tiến hành chuyển nhượng cổ phần chỉ thực hiện theo Điều lệ tổ chức hoạt động của Công ty BVEC và Luật Doanh nghiệp 2005.

Việc chuyển nhượng nêu trên, nếu đối chiếu với các quy định tham chiếu Hợp đồng dự án là Điều lệ tổ chức hoạt động của Công ty BVEC và Luật Doanh nghiệp 2005 thì là hợp pháp, vì thế, khó có thể bắt bẻ được các cổ đông, trong bối cảnh không thể hồi tố áp dụng các quy định của Nghị định 15/2015/NĐ-CP.

“Chúng tôi nhận thấy việc chuyển nhượng không có tranh chấp giữa các cổ đông và luật pháp không cấm. Do vậy, đã yêu cầu doanh nghiệp dự án phải hoàn chỉnh các thủ tục để điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư”, một lãnh đạo Ban quản lý Dự án PPP nêu quan điểm.

Theo các chuyên gia, Dự án đã được ký hợp đồng từ năm 2009 căn cứ quy định tại Nghị định 78/2007/NĐ-CP từ năm 2007, có nhiều điều khoản chưa rõ ràng, chế tài xử lý không chặt chẽ, nên việc phân định đúng sai đối với vấn đề này chỉ mang tính tương đối.

Những điểm gợn còn lại

Được biết, tồn tại lớn nhất tại Dự án và cũng là vấn đề bị Bộ GTVT “thổi còi” chính là việc góp vốn chủ sở hữu. Cụ thể, theo quy định Hợp đồng, đến tháng 8/2012 nhà đầu tư phải huy  động đủ 100% số vốn chủ sở hữu là 307,576 tỷ đồng. Tuy nhiên, trên thực tế, đến thời điểm quy định, nhà đầu tư mới góp được 73,05 tỷ đồng (đạt 23,8%), còn thiếu 234,52 tỷ đồng. Đến thời điểm tháng 10/2015, vốn góp của nhà đầu tư vẫn còn thiếu tới 192,168 tỷ đồng.

“Sai sót này thuộc về các cổ đông BVEC và các cơ quan chức năng của Bộ GTVT gồm: Tổng cục Đường bộ Việt Nam - cơ quan nhà nước có thẩm quyền và Ban quản lý Dự án 7 - đơn vị được giao đại diện cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong giám sát việc thực hiện nghĩa vụ hợp đồng”, một chuyên gia cho biết.

Đây là lý do khiến Bộ GTVT yêu cầu BVEC phải khẩn trương nộp đủ vốn chủ sở hữu theo quy định hợp đồng trước ngày 31/5/2016.

“Sau khi nộp đủ vốn chủ sở hữu, khẩn trương nộp hồ sơ trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo đúng quy định”, ông Trường yêu cầu.

Đơn vị đại diện cơ quan Nhà nước có thẩm quyền Dự án là Ban quản lý Dự án 7 cũng được giao chỉ đạo nhà đầu tư lập phương án tài chính trên cơ sở những số liệu thực tế đến thời điểm trình Bộ GTVT, kèm theo dự thảo phụ lục hợp đồng điều chỉnh, trong đó lưu ý cập nhật chính xác thời điểm huy động vốn chủ sở hữu, vốn vay, hoàn thuế giá trị gia tăng.

Liên quan đến việc thanh toán cho các đơn vị thi công, theo ghi nhận của Bộ GTVT, tổng giá trị hợp đồng mà chủ đầu tư đã ký với các nhà thầu 3.135,86 tỷ đồng; đã được nghiệm thu 2.918,29 tỷ đồng và đã thanh toán cho nhà thầu là 2.834,68 tỷ đồng (đạt 97% giá trị được nghiệm thu).

Cho đến nay, công trình đã cơ bản hoàn thành (còn lại một số hạng mục phụ trợ địa phương không giải phóng được mặt bằng), nhưng qua quá trình kiểm tra, Bộ GTVT khẳng định, chủ đầu tư và nhà thầu vẫn chưa hoàn thành công tác thanh, quyết toán A-B. Lý do chủ yếu là do phần giá trị điều chỉnh giá và khối lượng phát sinh chưa được phê duyệt, nên doanh nghiệp dự án vẫn chưa thanh toán cho nhà thầu.

“Do không có đủ hồ sơ, nên đoàn kiểm tra không thể xác định giá trị công nợ chưa thanh toán giữa nhà thầu và doanh nghiệp dự án”, lãnh đạo Bộ GTVT cho biết.

Trước đó, trong văn bản giải trình gửi Bộ GTVT, ông Phạm Minh Hiệp, Tổng giám đốc BVEC chỉ xác nhận, nhà đầu tư này đang giữ của các đơn vị thi công số tiền là 71 tỷ đồng - tiền chờ phê duyệt quyết toán. Ông Hiệp cho biết thêm, việc chậm quyết toán A - B xuất phát từ lỗi của các nhà thầu.

“Chủ đầu tư đã có nhiều văn bản đôn đốc, biên bản làm việc với các nhà thầu chậm quyết toán về những vướng mắc, tồn tại, nhưng không nhận được sự hợp tác cần thiết”, ông Hiệp cho biết.

Lãnh đạo BVEC cho biết, nguồn vốn khả dụng cho Dự án còn khoảng 299 tỷ đồng (chủ yếu là vốn vay tín dụng), nếu không đủ quyết toán cho các nhà thầu, các cổ đông cam kết sẵn sàng góp bổ sung.

Được biết, đối với các tồn tại của Dự án, Bộ GTVT yêu cầu BVEC chủ trì, phối hợp với các nhà thầu, tư vấn hoàn thành công tác phê duyệt dự toán bổ sung các chi phí phát sinh, trượt giá theo đúng quy định pháp luật, thanh, quyết toán đối với tất cả nhà thầu trước ngày 31/5/2016; hoàn thành thủ tục thẩm định, phê duyệt quyết toán trước ngày 30/9/2016.

“Nếu nhà đầu tư không nộp đủ vốn chủ sở hữu, hoặc không hoàn chỉnh thủ tục trình phê duyệt quyết toán theo thời hạn nêu trên, giao Tổng cục Đường bộ Việt Nam phối hợp cơ quan liên quan dừng công tác thu phí trên QL51 đến khi hoàn thành quyết toán công trình, thời gian dừng thu phí bị trừ vào thời gian nhà đầu tư được thu phí”, Thứ trưởng Trường yêu cầu.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư