Nhà báo và sự dấn thân không giới hạn

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Bất chấp những nỗ lực trên toàn cầu nhằm bảo vệ sự an toàn cho nhà báo, làm báo vẫn là một nghề thực sự nguy hiểm. Các nhà báo ngày ngày luôn phải đối diện với sự tấn công, cầm tù, bạo lực cả về thể chất và tinh thần, thậm chí là cái chết khi đang thực thi sứ mệnh để sự thật lên tiếng, giữ cho dòng chảy thông tin thông suốt.
Các phóng viên chiến trường luôn có mặt tại các điểm nóng để mang tới cho độc giả những câu chuyện chân thật nhất. Ảnh St: Huyền Trang
Các phóng viên chiến trường luôn có mặt tại các điểm nóng để mang tới cho độc giả những câu chuyện chân thật nhất. Ảnh St: Huyền Trang

Đối diện cái chết

Mỗi khi có một cuộc chiến tranh nổ ra, các phóng viên chiến trường lại dũng cảm dấn thân vào hiểm nguy để mang tới cho độc giả những câu chuyện chân thật nhất. Dù cách thức chiến đấu trong chiến tranh hiện đại đã thay đổi đáng kinh ngạc và thế giới đang chứng kiến cuộc cách mạng công nghệ ấn tượng bậc nhất trong lịch sử, nhưng những rủi ro và thử thách mà nhà báo phải đối mặt tại nơi giao tranh chưa bao giờ thay đổi.

Bất chấp việc được bảo vệ bởi các quy định quốc tế và sự cẩn trọng mà các nhà báo luôn nằm lòng, việc đối diện rủi ro về tính mạng tại các điểm nóng chiến tranh vẫn hiện hữu. Theo ABC News, cuộc chiến Nga - Ukraine đã khiến 3 nhà báo Oleksandra Kuvshynova, Pierre Zakrzewski và Brent Renaud thiệt mạng.

Kuvshynova, 24 tuổi, là một nhà sản xuất và chuyên gia tư vấn tại Fox News. Cô cùng Zakrzewski (55 tuổi, người quay phim) đã thiệt mạng vào ngày 14/3/2022, khi xe của họ phát nổ trong một trận pháo kích. Trước đó, ngày 13/3/2022, Renaud, nhà làm phim nổi tiếng cũng qua đời khi có mặt tại trận địa. Renaud, Kuvshynova và Zakrzewski nối dài thêm danh sách các phóng viên chiến trường đã dấn thân và hy sinh cho những câu chuyện cần được kể.

Đáng buồn, đây không phải vấn đề mới. Theo Seattle Times, chỉ riêng trong cuộc xung đột Syria, 54 nhà báo tự do và 23 nhà báo chuyên nghiệp đã chấp nhận hy sinh tất cả (kể cả tính mạng) khi cố gắng cho cả thế giới biết chuyện gì đang diễn ra.

Không chỉ gặp nguy hiểm trong các cuộc chiến, nhà báo vẫn luôn là “nghề nguy hiểm” khi đối diện với nhiều rủi ro khác. Theo báo cáo mới nhất của Liên đoàn Quốc tế các nhà báo (IFJ - International Federation of Journalists), năm 2021, 45 nhà báo đã bị sát hại tại 20 quốc gia. Kể từ năm 1991 cho tới nay, theo IFJ, trên thế giới, 2.721 nhà báo đã bị sát hại.

Năm 2021, khu vực châu Á - Thái Bình Dương trở thành điểm nóng khi có 20 nhà báo bị tấn công và sát hại, tiếp theo đó là châu Mỹ (10 nhà báo thiệt mạng), châu Phi (8 nhà báo thiệt mạng), châu Âu (6 nhà báo thiệt mạng)…

Đáng chú ý, nhiều bằng chứng cho thấy, ngày càng nhiều nhà báo, nhân viên làm việc trong ngành truyền thông bị tấn công và sát hại khi điều tra các vụ án tham nhũng, tội phạm, lạm dụng quyền lực.

Tổng thư ký IFJ Anthony Bellanger cho biết: “45 nhà báo, những người đồng nghiệp thiệt mạng trong năm qua nhắc nhở tất cả về những mất mát to lớn mà nhà báo phải đối mặt để phục vụ lợi ích cộng đồng. Chúng ta nợ họ, cũng như hàng chục nghìn nhà báo khác, những người luôn sẵn sàng dấn thân, bất chấp việc phải trả cái giá nặng nề nhất”.

Số lượng nhà báo đang bị cầm tù hoặc mất tích

Số lượng nhà báo đang bị cầm tù hoặc mất tích

Sẵn sàng dấn thân

Theo số liệu của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO), trong giai đoạn 2016 - 2022, có 400 nhà báo bị sát hại, cao hơn gần 20% so với 5 năm trước đó. Đáng chú ý, đa phần các vụ án chưa được xử lý thích đáng, với chỉ 13% các vụ án đã đi đến hồi kết.

Các vụ tấn công nhà báo tồn tại dưới nhiều hình thức, thậm chí nhiều hành vi vẫn chưa xuất hiện trong các quy định hiện hành. Chẳng hạn, hàng loạt báo cáo và nghiên cứu chỉ ra rằng, các nhà báo đối diện nguy cơ tấn công mạng ngày càng cao. Một khảo sát của UNESCO với hơn 900 nhà báo cho thấy, 73% trả lời họ từng bị tấn công trên mạng, hoặc bị công kích bằng nhiều hình thức.

Đáng buồn hơn, đại dịch Covid-19 tạo nên những thử thách mới đối với người làm báo, đồng thời trở thành cái cớ để bắt các nhà báo phải “im lặng”.

Theo Press Emblem Campaign, ít nhất 1.967 nhà báo đã thiệt mạng do nhiễm Covid-19 trong giai đoạn tháng 3/2020 đến tháng 2/2022. Dù sẵn sàng đứng nơi tuyến đầu chống dịch, nhưng nhiều nhà báo lại bị tước đi quyền cung cấp thông tin chân thật, chính xác.

Tổng thư ký Tổ chức Phóng viên không biên giới (Reporters without Borders - RSF) Christophe Deloire cho biết, cả Trung Quốc và Iran đều cấm các phương tiện truyền thông đưa tin về tình hình đại dịch. Tại Iran, quốc gia này đã tước giấy phép hoạt động của Reuters trong 3 tháng sau khi hãng thông tấn này công bố những câu chuyện về tính minh bạch của số lượng người nhiễm bệnh. Tại châu Âu, Hungary đã ban hành điều luật cho phép phạt tù lên tới 5 năm liên quan đến việc công bố các thông tin “chưa được nhà quản lý kiểm chứng” liên quan tới dịch bệnh.

Tháng 3/2022, Ruth Michaelson, nhà báo của tờ Guardian đã bị trục xuất khỏi Hy Lạp sau khi cô thực hiện bài viết cho biết quốc gia này có nhiều ca bệnh hơn so với con số được công bố. Đây không phải trường hợp cá biệt, nhiều quốc gia khác cũng đã có hành động tương tự. Tờ Columbia Journalism Review đã đăng tải bài viết khẳng định “đại dịch Covid-19 đã tàn phá sự tự do báo chí trên toàn cầu”, với dẫn chứng từ việc cảnh sát Venezuela có hành động bạo lực với nhà báo khi tác nghiệp thông tin đại dịch. Tại Thổ Nhĩ Kỳ, 7 nhà báo bị tạm giữ khi đưa tin…

Thực tế, công việc của các nhà báo trên toàn cầu ngày càng quan trọng trong bối cảnh nhiều thông tin không được kiểm chứng tràn lan, thiếu sự kiểm soát và phát tán với tốc độ khủng khiếp nhờ Internet và công nghệ. Tin giả đang tấn công toàn cầu như một loại virus và các nhà báo chính là lực lượng đứng đầu chiến tuyến bảo vệ niềm tin của độc giả, cũng như mang tới những thông tin chính xác, chân thực. Hơn bao giờ hết, chúng ta cần niềm tin và cũng bởi vậy, cần phải có những nhà báo luôn sẵn sàng dấn thân.

Chuyên đề